Bánh… 'giỗ'

Nếu gọi là bánh tẻ cũng không đúng vì khi ăn sẽ gặp độ dẻo, như thể có cả bột nếp.

Ảnh: Quốc Bình

Thế nên, mấy đứa nhỏ thống nhất gọi là bánh “giỗ” - gọi theo nguyên do chúng được nhận quà. Ấy là, mỗi lần ông nội về quê giỗ chạp, từ Hoằng Hóa đến Nga Sơn (Thanh Hóa), là lại mang theo thức quà này.

Đã có lần cùng ông về quê ăn giỗ, nhóc lớn mắt tròn, mắt dẹt khi mới sớm ra đã thấy người đưa hàng khuân đến cả thùng xốp đầy bánh. Nó thắc mắc sao có dăm mâm mà đặt nhiều thế này, thì được bà bác giải thích: “Còn để làm quà cho mọi người…”.

Ảnh: Quốc Bình

Bánh… “giỗ” được làm từ bột (tẻ và nếp), giữa có nhân thịt băm. Bánh thuôn dài gần gang tay, nằm giữa lá dong xanh. Khi hấp, màu xanh vừa nhuộm vào làm áo bánh hanh hanh vừa đượm hương ngai ngái của lá tươi.

Bữa sáng cuối tuần này, lại có bánh “giỗ” được mẹ hấp nóng hôi hổi. Vẫn hương vẫn vị ấy nhưng có vẻ hơi nhạt nên mẹ gợi ý chấm thêm mắm tiêu. Nhóc lớn giãy nảy: “Mắm tiêu sẽ làm mất vị ngọt của bột gạo đấy mẹ”.

Quốc Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/banh-gio-post677291.html