Bằng chứng về biến đổi khí hậu sớm, khiến Trái đất nóng lên nhanh hơn

Một số bọt biển hàng thế kỷ nằm dưới đáy biển Caribbean khiến hai nhà khoa học Malcolm McCulloch (Đại học Tây Úc) và Amos Winter (Đại học bang Indiana) tin rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra bắt đầu sớm hơn so với dự kiến, khiến thế giới nóng lên nhiều hơn tính toán lâu nay.

Theo hai nhà khoa học, Trái đất đến năm 2020 đã nóng lên 1,7 độ C - vượt qua ngưỡng giới hạn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp mà các quốc gia đặt ra. Tính toán này dựa trên phân tích 6 loài bọt biển có tuổi thọ cao nhằm tìm hiểu thay đổi về nhiệt độ nước, độ axit cùng nồng độ CO2 trong không khí.

Mẫu bọt biển vỏ cứng quý hiếm ở Caribbean - Ảnh: AP

Ông McCulloch cảnh báo rằng phát hiện của họ cho thấy khoảng thời gian còn lại để con người cắt giảm phát thải, qua đó giảm thiểu nguy cơ biến đổi khí hậu nguy hiểm bị ít đi cả chục năm hoặc hơn: “Đây thực sự là nhật ký về thảm họa sắp ập đến”.

Vài năm qua, thế giới liên tiếp hứng chịu hiện tượng thời tiết cực đoan (bão lũ, hạn hán, nắng nóng khắc nghiệt...) nghiêm trọng hơn những gì giới khoa học dự đoán đối với mức độ nóng lên hiện tại. Ông Winter cho rằng nhiệt độ toàn cầu tăng cao hơn tính toán lâu nay có thể là lý giải hợp lý. Phát hiện mới nhất cũng củng cố giả thuyết biến đổi khí hậu đang tăng tốc được đưa ra bởi nhà khoa học NASA James Hansen vào năm ngoái.

Là sinh vật đơn giản có khả năng lọc nước và sống rất lâu, bọt biển ghi lại điều kiện môi trường sống vào khung xương của nó. Giới khoa học vẫn thường dựa vào chúng (cùng với vòng thân cây, lõi băng, san hô) để nghiên cứu sự thay đổi sinh thái qua hàng thế kỷ, đặc biệt là khoảng thời gian trước thế kỷ 20.

Không như vòng thân cây, lõi băng hay san hô, bọt biển cho nước chảy qua khắp cơ thể nên có thể ghi lại thay đổi quy mô lớn. Hai nhà khoa học McCulloch và Winter phân tích bọt biển vỏ cứng quý hiếm sống ở độ sâu 33 - 98m để tính dữ liệu nhiệt độ vào thế kỷ 19, tìm ra sự khác biệt rất lớn so với báo cáo của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc (IPCC) được công nhận rộng rãi.

Nghiên cứu cho rằng đầu thế kỷ 19 mát hơn khoảng 0,5 độ C so với tính toán lâu nay. Tình trạng nóng lên gây ra bởi khí giữ nhiệt xảy ra sớm hơn khoảng 80 năm. Phát hiện hoàn toàn hợp lý vì giữa thế kỷ 19 cách mạng công nghiệp đã bắt đầu, thải lượng lớn CO2 ra không khí.

Theo hai nhà khoa học, bọt biển giúp xác định chính xác nhiệt độ môi trường bởi có thể theo dõi lượng canxi và strontium tích tụ trên khung xương của chúng. Ông Winter cho biết nước ấm hơn khiến strontium nhiều hơn canxi, còn nước mát hơn dẫn đến canxi nhiều hơn strontium.

Phát hiện mới nhất nhận phải không ít hoài nghi. Nhà khoa học Michael Mann (Đại học Pennsylvania) vốn không tin báo cáo của IPCC nhưng cũng cảm thấy dữ liệu từ bọt biển ở chỉ một vùng trên thế giới thì chưa đủ sức thuyết phục. Nhà khoa học Michael Oppenheimer (Đại học Princeton) nhận định dù cho nhiệt độ ở thế kỷ 19 thực sự mát hơn như McCulloch và Winter phát hiện thì cũng chưa thể lý giải mức độ nguy hiểm của biến đổi khí hậu, vì mức độ nguy hiểm liên quan đến mức thay đổi nhiệt độ thời điểm đó nhiều hơn là cột mốc nhiệt độ thời tiền công nghiệp.

Hai nhà khoa học McCulloch và Winter khẳng định cách thức tính toán bằng bọt biển hoàn toàn chính xác. Dữ liệu lấy từ bọt biển khớp với nghiên cứu sử dụng vòng thân cây, lõi băng hay san hô. Họ cũng nhấn mạnh bọt biển ở Caribbean đủ tính đại diện vì độ sâu chúng sinh sống không bị chu kì El Nino cùng La Nina ảnh hưởng quá nhiều, nhiệt độ nước tương tự nhiệt độ đại dương toàn cầu.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bang-chung-ve-bien-doi-khi-hau-som-khien-trai-dat-nong-len-nhanh-hon-213878.html