Bản tin thời kỳ chống Pháp tiền thân của Báo Lạng Sơn

Ngày 5/3/1964, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 05/NQ-TĐB về việc chuyển Tờ tin Lạng Sơn thành Báo Lạng Sơn kể từ ngày 1/4/1964. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 1/5/1964, nhân kỷ niệm Quốc tế Lao động, Báo Lạng Sơn đã trang trọng ra mắt bạn đọc số đầu tiên. Từ những tờ tin đầu tiên phát triển thành nhật báo là một hành trình đầy gian khó và cũng hết sức đáng tự hào. Trong đó, những bản tin thời kỳ kháng chiến chống Pháp được coi là mốc dấu khởi đầu cho sự hình thành và phát triển của báo Lạng Sơn hôm nay.

Tờ “Bản tin” ra ngày 14/6/1951 do Ty Thông tin Lạng Sơn xuất bản

Năm 1946, cùng với cả nước, Nhân dân Lạng Sơn bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược. Từ cuối năm 1947, Lạng Sơn trở thành địa bàn chiến lược quan trọng trong âm mưu tiến công lên Việt Bắc của chúng. Để động viên mọi lực lượng đóng góp sức người, sức của cho “Kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công”, ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc nhằm động viên mọi lực lượng trong cả nước tham gia vào công cuộc kiến thiết đất nước, bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Người, ngày 15/6/1948, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ nhất tổ chức tại Bản Đao (xã Tân Văn, huyện Bình Gia) đã đề ra nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ tiếp tục tiến hành kháng chiến của quân, dân trong tỉnh. Trong đó có nhiệm vụ trọng tâm: phát động Nhân dân và các cơ quan đẩy mạnh phát triển sản xuất, tự túc lương thực, hưởng ứng phong trào tiết kiệm đóng góp “lọ gạo nuôi quân” cung cấp lương thực cho lực lượng vũ trang chiến đấu ngoài mặt trận; tăng cường giáo dục, xây dựng niềm tin cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào đường lối do Đảng lãnh đạo…

Trước yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, ở tỉnh bắt đầu xuất bản các ấn phẩm thông tin, tuyên truyền của các ban, ngành, đơn vị từ cấp tỉnh đến các huyện. Hội Cứu quốc có tờ “Nội san Thi đua”, Ty Bình dân học vụ có “Báo Dân học”, Trung đoàn Bộ đội địa phương có tờ “Địa phương quân”, cơ quan thông tin Quân dân chính Lạng Sơn có tờ “Sức mạnh Nhân dân”, tờ tin “Du kích” của quân dân Lạng Sơn ra hằng tuần… Trong bối cảnh đó, Ty Thông tin Tuyên truyền nhận nhiệm vụ xuất bản tờ bản tin và các đặc san. Những tờ tin lúc đó có vai trò, ý nghĩa như một tờ báo Đảng, phạm vi tuyên truyền không bó gọn riêng trong ngành mà phát hành trên toàn tỉnh.

Các tư liệu lưu trữ ở các bảo tàng trung ương và địa phương cho thấy, vào khoảng giữa năm 1948, ở Lạng Sơn bắt đầu xuất hiện các ấn phẩm thông tin tuyên truyền đầu tiên. Để kịp thời phản ánh cuộc kháng chiến anh dũng của quân dân ta, từ giữa tháng 6/1948, Ty Thông tin Lạng Sơn đã phát hành tờ "Lạng Sơn Kháng chiến" khổ 26,5 x20,5 cm, dày 10 trang đưa tin hoạt động của quân, dân ta trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, ấn phẩm này mới chỉ ở dạng một tập san văn nghệ, phản ánh tình hình thời chiến dưới dạng các bài ghi chép, mẩu chuyện… Sau đó ít lâu, một tờ tin có hình thức giống như một tờ báo đã xuất hiện, đó là tờ “Bản tin tóm tắt” số 1 do Ty Thông tin Tuyên truyền Lạng Sơn xuất bản ngày 15/9/1948. Tờ tin có khổ nhỏ như tờ giấy A4 (kích thước 27 x 20,5 cm), in một mặt bằng kỹ thuật in lito (in đá), nhưng được trình bày theo đúng thể thức của một tờ báo. Phía bên trên là măng - sét gồm: tên gọi, số, thời gian, kỳ phát hành, tên cơ quan chủ quản... Bên dưới là nội dung đưa tin thời sự thế giới, trong nước, trong khu và của tỉnh. Có thể thấy đây là tờ tin Lạng Sơn sớm nhất hiện biết qua các tài liệu lưu trữ. Sau này, tờ “Bản tin tóm tắt” thay đổi dưới nhiều tên gọi khác nhau: “Bản tin”, “Tin Lạng Sơn”, “Tin khắp nơi” “Lạng Sơn thông tin”... nhưng cơ bản vẫn nhất quán về hình thức và nội dung như bản tin tóm tắt số 1. Kích thước của các tờ tin thời kỳ đó thường không ổn định, có đôi chút xê dịch nhưng phổ biến dạng khổ nhỏ như tờ giấy A4 (27 x 21 cm) in một hoặc hai mặt bằng kỹ thuật in lito. Thời gian phát hành cũng không cố dịnh, lúc đầu ra một tháng hai kỳ, có thời kỳ ba ngày/số, có thời lại bảy ngày/số... Cho đến những năm kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, sang năm 1955 thì tờ “Lạng Sơn Thông tin” đã mang dáng dấp, hình ảnh của tờ Báo Lạng Sơn ngày nay - khổ rộng 41 x 27 cm, in typo (khuôn chữ) hai mặt. Kèm theo các tờ tin này còn có phụ trương ra 1 tuần/số.

Lạng Sơn thông tin” số tết Quý Tỵ (năm 1953), do Ty Tuyên truyền, Văn nghệ Lạng Sơn xuất bản

Có thể thấy, tuy còn rất đơn sơ nhưng nội dung phản ánh của các tờ tin này rất rộng và phong phú. Giống như báo Đảng hiện nay, các bản tin của Lạng Sơn thời kỳ này chủ yếu đưa tin tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Bên cạnh đó còn có các sự kiện nổi bật trong nước và Quốc tế. Bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, các tờ tin luôn phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, của Nhà nước đến các tầng lớp Nhân dân như chính sách thuế nông nghiệp, giảm tô, mua công trái… Từ giữa năm 1948, khi Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Lạng Sơn dốc toàn tâm, toàn lực cho công cuộc kháng chiến thì tờ tin cũng bám sát hiện thực đó để phản ánh kịp thời bằng các tin, bài về phong trào thi đua ái quốc của tỉnh như: diệt giặc đói, giặc dốt; thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm gắn với phong trào “lọ gạo nuôi quân”, thi đua sản xuất tà vẹt, làm đường giao thông để ủng hộ bộ đội và kháng chiến của Nhân dân ở các huyện, thị… Cùng đó, tin chiến thắng vang dội của quân dân ta trên mặt trận đường 4 cũng được phản ánh rất mau chóng trên tờ tin. Bài viết về các tập thể, cá nhân điển hình trong lao động sản xuất, những tấm gương trong thực hiện nghĩa vụ thuế nông nghiệp thường xuyên xuất hiện trên tờ tin. Công tác chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống luôn được chú trọng. Trong các kỷ niệm lớn của đất nước và của tỉnh như: Quốc tế Lao động 1/5, ngày sinh nhật Bác 19/5, kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, khởi nghĩa Bắc Sơn 27/9…đều có bài viết đưa tin hoạt động hướng về ngày kỷ niệm, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương đất nước. Tin bài công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, về tình hữu nghị giữa nước ta và các nước trong khối xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc... cũng thường xuyên được đề cập trên các bản tin. Có thể nói, tình hình thời sự của tỉnh đã luôn được cập nhật, phản ánh một cách toàn diện, sâu sắc trên các tờ tin lúc đó.

Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp, tờ tin Lạng Sơn đã luôn đồng hành cùng quê hương đất nước, trở thành một kênh thông tin quan trọng chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đến với tổ chức, đoàn thể, quần chúng Nhân dân. Bên cạnh đó còn tích cực động viên, cổ vũ đồng bào các dân tộc trong tỉnh sôi nổi hưởng ứng phong Thi đua ái quốc của Bác, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, anh dũng. Đó cũng là những tư liệu vô cùng quý giá giúp cho việc nghiên cứu lịch sử của tỉnh cũng như quá trình hình thành và phát triển của Báo Lạng Sơn ngày nay.

CHU QUẾ NGÂN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/ban-tin-thoi-ky-chong-phap-tien-than-cua-bao-lang-son-5006777.html