Bản tin 20/4: 1.300 học sinh Đắk Lắk bỏ học

Đắk Lắk: 1.300 học sinh bỏ học; Bắc Bộ sắp đón đợt không khí lạnh vào gần cuối tháng 4; Được bà sơ cứu kịp thời, bé gái bị té sông thoát cửa tử.

Đắk Lắk: 1.300 học sinh bỏ học

Theo VOV nửa đầu năm học này, tại tỉnh Đắk Lắk đã có 1.300 học sinh bỏ học, chủ yếu là ở bậc THPT và THCS. Theo bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, những nguyên nhân khiến học sinh bỏ học là vì chán học do học kém, tiếp thu chậm, cha mẹ ít quan tâm, nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình... Trước tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng, Sở đã chỉ đạo các trường phân công giáo viên bám sát, phân luồng học sinh để lên kế hoạch phụ đạo, hướng dẫn ôn tập cho các em học yếu; đồng thời phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, vận động, hỗ trợ các em vượt qua khó khăn tiếp tục đến trường…

Bà Lê Thị Kim Oanh cho biết: “Đối với một số học sinh có điều kiện gia đình khó khăn, chúng tôi có huy động nguồn lực xã hội từ các tổ chức để hỗ trợ các em phương tiện xe đạp, nhu yếu phẩm, quần áo, sách vở, nhằm giúp các em có thêm điều kiện đến trường, để không phải vì khó khăn mà phải bỏ học. Ngoài ra, ở các địa phương đều có sự phối hợp với các tổ chức đoàn thể, giáo viên bộ môn, chủ nhiệm được phân công kèm cặp các em; làm với phụ huynh để vận động tuyên truyền giúp các em bỏ học quay trở lại lớp học".

Sau khi được chính quyền quan tâm, những tháng gần đây, tình trạng học sinh nghỉ học ở Đắk Lắk đã giảm. Em Trần Thị Yến Ngọc, Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Krông Bông, cho biết: “Thời gian qua Tết vừa rồi em có ý định nghỉ học để đi học nghề cắt tóc. Sau khi được các bạn bè, thầy cô khuyên nhủ, em đã thay đổi ý định, thấy việc đi học chữ quan trọng hơn".

Bắc Bộ sắp đón đợt không khí lạnh vào gần cuối tháng 4

Không khí lạnh sắp tràn về. Ảnh minh họa.

Thông tin trên VTC News sau những ngày nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt trên 40 độ C, một đợt không khí lạnh được dự báo tràn về nước ta gây mưa ở Bắc Bộ và Trung Bộ từ ngày 24/4.

Bắc Bộ, Trung Bộ đang trải qua những ngày nắng bức với nhiệt độ cao nhất có nơi hơn 40 độ C. Nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt ở Tây Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Phú Yên và nắng nóng ở Đông Bắc Bộ khả năng kéo dài đến khoảng 23/4. Từ 24/4, nắng nóng dịu dần.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan cho biết, đến tối 23 sang ngày 24/4 sẽ có một đợt không khí lạnh tràn về gây mưa ở miền Bắc và miền Trung. Đây có thể là đợt không khí lạnh cuối cùng về Việt Nam trong năm nay.

Tại Hà Nội, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 24/4, nhiệt độ cao nhất tại thủ đô ghi nhận 30 độ C, giảm khoảng 5 độ C so với ngày hôm trước và tiếp tục giảm thêm 6 độ C, về ngưỡng 24 độ C trong ngày 25/4 kèm mưa dông. Vì vậy, người dân cần đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh trong dông.

Cũng theo cơ quan khí tượng, hiện tượng Enso tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính từ nay đến khoảng tháng 6/2023 với xác suất 80-90%, sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục có xu hướng tăng dần và nghiêng về pha El Nino. Bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 5.

Nắng nóng có thể gia tăng hơn từ khoảng tháng 5-7/2023, tập trung nhiều tại Bắc Bộ và Trung Bộ, số ngày nắng nóng khả năng xuất hiện nhiều và gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022.

Trong 3 tháng này, nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm. Trong đó, Tây Nguyên - Nam Bộ, nhiệt độ tháng 5 phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Được bà sơ cứu kịp thời, bé gái bị ngã xuống sông thoát cửa tử

Tình hình sức khỏe của bé gái đã ổn định sau nhiều ngày được điều trị tích cực. Ảnh: BVCC.

Thông tin trên Người Lao Động, bác sĩ Trần Đăng Khoa, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bé gái bị ngạt nước do ngã xuống sông. Khi người nhà đưa bé lên bờ thì cơ thể đã tím tái, ngưng thở.

Ngay lúc này, bà ngoại bé đã thực hiện sơ cứu tại chỗ xốc nước và thổi ngạt cho bé. Sau đó, bé thở lại được, gia đình nhanh chóng đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, kích thích. Bé được thở oxy rồi chuyển đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long để tiếp tục điều trị.

Tại đây, bé nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, co gồng tay chân, các bác sĩ cấp cứu và khoa Nhi đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp hồi sức tích cực, hút đàm nhớt trong miệng, ủ ấm, thở áp lực dương liên tục qua mũi (NCPAP), đặt sonde dạ dày, điều chỉnh rối loạn điện giải, chống phù não, kháng sinh dự phòng nhiễm trùng.

Qua hai ngày điều trị tích cực, bé tỉnh táo hoàn toàn, ăn uống được, tiêu tiểu khá, không ghi nhận các di chứng não. Bé được xuất viện vào ngày thứ 3 và được hẹn tái khám sau 3 ngày.

Theo bác sĩ Trần Đăng Khoa, đuối nước là tai nạn thường gặp ở trẻ em thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long do hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, nhất là vào mùa nóng các bé thường hay tắm sông, hồ. Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc có các biến chứng nặng như: suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu oxy kéo dài là do không được cấp cứu kịp thời hoặc cấp cứu không đúng cách.

Những thao tác đầu tiên của cấp cứu hồi sức ban đầu góp phần quan trọng trong việc cứu sống tính mạng của trẻ: không để trẻ nhỏ một mình ở nhà, đậy kín các vật chứa nước trong nhà. Không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông: luôn có người lớn đi theo. Không cho bệnh nhân động kinh bơi. Nên hướng dẫn tập bơi, cho trẻ học bơi.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-204-1300-hoc-sinh-dak-lak-bo-hoc-a603845.html