Bản sắc lễ hội

Nếu phần lễ thể hiện sự tôn nghiêm, trang trọng của người tham gia với thần linh thì phần hội lại khiến mọi người được kết nối, giải trí với nhau. Tuy nhiên, để có sự hưởng ứng của Nhân dân trong làng, sự tham gia đông vui của người làng trên xóm dưới, chắc chắn phải là lễ hội độc đáo mang đậm bản sắc tộc người hay một vùng đất.

Lễ hội Pôồn Pôông được người Mường xứ Thanh giữ gìn và phát triển.

Sau 62 năm thất truyền (từ năm 1945 đến 2007), người dân làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh (Yên Định) mới được nghe thấy tiếng trống. Theo Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Trịnh Đình Quý (sinh năm 1943): Các cụ xưa khi nói về “đặc sản” ở đất Yên Định đã có câu: “Trò Chiềng, vật Bộc, rối Si/ Cơm đắp kẻ Lở, cơm thi kẻ Lào”, để khẳng định vị trí số 1 là trò Chiềng. Năm 2007, khi trò Chiềng bắt đầu khôi phục, ông và 4 người trong làng mới chỉ sưu tầm và luyện tập được 4 trò: Thiên vương, Tẩu mã, Chọi rồng, Chọi voi. Vui mừng đã đành, bà con còn tin rằng, người làng Trịnh Xá vẫn luôn có thần linh phù trợ, để rồi “lên tiếng” gọi hội làng trở về. Đến nay, cả 12 trò đã được khôi phục.

Lễ hội Trò Chiềng diễn ra trong 5 ngày, từ mùng 8 đến 12 tháng Giêng hằng năm. Theo quy định, năm mất mùa, làng chỉ mở tiểu trò (gồm tế lễ và chọi voi), năm đời sống bà con tương đối khá sẽ mở trung trò qua việc diễn từ 3 đến 5 trò; và năm được mùa chắc chắn là đại trò với đầy đủ 12 trò. Tương ứng với điều đó, hiện nay tiểu trò đồng nghĩa với quy mô cấp xã; trung trò là quy mô cấp huyện và đại trò là quy mô cấp tỉnh. Trong quy mô cấp huyện, lễ hội trò Chiềng năm 2024 đã được tổ chức 7 trò.

Mở đầu lễ hội Trò Chiềng là phần tế lễ rước Thành hoàng làng, kiệu vàng... Cụ Tiên chỉ hoặc lão làng được hội đồng làng tiến cử làm chức “Thượng soạn” tức là người điều khiển diễn trò. Phần hội trong lễ hội Trò Chiềng có các trò đặc sắc như: kén rể, tẩu mã, chọi voi, chọi rồng - cá chép hóa rồng, lễ rước Phụng Hoàn... Trong đó, trò voi trận (còn gọi là chọi voi) vốn là linh hồn của trò Chiềng. Trong trò chọi voi có voi chầu và voi chọi, voi chọi được đan bằng tre và mây, do 4 thanh niên lực lưỡng vác 4 chân và 1 lão nông khỏe mạnh, có nhiều kinh nghiệm cầm cần điều khiển đầu voi để chọi. Khi “Thượng soạn” phát lệnh, 2 con voi sẽ xông vào nhau, chọi bằng 2 chiếc ngà; lệ xưa quy định, voi sẽ chọi trong 2 vòng, mỗi vòng 3 hiệp, con nào bị đẩy lùi thì bị thua. Sau khi trò diễn kết thúc, tất cả voi, ngựa, rồng, được đem hóa yết cáo trời đất, tri ân công đức của cha ông và các bậc tiền nhân.

Lễ hội Trò Chiềng là dịp để ôn lại lịch sử làng, nhắc nhở người dân về công lao của thành hoàng làng Tam Công Trịnh Quốc Bảo, người đã giúp vua Lý Thánh tông đánh quân Tống ở phía Bắc, dẹp yên giặc Chiêm Thành ở phía Nam. Ông chính là người nghĩ ra cách đánh giặc bằng việc xây dựng một đội tượng binh tre nứa trông như voi thật.

“Đặc sắc nhất của lễ hội Trò Chiềng đó chính sự tham gia của tất cả người dân, được đóng góp tại ngày hội làng là một niềm vinh hạnh. Vì thế khi dự phần vào cuộc tế mọi người đều có phong thái, tinh thần thoải mái, tôn nghiêm và ngưỡng mộ. Từng câu chữ trong bài chúc văn, từng động tác của đội chèo, đội tế, bài trí sân lễ và lễ vật các dòng họ, các thôn, các gia đình dâng lên... với sự cung kính từ sâu trong mỗi người”, NNƯT Trịnh Đình Quý khẳng định.

Đến với lễ hội Nàng Han, người dân thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân (Thường Xuân) cho chúng ta cảm nhận được niềm tự hào về “Trịnh Vạn đất rộng, trời bằng/ Đường đi lối lại sớm chiều phẳng phiu”, và hơn hết mảnh đất này gắn liền với một thời kỳ thăng trầm và hào hùng của dân tộc, đất Trịnh Vạn xưa đã từng là căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Trận thua ngày 16 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1414), Lê Lợi buộc phải rút vào ẩn náu ở núi Chí Linh lần thứ nhất, từng bước gây dựng lại lực lượng. Ở đây, nàng Han xinh đẹp, thông minh và giỏi võ nghệ đã thưa với bố mẹ được giấu thân phận nữ nhi, giúp vua diệt trừ lũ giặc, giữ yên bản, vui mường.

Trò Giáo tàu (Ngoại thương) là phần thi hấp dẫn trong lễ hội trò Chiềng, làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh (Yên Định).

Bà Cầm Thị Đành là người duy nhất ở xã Vạn Xuân đang “giữ” tất cả các tục lệ, bài hát, bài cúng trong lễ hội Nàng Han, “nhưng người thực hành và khiến lễ hội Nàng Han ngập tràn không khí chính là người dân”. Lễ hội diễn ra vào những ngày đầu xuân, nhưng từ trước cả tháng, người dân Lùm Nưa đã đi tìm nguyên vật liệu về rồi phân công 2 người đàn ông và 3 phụ nữ có tay nghề cùng nhau làm cây bông. Năm 2024, người dân thôn Lùm Nưa nói riêng và đồng bào 16 xứ Thái mường Chiềng Bán (hay Chiềng Ván) xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân vui mừng vì lễ hội Nàng Han đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Phải khẳng định, đồng bào Thái trong tỉnh có nhiều lễ hội. Nhưng để giữ được tính nguyên bản, nét đặc sắc như lễ hội Nàng Han ở xã Vạn Xuân là rất ít. Nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc Thái vẫn còn được giữ nguyên bản, chưa bị “đồng hóa” hay lai tạp", ông Lương Công Thắm, Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân nói.

Với người Mường, hội Pôồn Pôông là hồn cốt, là nét văn hóa không thể thiếu. Trước đây, lễ hội Pôồn Pôông thường được tổ chức vào tháng 3 âm lịch, đó là mùa hoa Bông Trăng nở (một loài hoa có nhiều ở Ngọc Lặc). Còn đến nay, lễ hội Pôồn Pôông không còn là cái tên riêng của làng nào, xã nào mà là chuỗi những ngày hội của đồng bào Mường. Bà Phạm Thị Bảo, người Mường ở xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc), cho biết: “Không chỉ có lễ hội Pôồn Pôông, bất cứ ngày lễ, hay ngày tết, chúng tôi lại nhảy múa hát vang. Ở đây, ngày mùng 7 tháng Giêng, dựng 1 cây bông ở trung tâm xã hoặc cổng chùa, bà con đến nhảy, múa hát. Bà Máy thì lo cúng, lo khấn, còn bà con múa hát, đánh cồng chiêng”.

Cây bông là biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban cho con người. Dựng cây bông đồng nghĩa với việc trả ơn thần linh và mời thần linh về chung vui cùng người trần gian. Chia sẻ về việc làm cây bông, anh Bùi Văn Đồng, ở thôn Liên Sơn, xã Ngọc Sơn (Ngọc Lặc), nói: "Chúng tôi trang trí nhiều con vật, hoa lên cây bông. Con vật và hoa được làm bằng gỗ và sơn nhiều màu và còn dùng vải nhiều màu sắc để quấn lên cây bông". Vì thế mà để có một cây bông to, đẹp cần rất nhiều thời gian và đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ. Các nhân vật tham gia lễ hội mặc trang phục dân tộc Mường, trên vai vắt một dải khăn để điệu nhảy thêm uyển chuyển. Và người trong làng, nam giới trong trang phục truyền thống, nữ giới thì mặc áo khóm và váy thổ cẩm, cùng cất lên những khúc hát giao duyên, lời ca hẹn ước trong hội chơi hoa.

Bên cây bông, họ nhảy múa hát và cùng uống rượu cần, ăn xôi ngũ sắc, canh loóng, canh môn... Có lẽ vì thế mà với người dân tộc Mường, múa Pôồn Pôông hay lễ hội Pôồn Pôông chính là một sinh hoạt tinh thần không thể thiếu. Vì thế lễ hội Pôồn Pôông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2017. Đặc biệt, những năm qua, nhờ việc truyền dạy của các nghệ nhân mà các điệu múa, lời hát Pôồn Pôông đã được lưu giữ và phát triển.

Để giữ gìn nét đẹp của lễ hội không phải là việc dễ, nhưng quả thật không quá khó nếu có sự tham gia của người dân. Tuy nhiên, trong vài trăm lễ hội hàng năm diễn ra trên địa bàn, không ít đã bị pha tạp, giống nhau cả ở phần lễ và phần hội. Người dân chỉ thực sự là chủ nhân của lễ hội khi chính lễ hội đảm bảo được tính thiêng, đáp ứng được mong mỏi của họ về mặt tâm linh, vui chơi giải trí.

Bài và ảnh: Huyền Chi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/ban-sac-le-hoi/30644.htm