Bản Mông bình yên, ấm no, hạnh phúc nhờ có Đảng

Bài 3: Đoàn kết các dân tộc, xây dựng cuộc sống mới

Trải qua những tháng ngày tăm tối khi theo TCBHPDVM, đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã và đang đoàn kết, tích cực lao động sản xuất cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; đây chính là động lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng dân tộc thiểu số ở địa phương.

Cuộc sống của đồng bào Mông ngày càng khởi sắc.

Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc từ thời kỳ đổi mới đất nước đến nay được thể hiện thông qua văn kiện các kỳ đại hội và các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Đảng, được ban hành cụ thể trong từng nhiệm kỳ, từng giai đoạn. Để đẩy mạnh phát triển bền vững toàn diện vùng dân tộc và miền núi cùng với sự nghiệp phát triển chung của đất nước, chủ trương, đường lối về công tác dân tộc trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Đồng bào Mông tìm hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước qua báo chí

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thực sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. (Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 28, 48)

Từ những chủ trương đó, Cao Bằng đã ban hành văn bản, nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng tập trung đồng bào DTTS, qua đó, củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; đồng thuận xã hội được nâng lên, khối đại đoàn kết các dân tộc được xây dựng vững chắc.

Theo đồng chí Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách dành cho đồng bào DTTS, trong đó, tiêu biểu như các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 (khóa IX) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác dân tộc; Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa; các chính sách và chương trình ưu tiên đầu tư hạ tầng cơ sở, giải quyết đất sản xuất và đất ở (Quyết định 132); hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở và các nhu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào nghèo thuộc dân tộc ít người (Quyết định 134); xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm và mầy năm gần đây là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…

Qua thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình chính sách hỗ trợ, đầu tư trong vùng đồng bào các DTTS nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh 4,23%/năm; GRDP bình quân 41,5 triệu đồng... Các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc được quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị tiên tiến. Công tác đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là các cán bộ DTTS tại chỗ được quan tâm.

Đồng chí Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.

Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng cao biên giới, có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, trong đó, dân tộc Mông sinh sống tại 10 huyện, thành phố với dân số 61.759 người. Phần lớn đồng bào Mông sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, nhiều hộ thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt. Trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn hạn chế, dễ bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng. Bên cạnh đó, vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trong vùng đồng bào Mông có nhiều biến động, phức tạp; vẫn còn một số tập tục lạc hậu cần cải tiến…Để nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS, cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, tỉnh ban hành nhiều văn bản chính sách đặc thù nhằm từng bước cụ thể hóa các chương trình, dự án của Chính phủ đối với đồng bào DTTS. Hằng năm, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án thực hiện chính sách dân tộc, Cao Bằng đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở và hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế - xã hội.

Bà con người Mông được theo học các lớp xóa mù chữ.

Nhìn một cách tổng thể, hiện nay, cuộc sống của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có sự đổi thay vượt bậc. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, 100% số xã có điện lưới quốc gia, có đường giao thông đến trung tâm xã. Hệ thống thông tin liên lạc được đảm bảo; có trạm y tế phục vụ khám chữa bệnh ban đầu cho người dân; trường học được đầu tư kiên cố giúp cho trẻ đến trường, học hành thuận lợi... Nhân dân được hưởng lợi từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách dân tộc, an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững, đây là những tiền đề quan trọng trong xây dựng quê hương cội nguồn cách mạng ngày càng phát triển.

Nhân lên niềm tin, lan tỏa tinh thần đoàn kết

Ông Lý Văn Song, xóm Cốc Pát, xã Thạch Lâm (Bảo Lâm) vui mừng, phấn khởi khi trong năm 2023 được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà đại đoàn kết, hỗ trợ cây giống quế, hồi để phát triển kinh tế rừng. Ông Song chia sẻ: Trước đây, tôi nghe theo kẻ xấu đi theo TCBHPDVM, thời gian đó, tôi bỏ bàn thờ tổ tiên, không chịu làm ăn vì họ tuyên truyền là không cần làm vẫn có ăn, chết thì được bay về trời. Cuộc sống gia đình đã khó khăn càng khó khăn hơn, không những vậy mỗi năm tôi phải nộp tiền cho những người đứng đầu hội nhóm TCBHPDVM. Khi được cán bộ của huyện, xã và xóm đến tuyên truyền, vận động, đồng thời hỗ trợ gia đình làm ngôi nhà vững chắc, hỗ trợ gạo, thực phẩm và nhiều vật dụng sinh hoạt khác tôi nhận ra chỉ có Đảng, Bác Hồ mới thực sự quan tâm đến cuộc sống người dân, nên tôi quyết định từ bỏ và ký cam kết không theo TCBHPDVM nữa.

Bảo Lạc là huyện có tỉ lệ đồng bào DTTS sinh sống cao, trong đó, đồng bào Mông có 1.598 hộ với 8.785 nhân khẩu sinh sống tại 63 xóm. Huyện có 11/69 hộ đồng bào Mông tại xóm Khau Ho, xã Sơn Lập (Bảo Lạc) bị ảnh hưởng bởi TCBHPDVM, đến tháng 5/2023, sau khi ký cam kết không theo Dương Văn Mình, xóm Khau Ho từng bước ổn định cuộc sống. Đồng chí Mông Minh Giang, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bảo Lạc cho biết: Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, huyện triển khai thực hiện các chương trình đầu tư hạ tầng cơ sở với tổng số tiền trên 100 tỷ đồng; hỗ trợ các hộ nghèo vay vốn với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Hỗ trợ vật tư, phân bón, hỗ trợ giống cây trồng, gia súc, gia cầm với tổng nguồn kinh phí đầu tư gần 20 tỷ đồng. Đến nay, 100% xóm có dân tộc Mông sinh sống có đường xe máy, trên 80% xóm có đường ô tô đến trung tâm, 27 xóm có điện lưới quốc gia, 48 xóm được xây dựng bể nước sinh hoạt. 100% xóm có đồng bào Mông sinh sống đều có chi bộ Đảng. An ninh chính trị trong vùng đồng bào dân tộc Mông được giữ vững.

Cùng với tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, đẩy nhanh công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, miền núi, Cao Bằng còn quan tâm phát triển văn hóa - xã hội trong vùng đồng bào DTTS. Trái với luận điệu của các thế lực thù địch là “các DTTS đang bị đồng hóa, phân biệt đối xử vì khác biệt văn hóa...”, Cao Bằng đã ban hành, thực hiện nhiều chương trình, đề án về bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn vinh, từng bước được bảo tồn, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các DTTS được cải thiện, mức hưởng thụ văn hóa được nâng cao. Giáo dục và đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, duy trì...

Đại hội XIII của Đảng khẳng định quan điểm: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân”. Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc (Nghị quyết 43), trong đó xác định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”.

Theo đó, tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Quán triệt và thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc phù hợp với thực tiễn của địa phương, giúp đồng bào các dân tộc khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ngày hội văn hóa dân tộc Mông năm 2024 tại huyện Bảo Lâm.

Với hệ thống chính sách dân tộc được hoàn thiện, việc thực thi hiệu quả, đồng bộ, đồng bào DTTS ở Cao Bằng được bình đẳng về chính trị; văn hóa truyền thống được bảo tồn; các quyền của công dân được bảo đảm, đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng bào tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đủ sức đề kháng với mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài 1: "Ngọn lửa” thắp sáng bản Mông

Bài 2: Ấm no, bình yên khi có Đảng dẫn đường

Nhóm P.V

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/ban-mong-binh-yen-am-no-hanh-phuc-nho-co-dang-3167841.html