Bản Lùa giữ nghề truyền thống

Cách trung tâm xã Phổng Lập, huyện Thuận Châu 2 km, bản Lùa có 82 hộ dân đồng bào dân tộc Thái. Những năm qua, bà con luôn lưu giữ nghề truyền thống mây tre đan đã có từ lâu đời.

Tổ hợp tác đan lát mây tre lá xã Phổng Lập, huyện Thuận Châu.

Hầu như bà con ở bản Lùa ai cũng biết đan lát, cha truyền con nối, đời trước dạy cho đời sau. Mong muốn bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, anh Lò Văn Hoan có ý tưởng thành lập nhóm những người biết và làm nghề mây tre đan. Tháng 4/2022, Tổ hợp tác đan lát mây tre lá xã Phổng Lập được thành lập với 15 thành viên.

Anh Lò Văn Hoan, Tổ trưởng Tổ hợp tác đan lát mây tre lá xã Phổng Lập, cho biết: Chúng tôi được sự hỗ trợ từ Ban Quản lý dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh (Ban Quản lý dự án VFBC tỉnh), tạo điều kiện tham quan, học tập kinh nghiệm về trồng rừng sản xuất bền vững tại các tỉnh. Ban Quản lý dự án còn mời các nghệ nhân về xã tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ thuật đan lát, nâng cao tay nghề và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên tổ hợp tác.

Hiện nay, Tổ hợp tác đang hoàn thiện 100 bộ ép khảu (ba sản phẩm/bộ), 200 hộp đựng trà và 200 túi xách xuất theo đơn đặt hàng của Công ty TNHH Thiết kế và Phát triển sản phẩm Việt Nam, với giá từ 55 - 380 nghìn đồng/chiếc. Tổng giá trị đơn hàng gần 80 triệu đồng, góp phần tạo thu nhập cho thành viên trong thời gian nông nhàn, tận dụng được nhân lực tại chỗ, nhất là người cao tuổi.

Kỹ thuật đan lát thủ công của đồng bào dân tộc Thái bản Lùa không khác nhiều so với kiểu đan của các dân tộc khác, từ đan lóng mốt, lóng đôi, đan ô vuông, lồng ngang dọc, đan bắt chéo, nhưng về hoa văn thì có nhiều điểm khác biệt. Sản phẩm hoàn thành, bà con để trên gác bếp hong khói, đến khi ngả sang màu nâu cánh gián, nhằm chống mối mọt những chiếc ép khảu, mâm cơm, chiếc đó bắt cá, rổ, rá, sọt đựng nông sản trên nương...

Ông Quàng Văn Giót, thành viên Tổ hợp tác, chia sẻ: Thông thường, một bộ ép khảu gồm ba sản phẩm, tôi đan trong 3 ngày, không tính thời gian chặt, chẻ nan. Trong khi đan, tôi và các thành viên trong tổ tuân thủ kỹ thuật đan, kích thước, hoa văn theo đơn đặt hàng của công ty để sản phẩm có mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Tổ hợp tác đan lát mây tre lá xã Phổng Lập khai thác tiềm năng từ rừng và tạo thu nhập ổn định cho nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay, các thành viên đang sản xuất cầm chừng, do thiếu nguồn nguyên liệu mây, song tự nhiên.

Ông Lò Anh Viễn, Chủ tịch UBND xã Phổng Lập, thông tin: Xã tiếp tục tuyên truyền, động viên bà con chủ động tìm nguồn mây, tre sẵn có tại địa phương; định hướng bà con phát triển vùng nguyên liệu, trước mắt là mở rộng diện tích trồng vầu để tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao. Đồng thời, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội liên kết, nhân rộng mô hình tổ hợp tác đan lát ra các bản trong xã, tiến tới xây dựng hợp tác xã đan lát, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Bài, ảnh: Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/ban-lua-giu-nghe-truyen-thong-PA9gFFmSg.html