Băn khoăn hai chữ 'an toàn'

An toàn giao thông, an toàn trật tự xã hội, an toàn thực phẩm, an toàn phòng-chống cháy nổ, an toàn vệ sinh lao động… Còn nhiều, rất nhiều cụm từ chúng ta hay dùng có chữ 'an toàn' nữa.

Để đảm bảo “an toàn” sau mỗi chủ trương, kế hoạch phát động, chúng ta đều thành lập ban chỉ đạo liên quan đến chữ/sự “an toàn” ở nhiều cấp, nhiều ngành. Quy trình cho mỗi quy định đưa ra thường là: tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện, kiểm tra xử lý gắn với động viên khích lệ, đánh giá rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện. Cao hơn, chúng ta cũng kêu gọi, thiết lập chế tài, dùng dư luận xã hội ảnh hưởng để hình thành lối sống, làm việc, ứng xử văn hóa, tôn trọng liêm sỉ, danh dự.

Thế nhưng, thực tế thì sao? Dẫu nhiều cách, nhiều người, nhiều cấp tham gia nhưng một số lĩnh vực vẫn thiếu an toàn. Có thể thấy, hầu như lĩnh vực nào, chỗ nào cũng có thể xảy ra mất an toàn. Thế giới vốn coi giao thông Việt Nam là thảm họa, là “hỗn loạn”. Nhiều năm trước, một giáo sư hàng đầu ngành của thế giới sang giúp ta đã bị thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Theo nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới thời điểm đó, đây được coi là mất mát rất lớn của nhân loại.

Điều quan ngại nhất chính là ở những lĩnh vực vốn được coi là chuẩn mực, thâm nghiêm, bất khả xâm phạm song lại thiếu an toàn, không an toàn. Không thể không ra đường nhưng nguy cơ tai nạn luôn rình rập. Trộm không chừa nhà chùa. Trong hoặc ngoài nhà trường vẫn xảy ra tình trạng học sinh đánh lộn, đâm chém nhau. Y-bác sĩ bị tấn công ngay trong bệnh viện. Luật sư bị hành hung ngay tại phiên tòa. Các cháu lớp mầm non bị ngộ độc do ăn phải thực phẩm không an toàn… Còn nhớ, tại một phiên họp Quốc hội, khi đề cập đến thực trạng mất an toàn thực phẩm tràn lan hiện nay, một đại biểu phát biểu, đại ý: Ăn cũng chết mà không ăn cũng chết. Con đường ngắn nhất ra nghĩa địa đi qua cái dạ dày!

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh. Ảnh: Như Nguyện

Người viết cho rằng, nguyên nhân bắt đầu không phải ở pháp luật, quy định không chặt mà là ở người thực thi pháp luật, người thừa hành công vụ chưa nghiêm. Có phải vì lương, thu nhập, chế độ đãi ngộ cho họ chưa thỏa đáng? Có thể như thế nhưng không phải là tất cả. Nắm cán cân công lý, thực hành vai trò chấp pháp, người thực thi pháp luật phải đi đầu thực hiện, phải làm gương, không được để động cơ cá nhân hay lợi ích chi phối. Đáng sợ nhất là động cơ “thiếu trong sáng” trong lực lượng thừa hành công vụ vì sự an toàn của cộng đồng, điều chế độ ta kiên quyết không cho phép.

Thứ hai là để được an toàn, mỗi công dân cần nêu cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật và đạo đức xã hội. Để chấp hành và thực hành, trước tiên phải hiểu biết pháp luật, chưa biết thì phải học, học rồi phải hành; phải thực hành mới hình thành thói quen, thành kỹ năng. Đơn cử như việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Lưu thông trên đường thì phải chú ý quan sát và làm theo hướng dẫn biển báo, bảng chỉ dẫn an toàn giao thông; tốc độ cho phép bao nhiêu thì đi bấy nhiêu, không vượt ẩu, phóng nhanh. Hay như cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, hàng hóa phải đảm bảo tiêu chuẩn; bị hư hỏng, hôi thối, kém chất lượng thì bỏ ngay. Văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh lúc nào cũng phải nằm lòng. Phải lấy chất lượng hàng hóa, giá cả cạnh tranh, thái độ phục vụ, quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng làm thước đo uy tín, thương hiệu và hiệu quả kinh doanh.

Thứ ba là nhân tố đi sau, hình thành từ các yếu tố trên: văn hóa với nghĩa ứng xử của con người để được an toàn. Khi được giáo dục, khi nêu cao ý thức và tự giác chấp hành thực hiện nghiêm pháp luật cũng đồng thời tạo ra con người có hiểu biết, có văn hóa. Xã hội hiện đại với nhiều nhu cầu khiến con người như càng lún sâu vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền mà đôi khi quên mất đi sự cân bằng, an toàn. Đành rằng, cuộc sống vận động và biến đổi không ngừng, đòi hỏi con người cũng phải vận động, thay đổi, thích nghi. Nhưng chuẩn mực, giá trị cốt lõi không được chà đạp hay đánh mất, vì như thế vô hình trung là đã đánh mất căn cơ gốc rễ, mất “an toàn”, cơ hội phát triển. Lối sống thực dụng, bất chấp, coi trọng đồng tiền, lợi ích vật chất hơn danh dự, liêm sỉ phải được xem là ung nhọt nguy hiểm còn hơn sida, ung thư. Nó khiến con người ta chủ quan, bất chấp và sớm muộn gì cũng lãnh hậu quả.

Các chuyên gia đã rất lo ngại với tình trạng tăng trưởng kinh tế không kéo theo tăng-trưởng-văn-hóa-phù-hợp. Mà trên thực tế và yêu cầu, văn hóa phải đi trước rất xa so với vật chất, kinh tế. Nhiều nhu cầu của con người như giao lưu tình cảm, thưởng thức nghệ thuật, chinh phục thế giới, được tin tưởng và yêu mến… cao hơn rất nhiều so với nhu cầu vật chất, cơm ăn nước uống hàng ngày.

Khép lại chuyện này-chuyện để an toàn trong cuộc sống, người viết liên hệ ý kiến từng rất nổi tiếng của một đại biểu Quốc hội, đại ý: Ước gì văn hóa, đạo đức phát triển như kinh tế ngày nay!

THẤT SƠN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12436/202208/ban-khoan-hai-chu-an-toan-5787084/