Bản hùng ca vọng về từ phía chân trời

Sáng 14-3, tại thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, thân nhân các gia đình liệt sĩ (LS), cựu chiến binh (CCB) đang sinh sống tại Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An... đã tổ chức trọng thể Lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ (AHLS) đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam) ngày 14-3-1988.

Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính và vô cùng xúc động. Ngay sau lễ chào cờ, mọi người đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ các AHLS đã ngã xuống tại Gạc Ma. Thân nhân gia đình các LS và các CCB đều không cầm được nước mắt khi nhớ lại những ngày tháng lịch sử không thể nào quên cách đây 34 năm.

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Trưởng ban liên lạc tàu HQ 604 Gạc Ma, cựu binh Lê Hữu Thảo (quê Hà Tĩnh) cho biết, lễ tưởng niệm nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự hy sinh, mất mát của các AHLS ở Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời đây cũng là hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng với đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tri ân các AHLS đã hy sinh máu xương cho độc lập, tự do, hòa bình hôm nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các thành viên đoàn công tác Chính phủ dâng hoa tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Trước đó, trong chuyến công tác tại Khánh Hòa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các thành viên trong đoàn đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm) để tưởng nhớ các AHLS hy sinh vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng ngày, đoàn đại biểu của tỉnh gồm các ông: Nguyễn Hải Ninh - Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tấn Tuân - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Quốc Trị - Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Cách đây 34 năm, ngày 14-3-1988, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền tại các đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao của quần đảo Trường Sa. Tại đảo Gạc Ma, những người lính Việt Nam đã đứng thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc cắm trên đảo đá, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sự hy sinh anh dũng của các anh đã được khắc họa bằng cụm tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" kiêu hãnh ở khu tưởng niệm.

Đến dâng hương ở khu mộ gió, Thủ tướng cùng các thành viên trong đoàn công tác Chính phủ, lãnh đạo tỉnh lặng đi vì xúc động. Ghi trong sổ lưu niệm tại khu tưởng niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính viết "64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh tại Gạc Ma (ngày 14-3-1988) để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là những tấm gương sáng chói, minh chứng của chủ nghĩa anh hùng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam".

Hoa đăng tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ

Ngày 13-3-2022, người thân của các LS, các đoàn đại biểu và người dân đã đến dâng hương tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của các AHLS đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đến dâng hương từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Hồng (ở P.Mỹ Ca, TP. Cam Ranh) dẫn theo con gái đang độ tuổi học sinh. Người phụ nữ này chia sẻ: "Tôi muốn con gái mình thấu hiểu đất nước phải trải qua bao đau thương, mất mát mới gìn giữ được hòa bình như hôm nay. Thế hệ trẻ không được quên điều đó...".

Từ khi có Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, năm nào CCB Lê Minh Thoa (ở TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cũng đến dâng hương. Bao giờ cũng vậy, thắp xong nén hương, ông lại đi một vòng ở khu mộ gió, nhìn lại di ảnh các đồng đội một thời sát cánh bên nhau...

Năm nay, chờ mãi không thấy ông Thoa đến, chúng tôi liên lạc mới biết ông đang ở Hà Tĩnh để hội ngộ cùng CCB ở các tỉnh bắc miền Trung, dự lễ thả hoa đăng tưởng niệm đồng đội đã hy sinh theo lời mời của đồng đội Lê Hữu Thảo - CCB Gạc Ma, hiện sống ở Hà Tĩnh.

Thả vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

Bà Đỗ Thị Hà bên di ảnh chồng trong một lần đến thăm Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Không có mặt trong trận chiến ở Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao năm 1988 nhưng CCB Nguyễn Văn Dũng (ngụ P.Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) vẫn luôn xem sự kiện ấy là một phần quan trọng trong cuộc đời mình, bởi nhiều người lính trẻ nằm lại biển khơi năm ấy từng sát cánh bên ông.

Tháng 3-1988, ông Dũng nằm trong số những người lính sẽ ra đảo, nhưng rồi trận ốm sát ngày lên đường khiến ông phải ở lại, đồng đội Phan Tấn Dư (quê Phú Yên) đi thay làm báo vụ trên tàu HQ604 đã nằm lại ở Trường Sa.

Sau này, khi ra quân, ông Dũng đã tìm về quê của LS Phan Tấn Dư, chăm sóc người mẹ của đồng đội như mẹ ruột của mình. Năm nào cũng vậy, đến ngày kỷ niệm sự kiện Gạc Ma, ông Dũng lại tổ chức thả hoa đăng ngay tại bờ biển trước nhà hàng của ông ở Bãi Tiên (Nha Trang); sau đó ông đi thăm, tặng quà các gia đình LS ở Gạc Ma gặp nhiều khó khăn.

34 năm đã trôi qua kể từ khi 64 AHLS ngã xuống ở Trường Sa sau lời thề quyết tử bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thiêng liêng, cứ vào dịp kỷ niệm những ngày tháng Ba lịch sử ấy, muôn triệu trái tim Việt Nam lại hướng về, thành kính tri ân những người con đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Trần Minh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/ban-hung-ca-vong-ve-tu-phia-chan-troi_128296.html