Bàn giải pháp 'gỡ khó' trong hợp tác phát triển du lịch Hà Nội, Ninh Bình, Đắk Lắk

Chiều 11/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội và Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa các doanh nghiệp lữ hành của 3 địa phương.

Lãnh đạo Sở Du lịch Ninh Bình trao đổi tại hội nghị.

Dự hội nghị có lãnh đạo Sở, Hiệp hội du lịch, đại diện các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở và các doanh nghiệp lữ hành 3 địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Tâm, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đắk Lắk cho biết, thời gian gần đây, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng nhìn chung mức tăng trưởng ngành du lịch Đắk Lắk vẫn lạc quan. Tuy nhiên, chủ yếu lượng khách du lịch phần lớn là người dân địa phương đến vui chơi, giải trí tại những khu/điểm du lịch hiện có; còn khách ngoài tỉnh đặt tour đến Đắk Lắk rất thấp.

Một trong những lý do được đưa ra là do giá vé máy bay tăng cao đã ảnh hưởng đến giá các tour du lịch, không còn hấp dẫn đối với du khách.

Tỉnh Đắk Lắk có diện tích trên 13.000 km2 và trên 2,1 triệu người, trong đó người gốc Ninh Bình khá đông. Đây là dư địa tiềm năng để các doanh nghiệp du lịch có thể khai thác.

Tại hội nghị, đại diện các Hiệp hội du lịch, công ty lữ hành du lịch đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến các tour du lịch Ninh Bình - Hà Nội - Đắk Lắk.

Đối với thị trường du lịch Ninh Bình đang là điểm đến yêu thích của người dân khu vực Tây Nguyên. Mong muốn sau hội nghị này, các đơn vị du lịch Đắk Lắk sẽ được tiếp cận và quảng bá các tour du lịch ra Ninh Bình, và vào Đắk Lắk trong thời gian tới.

Tỉnh Ninh Bình và tỉnh Đắk Lắk có nhiều kết nối với nhau, nhưng lượng khách qua lại hai chiều giữa hai địa phương chưa nhiều như kỳ vọng. Nguyên nhân khó khăn xuất phát từ việc giao thông và phương tiện đi lại, do vậy đề nghị cần có sự thay đổi trong việc truyền thông tới khách du lịch về các chương trình giảm giá khuyến mại để du khách có thể tiếp cận thông tin dễ dàng khi Hà Nội- Ninh Bình có những tour tuyến giảm giá cho khách. Do đó đề xuất có thể có những ưu đãi đối với các công ty lữ hành của Đắk Lắk khi đến với Ninh Bình.

Đề cập vấn đề khó khăn do đường bay đắt đỏ, các công ty quản lý lữ hành cần liên kết với nhau để tạo ra khối bán lẻ tất cả land tour (là các tour kết hợp giữa công ty du lịch lữ hành với các địa điểm du lịch) để cung cấp các dịch vụ trọn gói tốt nhất cho khách hàng. Hiện nay, phân khúc khách hàng chi tiêu cao sẽ không bị ảnh hưởng bởi giá vé máy bay quá cao, và nếu các địa phương cùng hợp tác nâng cao chất lượng điểm đến thì sẽ thu hút được khách đến du lịch.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Mạnh, TUV, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết: Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của Hà Nội, Ninh Bình và Đắk Lắk cần quyết tâm trong việc xây dựng hình ảnh của mình thông qua những sản phẩm du lịch có chiều sâu và đồng bộ để mang lại sự hài lòng cho khách hàng, trở thành điểm đến thật sự hấp dẫn.

Về khó khăn chính là phương tiện và giá vé, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý du lịch cũng sẽ sớm kiến nghị với hãng hàng không và cơ quan quản lý nhà nước để tháo gỡ.

Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí sau hội nghị lần này, các doanh nghiệp lữ hành và Hiệp hội du lịch các địa phương sẽ hiện thực hóa những đề xuất đã được đưa ra bàn thảo tại hội nghị và tích cực quảng bá sản phẩm du lịch đến các địa phương liên kết.

* Nhân dịp này, đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình đã đến khảo sát một số điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.

Đoàn đã đến thăm di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Biển Hồ T'Nưng - một trọng điểm du lịch của tỉnh Gia Lai. Nơi đây được ví như viên ngọc bích giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ hay "đôi mắt của phố núi Pleiku".

Đoàn tham quan Biển hồ T'Nưng.

Đoàn đến thăm con đường thông trăm tuổi - điểm check in nổi tiếng hấp dẫn du khách; trải nghiệm hành trình chinh phục đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya là ngọn núi có lịch sử tồn tại lâu đời nhất tại Gia Lai. Trên cơ sở chương trình khảo sát, ngành du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác, liên kết tour, tuyến để mang tới những sản phẩm du lịch hấp dẫn, trao đổi lượng khách giữa 3 tỉnh Ninh Bình - Gia Lai - Đắk Lắk trong thời gian tới.

Đây là một trong những hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm hiện thực hóa chương trình hợp tác, liên kết xúc tiến liên vùng, tạo đà cho sự tăng trưởng du lịch nhanh và bền vững

Tin, ảnh: Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ban-giai-phap-go-kho-trong-hop-tac-phat-trien-du-lich-ha-noi/d20231112081842434.htm