Bản địa hóa nhân sự - phép thử 'win – win' của doanh nghiệp FDI

i ngũ người Việt dần chiếm nhiều vị trí cốt cán trong các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là minh chứng cho thấy việc tận dụng nguồn lao động tại chỗ là 'liều thuốc' vượt bão Covid-19, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của khối doanh nghiệp FDI.

Từ bảo vệ đến Phó Giám đốc

Năm 2014, rời Tiền Giang đến Hậu Giang sinh sống cùng vợ, cuộc sống của anh Võ Văn Đen thay đổi chóng mặt. Đóng cửa hàng sửa xe tự gầy dựng bao năm, anh Đen buộc phải tìm cho mình kế sinh nhai mới.

Ngày bước chân vào cổng Công ty giấy Lee & Man Việt Nam nhận công việc bảo vệ, anh vẫn nghĩ chắc chỉ làm qua ngày. Anh Đen chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ trở thành một mảnh ghép quan trọng trong bộ máy quản lý của nhà máy giấy hàng đầu Việt Nam này chỉ sau vài năm.

“Công ty cho tôi cơ hội được tập huấn tay nghề, trở thành nhân viên hiện trường. Đó chính là bước ngoặt để tôi phấn đấu”, anh Đen kể. “Tôi thăng cấp dần lên trưởng ca, phó chủ quản, chủ quản rồi Phó Giám đốc ở một công ty nước ngoài”.

Một góc cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A – thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang thu hút nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đến đầu tư.

Từ một người chỉ quen với việc đóng - mở cánh cổng, anh được Ban lãnh đạo giao phó dần những vị trí quan trọng, hiện là Phó Giám đốc phụ trách mảng kho bãi của công ty.

“Khi công bố chính sách bản địa hóa, toàn thể anh em công nhân viên người Việt tại công ty đều rất phấn khởi. Thay vì tâm lý “khó thăng tiến” trong DN đa quốc gia, giờ đây với chính sách ưu tiên người Việt Nam, bất cứ ai cũng có cơ hội sự nghiệp rộng mở, không có rào cản, giới hạn nào chỉ vì mình khác ngôn ngữ giao tiếp với công ty mẹ”, bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc nghiệp vụ Công ty Giấy Lee & Man Việt Nam, chia sẻ.

Là một công ty vốn nước ngoài, thừa hưởng công nghệ và dây chuyền sản xuất từ tập đoàn mẹ tại Hong Kong, song trước bài toán nhân lực, Lee & Man Việt Nam vẫn chọn lựa chiến lược “bản địa hóa”: đưa người Việt trở thành lực lượng lao động chủ đạo, song song cùng cất nhắc các nhân sự địa phương nắm giữ vị trí lãnh đạo.

Phép thử “win - win”

Bản địa hóa là cuộc trao đổi đôi bên cùng có lợi. Công ty tăng trưởng và phát triển tốt tại vùng đất mới, trong khi người dân địa phương có thêm thu nhập, kinh tế cũng được bồi đắp.

Nhờ hàng nghìn nhân sự địa phương đến làm việc, khu vực thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang trở nên sầm uất, cư dân sinh sống nhộn nhịp. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, DN phụ trợ cũng phát triển theo, biến nơi đây thành cụm công nghiệp quy mô hàng đầu tỉnh Hậu Giang.

Theo giới chuyên gia, nếu trước đây, “bản địa hóa” chỉ nổi bật trong nhóm ngành dịch vụ, khách sạn, thì phương pháp này đang dần được mở rộng sang nhóm DN sản xuất, công nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhân sự và chuyên gia nước ngoài (expat) gặp khó khi di chuyển, trao đổi giữa các quốc gia.

Nhận định về chiều hướng bản địa hóa của khối ngoại, ông Chung Wai Fu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam khẳng định, nhà máy chỉ có thể thành công khi được vận hành bởi những con người sinh sống tại khu vực. Từ những ngày đầu tới Việt Nam, ông đã lên kế hoạch để có thể tăng tỷ lệ nhân sự nội địa hóa đạt 50-60% ngay trong 3 năm đầu vận hành. Tỷ lệ bản địa áp dụng cho không chỉ nhân sự hiện trường mà còn là nhân sự nắm giữ vị trí điều hành.

Cũng theo ông Chung, nuôi dưỡng nhân sự Việt không khó vì họ có tính học hỏi cao, song thử thách lớn hơn là làm sao để “giữ” chân họ sau quá trình đào tạo.

Trên tinh thần đó, năm 2019, Công ty đưa vào hoạt động khu nhà ở chất lượng cao với nhiều tiện ích nội khu như sân bóng, phòng gym, giải trí, y tế… để nhân sự yên tâm với công việc của mình. Các chính sách đãi ngộ, quan tâm chăm sóc người lao động trong nội bộ cũng được chú trọng hết mực, được đánh giá thỏa mãn những yêu cầu, mong muốn vật chất lẫn tinh thần của đội ngũ công nhân viên.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ban-dia-hoa-nhan-su--phep-thu-win-win-cua-doanh-nghiep-fdi-post140096.html