Bản anh hùng ca theo chiều dài ịch sử

KTĐT - Tối qua, dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ, bản anh hùng ca tái hiện những biến cố lịch sử oai hùng diễn ra trên mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến trong thời đại Hồ Chí Minh đã vang vọng trước sự chứng kiến đầy háo hức của người dân.

Các nẻo đường dẫn về trung tâm hồ Hồ Gươm "không hẹn mà nên" trở thành các tuyến phố đi bộ, dòng người hướng tầm mắt về sân khấu lan rộng tới tận đường Hàng Khay và khu vực tượng đài Cảm tử… Bản anh hùng ca "Thăng Long - Hà Nội - Thời đại Hồ Chí Minh" - một trong ba chương trình nghệ thuật nổi bật của chuỗi sự kiện văn hóa diễn ra trong 10 ngày Đại lễ - đã được đón nhận một cách nồng nhiệt… Bản anh hùng ca thực sự là một điểm nhấn ấn tượng ở bên bờ Hồ Gươm trong những ngày Đại lễ… Sân khấu đã mở ra cho những đại cảnh tái hiện lịch sử lên tiếng. Đúng với tên gọi "Thăng Long - Hà Nội - Thời đại Hồ Chí Minh", chương trình kéo dài 120 phút đã "ôm" vào trong đó đủ 4 chủ đề: "Cuộc chuyển mình trong giông bão"; "Thủ đô Nhà nước Công Nông"; "Thủ đô anh hùng - bản hùng ca mùa đông năm 1946"; "Thành phố vì hòa bình và khát vọng tương lai". Trên sân khấu ấy, "Cuộc chuyển mình trong giông bão" đã dựng lại hình ảnh Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX. Khán giả thấy rành rõ Hà Nội trong một giai đoạn lịch sử trở thành nơi tụ hội những nhà ái quốc nuôi khát vọng canh tân cứu nước như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Tăng Bạt Hổ... Cả những tháng ngày dốc sức lực, tiền của để lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào Đông Du... Ở đây, lần đầu tiên vụ "Hà thành đầu độc" do một số đầu bếp và binh lính người Việt phục vụ cho quân Pháp đóng ở thành Hà Nội tiến hành ngày 27/6/1908, nhằm đầu độc quân Pháp để chiếm lại Hà Nội đã được tái hiện một cách khá chi tiết. Giai đoạn lịch sử ấy đi qua, sân khấu lại bừng bừng khí thế của một "Thủ đô Nhà nước Công Nông" và "Thủ đô anh hùng - bản hùng ca mùa đông năm 1946" với những hình ảnh đời sống, sinh hoạt của đồng bào và nhân dân Thủ đô trong những ngày tiêu thổ kháng chiến. Ai cũng thấy rõ "điểm nhấn" mà nhà văn Nguyễn Khắc Phục - tác giả kịch bản của đêm nghệ thuật - đã "cài" vào đây là chi tiết mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Hình ảnh nhạc sĩ Văn Cao viết "Tiến quân ca" bên ngọn đèn dầu và đống tro tàn của những đồng bào đã chết vì nạn đói năm 1945... Nhà văn nói đúng, những cảnh này thật "đắt" trên sân khấu, bởi chúng giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu được giá trị của độc lập tự do mà cha ông ta đã đổ bao xương máu mới giành lại được. Chủ đề "Thành phố vì hòa bình và khát vọng tương lai" không ào lên sân khấu bằng những hoạt cảnh mà dẫn dắt người xem vào giai đoạn thanh bình bằng một đoạn phim tài liệu, sau đó là trình diễn ca múa nhạc "Mùa xuân đại thắng". Trên sân khấu ấy, cuộc chiến đấu ác liệt của Trung đoàn Thủ đô "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" đã được tái hiện bằng những tiết mục múa đương đại trong giai điệu của ca khúc "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi… Lắng đọng nhưng hân hoan và khí phách. Lịch sử được tái hiện một cách hào hùng và hoành tráng với sự tham gia của diễn viên 11 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Độc đáo nhất phải kể đến 1.000 diễn viên nghiệp dư là những cựu chiến binh "đứng" trong dàn hợp xướng thể hiện những ca khúc ra đời trong khói lửa chiến tranh. Họ đã hát bằng trái tim, bằng ruột gan mình nên tiếng hát cất lên là đi vào lòng người, tìm thấy ngay sự đồng điệu trong những tràng pháo tay và những cánh tay vẫy. Tối qua, cũng như hai tối 1/10 và 2/10, Hồ Gươm và sân khấu trước tượng đài Lý Thái Tổ là nơi hiển hiện rõ nhất tình cảm và niềm hân hoan của người dân trong dịp Đại lễ nghìn năm có một này. Nhật Anh

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=30&newsid=246926