Bám thực tiễn, giải quyết những vấn đề cấp bách

Việc thông qua các nghị quyết được thực hiện chặt chẽ, đúng luật định, sát với thực tiễn, có tính khả thi cao từ các kỳ họp chuyên đề đã tác động sâu rộng đến công tác chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.

Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 16, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026

Ghi nhận từ một kỳ họp chuyên đề

Qua các kỳ họp HĐND tỉnh, có một điều dễ dàng nhận thấy, các nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh xem xét có xu hướng tăng lên, đặc biệt là trên các lĩnh vực về kinh tế - xã hội, tài chính – ngân sách, đầu tư, xây dựng…

Những vấn đề trên đều xuất phát từ thực tiễn và phát sinh liên tục. Để kịp thời tạo điều kiện cho quá trình chỉ đạo thực hiện của UBND cùng cấp, HĐND tỉnh đã tổ chức các kỳ họp chuyên đề nhằm xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách, cũng như tháo gỡ, giải quyết những vấn đề cấp thiết của địa phương thuộc thẩm quyền.

Từ đầu năm đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 2 kỳ họp chuyên đề, ban hành nhiều nghị quyết (NQ) quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Hàng loạt NQ được ban hành liên quan đến các cơ chế, chính sách và là những nội dung quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân trong tỉnh .

Ghi nhận tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 16, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026, trong các NQ được thảo luận, thông qua, đáng chú ý là Đề án công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I.

Ngày 26/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 108/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; với mục tiêu quy hoạch đến năm 2025: Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Theo Thường trực HĐND tỉnh, xuất phát từ yêu cầu phát triển khách quan của hệ thống đô thị Việt Nam cũng như của tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện nay; thực hiện định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030 và Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 – 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 24/2/2021, việc mở rộng không gian đô thị và thành lập các quận, phường thuộc khu vực nội thành là sự phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển của Thừa Thiên Huế trong xu thế hội nhập, phù hợp với các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ.

Đề án cũng định hướng hết sức cần thiết nhằm tạo ra những cơ hội mới để Thừa Thiên Huế tiếp tục phát triển đô thị theo hướng bền vững, trên cơ sở thế mạnh đặc trưng “văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.

“Việc HĐND tỉnh thông qua đề án đã đảm bảo điều kiện để trình đề nghị Quốc hội quyết định việc thành lập thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết.

Cùng với đề án này, kỳ họp cũng thông qua NQ Chương trình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế để có cơ sở phê duyệt Chương trình phát triển đô thị đảm bảo đúng quy định, phù hợp với mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế.

Phát biểu tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 16, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh, các NQ được ban hành đáp ứng được tính kịp thời về chủ trương để UBND tỉnh, các sở, ngành và các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện. Đây là các vấn đề quan trọng, phát sinh trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Khẩn trương & kỹ lưỡng

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 quy định, HĐND có 2 hình thức tổ chức kỳ họp: kỳ họp thường lệ (2 kỳ/năm) và kỳ họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề phát sinh đột xuất.

Bên cạnh các kỳ họp thường lệ, quyết định các vấn đề quan trọng, mang tính chất vĩ mô, các kỳ họp chuyên đề cũng xem xét, quyết định các vấn đề lớn, cấp bách hoặc những phát sinh trong thực tiễn cần giải quyết kịp thời.

Thông thường, thời gian chuẩn bị kỳ họp chuyên đề khá ngắn, mang tính chất khẩn trương, để tạo chất lượng và hiệu quả của kỳ họp không phải là điều dễ dàng.

Do vậy, HĐND tỉnh xác định, kỳ họp chuyên đề là hoạt động bình thường của HĐND các cấp. Thường trực HĐND tỉnh chủ động từ sớm, từ xa, thống nhất với UBND tỉnh về chương trình, nội dung, phân công nhiệm vụ, công tác chuẩn bị của kỳ họp, khắc phục tính bị động về thời gian tổ chức kỳ họp. Mặt khác, các khâu chuẩn bị và tổ chức kỳ họp cũng đảm bảo chặt chẽ, bài bản về quy trình.

Qua thực tiễn cho thấy, các kỳ họp chuyên đề đã được diễn ra nghiêm túc, đảm bảo nội dung, chương trình đề ra. Mặc dù nội dung kỳ họp bất thường không nhiều, nhưng HĐND tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức các kỳ họp bảo đảm tính khoa học, sát thực tế, có tính dự báo cao để chủ động xác định nội dung, thời gian các kỳ họp.

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, điều quan trọng của các kỳ họp chuyền đề đó là xác định đúng và trúng nội dung thực sự cần thiết, cấp bách, kịp thời thúc đẩy sự phát triển hoặc giải quyết nhanh chóng các vấn đề đặt ra. Các khâu chuẩn bị kỳ họp cũng phải được tiến hành chặt chẽ, kỹ lưỡng, trong đó quan tâm khâu khảo sát trước nội dung được trình nhằm xác định tính thực tiễn của vấn đề và khâu thẩm tra phải chặt chẽ để khi quyết định thật sự sát, đúng.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/bam-thuc-tien-giai-quyet-nhung-van-de-cap-bach-140791.html