Bám bản 'gieo chữ'

ĐBP - Với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, các thầy, cô giáo tại các trường học vùng cao trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực vượt khó, kiên trì bám trường, bám lớp để “gieo” con chữ, nâng cánh ước mơ cho học sinh…

Nỗi nhớ “đặc biệt”

Những ánh mắt trong veo của các em nhỏ sau những phiến đá tai mèo xám xịt, mùi hương ngai ngái của nhựa cây rừng khi bà con đốt nương - những điều tưởng chừng rất bình dị nhưng lại trở thành nỗi nhớ da diết khó nói thành lời với cô giáo Trần Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tủa Thàng số 2 (huyện Tủa Chùa).

Năm 2003 khi vừa ra trường, cô giáo Phương nhận nhiệm vụ giảng dạy tại điểm trường thôn Tà Chinh, xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa). Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô giáo Phương hăng hái đeo ba lô lên đường. Sau ngày dài di chuyển, khi bánh xe dừng lăn, cô Phương thực sự “sốc” khi tận mắt chứng kiến khung cảnh xung quanh. Cả bản chỉ thấy rải rác vài nóc nhà thưa thớt giữa mênh mông đá tai mèo, cơ sở lớp học không có bất cứ thứ gì, không có điện, không sóng điện thoại… Hiện thực khó khăn cùng nỗi nhớ nhà, bố mẹ khiến cô không ít lần có ý định bỏ về.

Cô Phương nhớ lại: Lúc đó, lớp học được bố trí mượn tạm từ gian bếp của Trường Tiểu học. Vì vậy mà cả phòng đen kịt vì bồ hóng bám khắp trần, vách. Ðể chuẩn bị đón trẻ đến lớp, tôi bắt tay ngay vào lau dọn, rồi xin vôi về quét tường. Lớp học xong xuôi, tôi bắt đầu hành trình đi tìm học sinh. Những ngày đầu, do không thông thạo địa hình, địa bàn lại rộng, không biết tiếng địa phương nên khó khăn lắm. Không nản chí, tôi nhờ một em học sinh tiểu học đi cùng để kết nối. Ðến từng nhà rà soát xem có con em trong độ tuổi thì vận động ra lớp.

Nhờ sự nỗ lực của cô giáo, lớp học mầm non đầu tiên khai giảng với gần 20 trẻ. Trong quá trình giảng dạy, cô Phương tranh thủ nhặt vỏ, nắp chai nhựa, lon nước ngọt, hoặc thanh tre, gỗ vụn để về tự làm đồ dùng dạy học. Hàng ngày, những tiếng hát của lớp học vang vọng khắp bản. Cứ thế qua mỗi ngày, học sinh đông dần lên. Lớp học trở thành nơi thu hút trẻ nhỏ trong thôn, rồi cứ trẻ dưới 5 tuổi là lại dắt díu nhau đến lớp cô Phương.

Thấm thoát đã tròn 20 năm, cô giáo Phương công tác tại vùng đất cao nguyên đá Tủa Chùa. Ðấy cũng là từng ấy thời gian cô Phương xa bố mẹ, xa gia đình. Ðến khi có mái ấm riêng, người chồng công tác cùng ngành và 2 đứa con đáng yêu. Song số lần cả gia đình gặp nhau hàng tháng chỉ tính trên đầu ngón tay.

Nở nụ cười tươi, cô Phương chia sẻ thêm: Nỗi nhớ “đặc biệt” về những đứa trẻ nơi cao nguyên đá khiến tôi không đành lòng rời xa. Những ánh mắt ánh lên niềm vui khi đón cô giáo của các em nhỏ giúp tôi được tiếp thêm động lực. Vì vậy mà vợ chồng tôi đã làm nhà, đón các con lên Tủa Chùa học tập, quyết định gắn bó với mảnh đất thân thương này.

Cắm bản để “trồng người”

Hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Lò Văn Thoàn, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Trung Thu (huyện Tủa Chùa) đã đóng chân tại tất cả các điểm trường của xã. Có lẽ vì vậy mà từng cung đường lên bản, tên của từng học sinh, mỗi gia đình đều được thầy Thoàn ghi nhớ rõ.

Năm học trước, thầy Thoàn phụ trách điểm Trung Vàng Khổ - điểm trường cách xa trung tâm nhất. Con đường đến điểm trường dài 12km mà có tới 1/3 là đường dân sinh, hẹp và trơn trượt. Ðường sá đi lại khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa. Cộng với việc chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại chập chờn nên Trung Vàng Khổ gần như biệt lập với bên ngoài. Vì thế, trong suốt 1 năm phụ trách vừa qua, hơn nửa thời gian thầy Thoàn ở lại cắm bản.

Thầy Thoàn cho biết: Thôn Trung Vàng Khổ có gần 150 hộ, 100% là người Mông. Do địa hình cách trở nên việc đi lại của thầy cô cũng như học sinh gặp nhiều khó khăn. Ðặc biệt, vào những mùa mưa, thầy giáo phải đến tận nhà để đưa đón các em học sinh đến trường. Ðể “hòa nhập” với cuộc sống của người dân, thời gian rảnh tôi thường đến từng nhà học sinh tìm hiểu đời sống, thăm hỏi, trò chuyện. Mới đầu thì bà con còn e ngại, sau cũng quen dần. Qua nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện, người dân càng thêm quý mến, có nhà còn xem thầy giáo như người thân. Hễ trồng được quả bí, cây rau thì đều muốn bớt lại mang lên cho thầy giáo. Tình cảm của phụ huynh khiến tôi cảm thấy ấm lòng và thêm yêu công việc của mình nhiều hơn.

Tại một huyện vùng cao khác, thầy giáo Quàng Văn Pọm, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học THCS Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) cũng thường xuyên cắm bản dạy chữ. Ngoài công tác giảng dạy, thầy giáo bám bản còn là cán bộ dân vận, đi đến từng nhà để vận động phụ huynh và động viên các em đến trường cũng như đi học thêm để củng cố kiến thức. Thầy Pọm cho biết: Vì tình yêu nghề cùng với tình thương dành cho các em, không muốn những đứa trẻ ở đây bị mù chữ, phải gắn bó với nương rẫy để cái nghèo mãi đeo bám, nên bản thân tôi sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn để ở lại dạy chữ cho các em. Hơn chục năm “gieo chữ” nơi vùng cao, gác lại niềm vui riêng để miệt mài cắm bản dạy chữ, mọi việc trong gia đình tôi đều nhờ vợ chăm lo, kể cả dạy dỗ con cái. Cũng vì tâm huyết và trách nhiệm với nghề giáo nên tôi tự nhủ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cùng với thầy Thoàn, thầy Pọm, cô Phương, nhiều giáo viên khác trên địa bàn tỉnh cũng đang ngày đêm cắm bản. Dù đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả, các thầy cô vẫn ngày nối ngày, kiên trì, thầm lặng bám bản, trụ lại điểm trường để “gieo chữ” cho học trò vùng cao.

Minh Thảo

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/giao-duc/210700/bam-ban-%E2%80%9Cgieo-chu%E2%80%9D