Bài viết 'Rạ rơm trổ nhớ' của Trần Đức Tín

'Anh đi Lục tỉnh giáp vòng/ Đến đây trời khiến đem lòng thương em'- Ca dao Nam Bộ.

“Lục tỉnh” - cái tên nghe dường như đã lùi xa vào đoạn quá vãng nào đó, nhưng trong bất chợt những buổi chiều đầy gió, người già xứ này vẫn nhắc về nó với đôi mắt gieo vào xa xăm đầy kiêu hãnh.

Dân tôi miệt thứ, nơi mà câu vọng cổ ngân xa bao đời trên những tàu dừa, rặng đước, đàn cò trắng thong thả đùa mây mỗi khi ráng chiều sắp rụng rơi trên mặt nước, đỏ rực phía chân trời. Tôi đi nhiều nơi, chân giáp hạt nỗi buồn mấy bận, có khi lạc giữa núi đồi nghe vượn hú chim kêu, có lúc mắc võng giữa cao nguyên trốn đêm lẩn khuất, những nơi chân qua để lại một sự cô đơn riêng biệt, nhưng miền Tây là máu thịt, là nguồn cội nên cái nhớ, cái thương cũng nồng nàn sâu sắc.

Tôi nhớ thuở lên 10, xứ tôi đường lộ vẫn chưa có, thời ấy xe máy chỉ chạy được ở thị xã. Xứ rừng heo hút, nước mênh mông này thì tiếng máy Kohler - 4 (cu-le-tư) cũng không buồn vang đến. Suốt thời tuổi thơ ám gợi bởi tiếng bìm bịp kêu nước lớn nước ròng khi chiều chiều len lỏi. Nhưng cũng hay, có sao đâu, chúng tôi vẫn lớn như thổi, đầu trần chân đất, u hơi từ đầu trên đến xóm dưới, đi học về nhảy ùm xuống kinh móc đất chọi nhau, chăn trâu, cắt cỏ, thả diều… món nào cũng biết, cũng rành sáu câu vọng cổ.

Ảnh minh họa ITN.

Tôi yêu cái mùi rơm rạ trong gió lành, mỗi sớm mai lành lạnh thổi vào căn nhà lá trống huơ trống hoác. Gió như người yêu, đến và đi bất chợt, không cách gì níu giữ, không cách gì chạy theo, gió vào, chán gió lại ra. Nhưng cũng như tình yêu vậy, luôn để lại khoảng tươi đẹp nhất trong lòng người, gió đã để lại mùi rơm rạ ngọt ngào nằm vắt vẻo trên võng sau mùa gặt vụ Đông Xuân cuối tháng 4 dương lịch.

Mỗi sáng sớm, bọn trẻ chúng tôi quần áo gọn gàng ới nhau đi học khi cỏ ven đê còn đẫm sương, trường chẳng xa mấy nhưng vì đi bộ nên chúng tôi phải dậy từ rất sớm, có khi gõ cửa nhà nhau lúc trời còn chưa kịp sáng. “Hành trang” được mẹ mỗi đứa gói theo cho ăn sáng dọc đường cũng “đặc biệt”, bữa thì nắm cơm mới nấu có ít muối chấm kèm, bữa khác thì túi cơm vừa chiên với vài tóp mỡ còn nóng hổi. Chúng tôi vừa ăn vừa đi đến lớp.

Đoạn đường đến trường phải tắt ngang đồng lúa, những mảnh ruộng thơm lừng mạ non, đến gần vụ gặt lại trĩu bông vàng ươm một vùng trời làm thơ mộng bọn trẻ chúng tôi đến giờ, có khi, còn mơ thấy.

Tôi có sở thích khác các bạn, các bạn cứ đuổi nhau chạy dài trên ruộng rồi vấp ngã, xúm nhau cười nắc nẻ. Có khi cao hứng, đi học về, bọn nó kéo nhau xuống ruộng vừa gặt xong còn trơ gốc rạ, rạch lằn phân chia “lãnh thổ” rồi chia nhau từng tụm chơi u hơi. Tôi không tham gia, chỉ ngồi “ngoài lãnh thổ” nhìn các bạn, nghe gió thổi lộng trên đồng, nghe rạ rơm nói chuyện…

Mùi rạ rơm lúc nào cũng mang thương nhớ, là nỗi nhớ vô định, không lựa chọn, không kiêu kỳ nhưng đi theo ta suốt đời còn thở. Ngày tháng xa quê là ngày tháng đơn độc, muôn đời vẫn thế, sự đơn độc đôi khi biến tôi thành cộc cằn, tay chai, mắt sạm màu chợ… Tôi quên rằng trăng vẫn sáng trên đầu, nước vẫn chảy dưới kênh và rạ rơm vẫn sống trong tôi chưa bao giờ thôi trổ.

Ừa phải, rạ rơm cũng trổ, rạ rơm không trổ đòng đòng, không cho ta hạt lúa, nhưng cho ta thứ quan trọng không kém: Rạ rơm biết trổ cái nhớ, cái thương trên tiếng hò Lục tỉnh!

Trần Đức Tín (Nguyên giáo viên Trường THPT Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bai-viet-ra-rom-tro-nho-cua-tran-duc-tin-post632765.html