Bài trừ hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Già làng, trưởng bản giữ vai trò quan trọng

VH- Ít ai hình dung được rằng, đến nay vẫn còn không ít hủ tục lạc hậu đang tồn tại dai dẳng trong đời sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Tìm giải pháp bài trừ những hủ tục là vấn đề không mới, nhưng để có được cách làm mới, hiệu quả thì không hề đơn giản.

Những luật tục mới nghe đã... sợ Tuy không phải là một vấn đề mới nhưng việc bàn thảo tìm giải pháp bài trừ hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thêm một lần nữa lại tạo nên “sức nóng” tại cuộc hội thảo do Bộ VHTTDL tổ chức mới đây. Hủ tục lạc hậu tuy chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng tiềm ẩn nguy cơ lan rộng, tạo thành “rào chắn” cản trở sự phát triển. Bài trừ các tập tục lạc hậu là việc làm quan trọng, tuy nhiên rất cần được đổi mới.(Vụ trưởng Vụ VHDT Hoàng Đức Hậu) Nhiều đại biểu cho biết, có không ít hủ tục đang tồn tại khiến người “ngoại đạo” mới nghe thôi đã không khỏi... rùng mình. Đến Tây Nguyên, dẫu cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn đó những luật tục đang ăn sâu trong đời sống, sinh hoạt và niềm tin của nhiều cộng đồng dân tộc. Nêu lên những hủ tục nặng nề trong cuộc sống của một số đồng bào DTTS ở đây, TS. Nguyễn Thị Kim Vân (Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai) không khỏi thở dài. Có những dân tộc hiện vẫn còn duy trì dai dẳng nhiều luật tục lạc hậu như cách phân xử đúng- sai bằng... lặn nước, đổ chì nóng vào lòng bàn tay. Họ duy trì niềm tin gần như tuyệt đối vào thần linh (Yang) và trong nhiều vụ kiện phức tạp, theo phong tục tập quán của đồng bào, kết quả phân xử thắng- bại chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố rủi- may. Đáng nói là, những rủi- may đó lại được tuân thủ gần như tuyệt đối bởi đồng bào cho rằng đó chính là ý Yang. Một hủ tục nặng nề khác là tục phạt vạ. Cũng ở một số cộng đồng DTTS ở Tây Nguyên có luật tục phân chia cái chết thành chết lành và chết dữ. Trong trường hợp “chết dữ” (tai nạn, phụ nữ chết khi sinh con), gia đình chẳng những mất người thân mà còn trở thành nạn nhân của sự trừng phạt được quy định từ ngàn đời bởi luật tục. Trong nhiều nghi lễ sinh hoạt, một số dân tộc vẫn duy trì nhiều hủ tục và việc thực hành được cả cộng đồng giám sát. Ví như, trong nghi lễ liên quan đến tang ma, có những cộng đồng thường có hành động biểu hiện tình cảm thái quá như tự rạch đùi, rạch ngực; người phụ nữ có chồng chết phải... kiêng tắm gội cả tháng trời. Ở khu vực miền núi phía Bắc cũng có nhiều hủ tục đang tồn tại và gây ảnh hưởng tiêu cực cho đời sống đồng bào. Trên vùng cao Hà Giang, một số cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn có tục để người chết lâu ngày trong nhà; giết mổ nhiều bò, lợn, tổ chức ăn uống dài ngày gây tốn kém; hay việc đặt niềm tin thái quá vào cúng bái, bói toán... Tại Lai Châu, vẫn diễn ra phổ biến tình trạng tảo hôn, không đăng ký kết hôn, hôn nhân cận huyết, thách cưới... Tại nhiều vùng miền núi Quảng Ngãi vì hủ tục “cầm đồ thuốc độc” mà nhiều người bị đánh đập dã man cho đến chết. Trong ảnh: Sau nhiều lần thuyết phục, vận động, vợ chồng ông Phạm Văn Bắp (bị mọi người nghi “cầm đồ thuốc độc”) ở xã Ba Trang, huyện Ba Tơ sau 4 năm lẩn trốn mới dám về nhà. Ảnh: HIỀN CỪ Bài trừ cách nào? Có những dân tộc hiện vẫn còn duy trì dai dẳng nhiều luật tục lạc hậu như cách phân xử đúng- sai bằng... lặn nước, đổ chì nóng vào lòng bàn tay. Họ duy trì niềm tin gần như tuyệt đối vào thần linh (Yang) và trong nhiều vụ kiện phức tạp, theo phong tục tập quán của đồng bào, kết quả phân xử thắng- bại chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố rủi- may.(TS Nguyễn Thị Kim Vân) Sự tồn tại của những hủ tục lạc hậu đang tiếp tục đặt ra bài toán nan giải. Sở VHTTDL tỉnh Đắk Nông cho biết, không chỉ là thói quen, niềm tin được duy trì qua nhiều thế hệ, không ít hủ tục đã đưa tới hậu quả khó lường. Từ đầu năm 2009 đến nay, ở Trường Vừ A Dính (xã Đắk Som, huyện Đắk GLong) đã có hơn 10 trường hợp học sinh lớp 6, 7 bỏ học để lấy chồng, lấy vợ, bởi người dân ở đây quan niệm con trai quá 16 tuổi, con gái 14, 15 tuổi chưa lập gia đình là... ế. Trăn trở tìm cách bài trừ các hủ tục bởi thế luôn là vấn đề “nóng”. Với Sở VHTTDL Hà Giang, kinh nghiệm là việc chú trọng vai trò của các già làng, trưởng thôn, bản. Năm 2010, Sở đã mở hai lớp tập huấn truyền dạy nghệ thuật khèn Mông cho các nghệ nhân, thanh niên trong các thôn, bản. Đội ngũ này là những người trực tiếp tham gia tổ chức các đám ma tươi, ma khô, ma bò của dân tộc Mông trên địa bàn; cũng là những người khuyên giải bài trừ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội trong cộng đồng hiệu quả. Lớp tập huấn không chỉ tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp mà còn qua đó tuyên truyền về sự cần thiết loại bỏ hủ tục. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải hiểu nguyên nhân sâu xa của những hủ tục mới có được cách giải quyết hợp lý. Chẳng hạn, để giải quyết hủ tục chôn những đứa trẻ còn bú theo người mẹ đã chết theo quan niệm lâu đời của một dân tộc ở Tây Nguyên, giải pháp là vận động để người dân thấy được rằng không cần đi theo mẹ, sống ngay trong thế giới này những đứa trẻ vẫn tiếp tục được ăn, được bú. Ở Lai Châu, giải pháp hàng đầu cũng là việc tuyên truyền bằng nhiều nội dung, hình thức; gắn việc bài trừ hủ tục với phong trào TDĐKXDĐSVH. Với phương châm hoạt động gần dân, lắng nghe tình cảm, nguyện vọng của dân, chính quyền địa phương đã chú trọng duy trì và khôi phục các lễ hội truyền thống, những phong tục tập quán tốt đẹp; đồng thời tranh thủ uy tín của các già làng, trưởng thôn, các chức sắc tôn giáo trong việc vận động bài trừ hủ tục. Xác định việc tìm giải pháp bài trừ hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào DTTS là một quá trình không đơn giản, ông Hoàng Đức Hậu (Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL) nhấn mạnh, hủ tục lạc hậu tuy chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng tiềm ẩn nguy cơ lan rộng, tạo thành “rào chắn” cản trở sự phát triển. Bài trừ các tập tục lạc hậu là việc làm quan trọng, tuy nhiên rất cần được đổi mới. Cũng theo ông, trong hệ thống các giải pháp, có thể chú trọng đến việc xây dựng mô hình để nhân rộng phong trào bài trừ hủ tục. Theo đó, mô hình tại chỗ là tốt nhất, tránh việc lấy mô hình từ các địa bàn khác, dân tộc khác đem tới áp dụng cho vùng này, dân tộc này học tập. Một gia đình, một bản làng làm tốt cũng có thể trở thành mô hình xứng đáng để nhiều gia đình, nhiều bản, làng noi theo... Hà Phương

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/doisong/31502.vho