Bài thuốc chữa chứng mồ hôi xuất tiết khi trời lạnh

Chứng mồ hôi xuất tiết, Đông y gọi là hãn chứng. Về mặt trị liệu, có thể sử dụng một số phương thuốc đơn giản giúp cải thiện chứng bệnh này.

Chứng mồ hôi xuất tiết (hãn chứng) có 3 loại chính:

Đạo hãn: Mồ hôi xuất tiết lúc ngủ, thức dậy thì hết (mồ hôi trộm).
Tự hãn: Mồ hôi xuất tiết lúc thức, không phải do lao động hoặc thời tiết (tự ra mồ hôi).
Cục bộ hãn: Mồ hôi xuất tiết ở một khu vực nhất định như ở lòng bàn chân, bàn tay, trước ngực ngay khi thời tiết mát mẻ, có gió lạnh...

Ngoài ra còn có trường hợp mồ hôi xuất tiết dị thường đặc quánh như dầu; mồ hôi màu vàng (hoàng hãn), màu đỏ (hồng hãn), mồ hôi có mùi khó chịu...

Mồ hôi xuất tiết ở lòng bàn tay có thể do khí huyết không điều hòa

Cục bộ hãn là chứng mồ hôi xuất tiết như một trạng thái bệnh lý có thể do âm dương mất cân bằng, khí huyết không điều hòa hoặc tạng phủ bị rối loạn gây nên.

Thuốc chữa mồ hôi xuất tiết khi trời lạnh (cục bộ hãn)

1. Thuốc đắp trên rốn trị mồi hôi xuất tiết khi trời lạnh

- Thành phần: Ngũ bội tử loại bỏ tạp chất, cho vào cối giã thật nhỏ hoặc dùng máy xay cà phê nghiền thành bột mịn, sau đó cất vào lọ nút kín dùng dần.

- Cách dùng: Lấy khoảng 1-2 thìa cafe bột thuốc, trộn với nước trắng hoặc mật ong thành một thứ bột mềm, đắp kín rốn rồi dùng băng dính cố định lại. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần.

- Phương giải bài thuốc: Ngũ bội tử là vị thuốc khai thác từ cây muối, rất phổ biến ở các miền đồi núi nước ta. Cây muối còn có tên là bầu bí, bơ pật (Thái), chu môi, sơn bút, ngũ bội, diên phu mộc. Tên khoa học là Rbus sinensis Mill.

Có một loài sâu đặc biệt, gọi là sâu ngũ bội tử thường đến cây muối, chích vào cành non và lá, rồi đẻ trứng. Có thể do những kích thích tố đặc biệt của trứng và sâu non, những tế bào của cây phát triển bất thường - sùi lên thành những bướu hình bầu dục hoặc hình đa giác. Những bướu sùi lên trên cây muối chính là vị thuốc ngũ bội tử.

Theo Đông y, ngũ bội tử vị chua tính bình vào 3 kinh phế, thận và đại trường. Có tác dụng liễm phế, giáng hỏa chỉ huyết, chữa phế hư sinh ho, mụn nhọt và nhiều mồ hôi.

Vị thuốc ngũ bội tử

2. Thuốc ngâm rửa

-Thành phần: Cát căn 20g, hoàng kỳ 10g, khô phàn 5g.

- Cách dùng: Nấu nước ngâm và rửa mỗi ngày 1-2 lần.

- Phương giải bài thuốc:

+ Cát căn là củ sắn dây đã thái nhỏ, phơi khô. Cát căn có vị ngọt, cay, tính bình và không độc. Dược liệu có tác dụng tán nhiệt, giải biểu, tuyên độc, sinh tân dịch, thấu chẩn, thoái nhiệt, chỉ khát, chỉ tả, giải co giật, giải độc rượu, giải cơ… chữa chứng biểu nhiệt, đau trước trán, mồ hôi ra nhiều.

+ Hoàng kỳ là vị thuốc bắc được dùng ở dạng sắc, tán bột, làm hoàn hoặc dùng ngoài, trị phong thấp, cơ thể nặng nề mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, sợ lạnh…

+ Khô phàn là phèn chua, còn gọi là minh phàn, bạch phàn. Phèn chua tính hàn, không độc, chua có tác dụng làm khô, chống ngứa và sát trùng, trị nước ăn chân; Khử mùi hôi chân do đi giày ra nhiều mồ hôi.

Cần lưu ý là phải thực hiện đều đặn và kiên trì. Bên cạnh đó, điều trị cục bộ hãn còn có thể châm cứu để lập lại cân bằng âm dương, điều hòa khí huyết và chức năng của các tạng phủ. Tuy nhiên, để thực hiện được, người bệnh cần đến bệnh viện hoặc phòng khám Đông y để được điều trị tổng thể mới đạt hiệu quả như mong muốn.

Mời bạn xem thêm video:

Bàng hoàng phát hiện ung thư khi khám sức khỏe, phải cắt bỏ thùy gan | SKĐS

BS Vũ Quốc Trung

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-thuoc-chua-chung-mo-hoi-xuat-tiet-khi-troi-lanh-169231015222344467.htm