Bài học từ những chiếc nút đồng

QĐND - “Đối với doanh nghiệp, biện pháp tiến hành công tác tư tưởng (CTTT) hiệu quả chính là giải quyết tốt việc làm, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao thu nhập cho người lao động. Làm CTTT không đơn thuần là động viên chung chung, rồi hô hào suông”-Đại tá Đỗ Đức Huy, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Nhà máy Z115, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng bộc bạch như vậy khi trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm tiến hành CTTT ở đơn vị.

Sản xuất thuốc nổ tại Phân xưởng A6 (Nhà máy Z115, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng).

Xoay quanh câu chuyện về công tác dự báo, quản lý, giải quyết tình hình tư tưởng như thế nào cho "thấu tình đạt lý" ở một nhà máy có đến gần 1000 cán bộ, chiến sĩ, công nhân trong giai đoạn kinh tế khó khăn được anh Huy phân tích với chúng tôi khá kỹ lưỡng. Câu chuyện về sự “mất tích” bí ẩn của những chiếc núm, nút bằng đồng của một số máy móc trong nhà máy cách đây gần 10 năm về trước được anh Huy đúc rút như một bài học kinh nghiệm về tiến hành CTTT. Chuyện là, những năm ấy, điều kiện làm việc, đời sống của người lao động ở nhà máy còn nhiều khó khăn. Không ít thời điểm, một số cán bộ luôn có “tư tưởng” xin chuyển công tác; một số công nhân thì xin nghỉ việc, hoặc làm việc cầm chừng, “chân trong chân ngoài”, bớt xén thời gian. Thậm chí, tại một số dây chuyền sản xuất của nhà máy thỉnh thoảng lại phát hiện những chiếc núm, chiếc nút, hay chi tiết máy móc, thiết bị bằng đồng bị mất. Sau một thời gian tìm hiểu, Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy nhận thấy nguyên nhân của tình trạng trên là chất lượng cuộc sống, thu nhập của người lao động còn quá khó khăn.

Từ bài học ấy, những năm gần đây, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy Z115 đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá để phát triển sản xuất. Nhà máy thực hiện chủ trương kết hợp hiệu quả giữa phát triển sản xuất quốc phòng với sản xuất kinh tế; đồng thời triển khai kế hoạch đổi mới phương thức quản lý điều hành; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho công nhân. Đặc biệt, nhà máy đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng mua sắm, lắp đặt các hệ thống máy móc, trang bị hiện đại theo hướng tự động hóa phục vụ sản xuất; xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, xử lý chất thải rắn, hệ thống quan trắc môi trường với tổng kinh phí hơn 3,7 tỷ đồng. Mỗi năm, nhà máy chi gần 1 tỷ đồng cho bồi dưỡng độc hại, mua sắm trang phục bảo hộ lao động. Hệ thống nhà xưởng được đầu tư sửa chữa, xây mới với mái tôn cách nhiệt, quạt thông gió, chống tiếng ồn, xử lý chất độc, chống bụi hiện đại; xây dựng mới các công trình văn hóa, nhà ăn ca, trường mầm non. Năm 2013, thu nhập bình quân của người lao động nhà máy đạt khoảng 11 triệu đồng/người/tháng. Để giải “bài toán” khó khăn về nhà ở, nhà máy đã triển khai xây dựng khu gia đình quân nhân với 124 hộ gia đình được cấp đất ở tại xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên. Các hộ gia đình chính sách, gia đình công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhà máy hỗ trợ tiền xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội... Nhờ môi trường, điều kiện làm việc của nhà máy được cải thiện, thu nhập hằng tháng ổn định nên cán bộ, công nhân, người lao động an tâm công tác, gắn bó với nhà máy.

Có thể nhận thấy, việc quan tâm, chăm lo thiết thực đời sống, việc làm cho người lao động là biện pháp hữu hiệu trong tiến hành CTTT của Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy Z115. Cách làm như vậy, thật đúng với câu thành ngữ: “Có thực mới vực được đạo”.

Bài và ảnh: NGUYÊN THẮNG

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/chinh-tri/bai-hoc-tu-nhung-chiec-nut-dong/318835.html