Bài dự thi: Bên bờ đê năm ấy!

Kỷ niệm tình đầu của tôi là một câu chuyện mà tôi luôn nghĩ là “Sống để dạ, chết mang theo”, bởi nhà tôi và nhà em nay ở không cách xa nhau lắm.

Nhưng rồi sức hấp dẫn của cuộc thi viết “Kỷ niệm tình đầu” cũng như khao khát được nói lên “nỗi lòng” đã khiến tôi thay đổi vào những ngày cuối cùng của cuộc thi.

Ngày ấy cách nay đã 34 năm, khi học hết cấp 3 rồi về làm công tác đoàn ở quê nhà, tôi vẫn là một “cậu bé” chưa biết yêu là gì, mặc dù đã từng “chấp bút” viết thư tình cho nhiều “cậu ngố”.

Một hôm, có đội Chiếu bóng lưu động về sân kho Hợp tác xã chiếu bộ phim “Đến hẹn lại lên”. Đứng trước mặt lũ trai chúng tôi là một tốp con gái, nhưng tôi không hề để ý. Phim đến đoạn quá xúc động, cả sân kho im lặng, lác đác có tiếng sụt sùi. Tôi đột nhiên chú ý tới người con gái có nước da ngăm đen, nhưng đôi mắt trong đêm vẫn sáng lên cùng với dòng nước mắt giàn dụa. Lồng ngực tôi nhói lên và thắt lại. Tôi đăm đắm nhìn em qua ánh sáng phản chiếu mờ mờ của màn ảnh. Hết phim, như một kẻ mộng du, tôi tách tốp rồi bước theo các bạn gái nói cười, và cứ vậy theo chân về đến ngõ nhà em khi nào không biết.

Quê tôi là một làng văn vật. Đêm đêm con gái cùng nhau ngồi dưới ánh đèn dầu may nón lá, các chàng trai ngoài ngõ hò đối đáp vọng vào như hò Phường Vải ở Nghệ Tĩnh. Đến thời tôi thì đã khác, không hò nữa mà con trai mang đàn đến ngồi trên chõng tre uống nước chè , khi thì hát, khi thì chuyện trò với chị em rôm rả. Tàn cuộc, hễ “người” của ai xong nón đứng dậy ra về thì chàng trai lặng lẽ bước theo. Nếu nàng bỏ chạy thì coi như chưa đồng ý, còn nếu thấy nàng cứ từ tốn bước đi thì cuộc “tìm hiểu” sẽ bắt đầu. Tôi không may mắn nằm vào trường hợp thứ nhất. “Năng mưa thì giếng năng đầy”, tôi vẫn kiên trì theo đuổi. Những đêm sau đó, tôi cứ đến và ngồi ngắm em với những nét duyên ngầm dễ thương đáo để. Tôi nhận thấy em rất ít nói, chỉ cười. Khi có ai hỏi đến thì em dạ, hoặc trả lời rất ngắn gọn. Qua một người bạn gái, tôi mới biết em có tật nói lắp (cà lăm). Đó cũng chính là nguyên nhân khiến em mặc cảm, tự ti trước tôi, một người được cho là có tài ăn nói. Tôi bèn viết cho em một lá thư nói rằng, khi tình yêu đã đến thì dù có khuyết tật trên cơ thể cũng không ngăn nổi con tim, huống hồ chỉ là chuyện đó. Tôi còn kể cho em nghe câu chuyện về một người nước ngoài có khó khăn về phát âm nhưng đã trở thành phát thanh viên như thế nào… Sau đó, em không còn chạy trốn tôi nữa. Tuy nhiên, em vẫn giữ một khoảng cách rất xa, và khi tâm sự em đợi tôi ngồi trước rồi mới ngồi xuống cách nhau cả…mét. Tôi mạnh dạn tỏ tình, lần thứ nhất em cúi đầu lặng im, lần thứ hai em thở dài…

Quá chán nản, nên trong một lần tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng của huyện, tôi gặp một cô gái xã bên, cả hai chúng tôi đều là “diễn viên xuất sắc” nên đã sớm cảm phục nhau. Thế rồi, tôi đã phản bội tình yêu của mình đối với em để phải lòng cô gái đó. Thời gian đến với em cứ thưa dần…thưa dần. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn đến và đưa em về, thái độ của em không có gì thay đổi.

Một hôm trời đã khuya, đang gò lưng trên chiếc xe đạp cà tàng sang xã bên thì phát hiện cô “diễn viên” đã nhận lời yêu tôi đang được một người trai ôm hôn bên bờ đê. Tôi chết điếng quay xe về, đạp như ma đuổi. Về đến đầu làng vấp ngã, tôi vứt xe rồi cứ thế theo con đê bước đi vô định. Ngẩng đầu lên đã thấy ngõ nhà em. Tôi ngồi xuống bên bờ đê mặc sương khuya ướt đầm cả áo. Bỗng có một bàn tay ấm nóng đặt lên vai: “Răng… anh lại ngồi… đây?”. Tôi ngước mặt lên và bắt gặp ánh mắt da diết của em. “ Răng em biết anh ngồi đây mà ra?”. Em cười buồn: “Em dậy ủ lá nón, cái dáng ngồi của anh em quên răng được!”. Tôi vùng dậy, ôm chặt lấy em rồi hôn liên tục lên đầu, lên má, lên môi. Tôi nuốt cả những giọt nước mắt nóng hổi của em chảy xuống. Tôi kéo em sang bên kia bờ đê, ngồi ôm em như sợ ai cướp mất. Em cũng vòng tay qua tôi, rồi cả hai đứa ngã lăn ra bờ đê. Không làm chủ được bản thân, tôi lần mở từng nút cúc áo. Trong đê mê tôi bỗng nghe em thỏ thẻ: “ Chỉ xin anh đừng làm khổ em!”. Tự nhiên tôi bừng tỉnh, đỡ em ngồi dậy, xin lỗi em rồi vuốt lại từng sợi tóc cho em…Tôi lặng lẽ ra về. Quay lại vẫn thấy em nhìn theo cho đến khi khuất bóng.

Tôi quyết định xung phong đi bộ đội, còn em theo gia đình đi kinh tế mới ở miền Nam. Em lấy chồng cũng là người cùng quê đi kinh tế mới. Rồi không chịu nổi nước độc, ốm đau, vợ chồng em lại dắt díu về quê. Không một tấc đất cắm dùi, chồng đi làm thuê, vợ ngồi khâu nón lá, một cái nghề đã dần dần mai một. Con cái đứa không nuôi được, đứa dặt dẹo ốm đau. Trong khi tôi đã làm kinh doanh nên thuộc hàng khá giả. Tôi nhìn hoàn cảnh em quá xót xa nhưng không biết làm sao mà giúp đỡ. Bởi tôi sợ chỉ cần một sơ suất nhỏ thì tan nát cả hai gia đình. Chỉ duy nhất một lần, thông qua người bạn chung, tôi có biếu em một ít tiền. Tưởng là của người bạn ấy nên em nhận, nhưng lần thứ hai thì em cương quyết từ chối. Trong nỗi ân hận dày vò đau đớn đó tôi đã cảm xúc bài thơ “MẮT ĐÁ”

Thời gian

đủ để một thiếu nữ thành đàn bà

con thuyền em bão dạt lên bờ

anh mắt đá cúi gằm đáy nước

thời gian

mạn thuyền lấp cát

biển một ngày một xa

em trơ lì trước bão mùa

anh lóng ngóng bão lòng em dữ dội

mắt đá trụ hàu

đêm

trên bãi cát vàng au

mũi thuyền vẫn hướng về biển cả

mắt đá

nhắm nghiền.

Câu chuyện của tôi đến đây sẽ không còn có gì để nói nữa. Nếu như không có một ngày khi đã bước qua tuổi 50, tôi gặp em trong một đám cưới với những người bạn cũ. Ai cũng muốn ôn kỉ niệm, hết hàn huyên lại rủ nhau đi hát karaoke. Tôi thấy em không hát mà đi ra ngồi ngoài hành lang. Tôi cũng lẻn đến bên em, nắm lấy bàn tay gầy và nói “Cả cuộc đời này, đối với em anh luôn thấy mình có lỗi…”. Em cười: “anh có lỗi chi mô, ngược lại em luôn cảm ơn anh! Bởi anh đã tỉnh táo trước “ngã gục” của em bên bờ đê năm ấy..”. Chao ôi, bữa ni đã già, răng mà em nói năng lưu loát lạ!

Đỗ Thành Đồng

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/cac-cuoc-thi/bai-du-thi-ben-bo-de-nam-ay-77010/