Bài diễn văn ứng khẩu có một không hai trên đất Sài Gòn

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì cũng ngày hôm đó, tại Quảng trường Norodom, Sài Gòn, Ủy ban hành chánh lâm thời Nam Bộ cũng tổ chức trọng thể lễ mít tinh chào mừng ngày độc lập.

Bài liên quan

Gấp rút cho thời khắc thiêng liêng

“Một quang cảnh vừa lớn lao vừa rung động”

Háo hức chờ đón giây phút thiêng liêng

Có thể hình dung ít nhiều sự háo hức của người dân Sài Gòn trong ngày 2/9 lịch sử 78 năm về trước qua hồi ức của một số tác giả, tờ báo.

Theo Hồi ký 1925 - 1964 của Nguyễn Kỳ Nam, ngày hôm đó: “Trong thành phố, nhà nhà đều treo đủ 5 sắc cờ, ăn mừng ngày Độc lập”..., “trên các đường phố, hàng ngàn biểu ngữ, đủ màu sắc, với 5 thứ tiếng: Việt, Anh, Nga, Hoa, Pháp nêu những câu: “Độc lập hay là chết”, “Đả đảo thực dân Pháp”, “Việt Nam độc lập muôn năm”...

Còn trong hồi ký Saigon Septembre 45, ký giả Trần Tấn Quốc đã tường thuật chi tiết: “Hôm nay, quang cảnh náo nhiệt lạ… Cuộc lễ độc lập cử hành đúng 2 giờ chiều. Mới 12 giờ trưa, dưới Mặt Trời đứng bóng, các đoàn thể dân chúng, các toán dân quân lũ lượt từ trong các trụ sở ở châu thành, từ các vùng ngoại ô kéo về tập trung sau nhà thờ Đức Bà… Hai giờ chiều, tại đường Blancsubé, chung quanh đô hội, các đoàn thể dân chúng đứng có trật tự theo bốn sư đoàn dân quân cách mạng”.

Hồi ký Saigon Septembre 45 ghi lại lời phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu. Ảnh: TL

Báo Việt Thanh xuất bản tại Sài Gòn tháng 9/1945 miêu tả, giữa trưa, dưới mặt trời đứng bóng, các đoàn thể quần chúng, các toán quân lũ lượt trong các trụ sở ở châu thành, các vùng ngoại ô kéo về đại lộ Norodom. Biển người Sài Gòn đổ ra đường hôm đó là cảnh tượng chưa từng thấy ở thành phố này. Cờ đỏ sao vàng, cờ của các nước đồng minh rợp trời. Khẩu hiệu bằng 5 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung giăng đầy các con phố lớn ở trung tâm: “Việt Nam dân chủ muôn năm!”, “Đả đảo thực dân Pháp!”, “Độc lập hay là chết”.

Còn trong Hồi ký của dịch giả Nguyễn Hiến Lê, lễ Độc lập diễn ra lúc 14 giờ phía sau nhà thờ Đức Bà với lực lượng tham gia khoảng 20 vạn người đủ mọi giới. Địa điểm tổ chức chính của lễ Độc lập tại Sài Gòn, chính là đại lộ Norodom, đã được đổi tên thành Đại lộ Cộng hòa, tức đường Lê Duẩn, Q.1 hiện nay.

Người trí thức cách mạng lớn và bài diễn văn lịch sử

Theo nhiều tài liệu, ngày 31/8/1945, Trung ương điện vào cho Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ, lúc bấy giờ do ông Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Nội dung công điện thông báo: đúng 14 giờ ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng ngày hôm đó, như đã nói, Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ cũng quyết định tổ chức một cuộc mít tinh và diễu hành thật lớn biểu dương lực lượng toàn dân đoàn kết xung quanh chính quyền cách mạng. Đài Bạch Mai (Đài tiếng nói Việt Nam) sẽ trực tiếp truyền thanh buổi lễ ở Hà Nội trên làn sóng 32Mhz để đồng bào Sài Gòn nghe được Bản Tuyên ngôn độc lập, qua hệ thống loa phóng thanh đặt dọc theo đại lộ Norodom và các ngả đường gần đó.

Lễ Độc lập ở Sài Gòn được cử hành lúc 14 giờ với rợp trời cờ đỏ sao vàng và băng rôn, biểu ngữ ủng hộ cách mạng. Hàng vạn người từ khắp nơi đổ về cùng trang nghiêm chào cờ và hát Tiến quân ca, Quốc tế ca, Thanh niên hành khúc… cùng chờ đón tiếng nói Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập qua làn sóng phát thanh. Tuy nhiên, việc tiếp sóng không thành công.

Rất nhanh chóng, Ban Tổ chức hội ý nhanh và phân công ông Trần Văn Giàu với tư cách Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam Bộ đã đứng lên phát biểu trước đồng bào.

GS. Trần Văn Giàu trên bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Không thể không nói thêm về GS. Trần Văn Giàu - một trí thức, nhà cách mạng lớn. Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, với vai trò Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ, Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam Bộ - ông Trần Văn Giàu đã trực tiếp lãnh đạo thành công khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên ở Nam Bộ, ở tỉnh Tân An (nay là Long An) quê hương ông vào ngày 21/8/1945. Đêm 24 /8/1945 ông và các đồng chí đã lãnh đạo nhân dân Sài Gòn khởi nghĩa giành chính quyền thành công.

Chiều 25/8/1945, trong cuộc mít tinh trước dinh Đốc lý Sài Gòn, Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu đã long trọng tuyên bố: “Đồng bào toàn dân. Hôm nay là ngày vẻ vang nhất trong lịch sử của Nam Bộ Việt Nam. Giữa thanh thiên bạch nhật, chúng tôi, Ủy ban Hành chánh lâm thời, nhân danh toàn thể quốc dân Nam Bộ, tuyên bố trước mặt toàn cầu và trước mặt toàn thể quốc dân rằng chế độ Cộng hòa Dân chủ thành lập tại Nam Bộ Việt Nam. Chúng tôi tuyên bố không thừa nhận chế độ Nam triều và cương quyết chống chế độ thực dân. Không ngoại bang nào có thể viện lý do gì để bác bỏ được điều quyết định long trọng của đồng bào ta hoài bão lâu nay: Nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”.

Báo Sài Gòn số 17.022, ra ngày 3/9/1945 tường thuật lễ Độc lập tại Sài Gòn. Ảnh: TL

Trở lại với buổi lễ chiều 2/9/1945 tại Sài Gòn. Trong bài phát biểu, Giáo sư Trần Văn Giàu nhấn mạnh: “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành nước cộng hòa...”. Nhận thức rõ tình hình, ông không quên khuyên đồng bào đề cao cảnh giác: “Mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi. Bởi vì Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại ách nô lệ”. Rồi ông Giàu đặt câu hỏi: “Đồng bào ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không? Có ai chịu bó tay để cho chế độ thực dân trở lại không?”. Sau mỗi câu hỏi của ông, cả triệu người đồng thanh đáp: “Không! Không! Không!”. Ông Trần Văn Giàu kết thúc bài diễn văn bằng lời kêu gọi: “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!”.

Sau này, trong hồi ký của mình, GS. Trần Văn Giàu chia sẻ: “Đúng giờ Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, chờ mãi mà không nghe gì. Chờ hơi lâu sốt ruột, đâu đó quần chúng hét lên: “Nó phá rồi! Nó phá rồi!”. (Sau này mới biết rằng hôm ấy đài phát tại Hà Nội không phát sóng được). Anh em Xứ ủy và Ủy ban hành chánh có mặt trên lễ đài bảo tôi phải nói thay thì mới trấn an quần chúng được. Tôi vạch mấy đầu dòng và ứng khẩu nói”.

Theo nhìn nhận của nhiều nhà báo, dẫu không hề có sự chuẩn bị từ trước, không biết được nội dung Bản Tuyên ngôn độc lập đang vang lên nơi vườn hoa Ba Đình, nhưng là một nhà cách mạng dạn dày kinh nghiệm, nhãn quan chính trị tinh nhạy, lý luận sắc bén của một người từng tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông chuyên đào tạo những cán bộ cộng sản tại Liên Xô, bài diễn văn ứng khẩu của ông Trần Văn Giàu đã thu hút hoàn toàn người tham dự buổi lễ hôm đó. Ngay ngày sau đó, nhiều tờ báo ở Sài Gòn đều đăng tin về bài diễn văn này.

Đặc biệt, chỉ ít giờ sau buổi lễ, lời cảnh báo nền độc lập bị đe dọa của ông Trần Văn Giàu trong bài phát biểu đã không thừa. Khi đoàn người tham gia cuộc tuần hành sau lễ mit-ting vừa diễu hành qua khỏi Nhà thờ Đức Bà, từ lầu cao của hãng Jean Comte (nay là Diamond Plaza), một số lính Pháp chĩa súng bắn. Tất cả có 47 người dân bị chết và bị thương, phía Pháp cũng có 5 người chết và 30 người bị thương.

Ba ngày sau lễ Độc lập, GS. Trần Văn Giàu một lần nữa kêu gọi toàn dân Việt Nam sẵn sàng đối phó để bảo vệ nền độc lập. Khi quân Pháp tấn công trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ trong đêm 22 rạng 23/9/1945, ông Trần Văn Giàu viết lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến: “Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Anh Thư

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bai-dien-van-ung-khau-co-mot-khong-hai-tren-dat-sai-gon-post262404.html