Bài cuối: Gỡ khó từ khâu sản xuất

Trước những lỗ hổng trong quản lý, kiểm soát thủy sản từ sản xuất, bảo quản đến tiêu thụ, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần tăng cường xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) an toàn. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng cần thay đổi nhận thức trong việc lựa chọn để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho chính gia đình và xã hội.

Xây dựng vùng nuôi an toàn

Hiện công tác kiểm soát chất lượng thủy sản ở Hà Nội mới chỉ làm được phần ngọn, còn phần gốc thì bỏ ngỏ. Chính quyền các địa phương mới tập trung xây dựng vùng rau an toàn, lợn an toàn sinh học, còn các mô hình NTTS bảo đảm vệ sinh ATTP chưa được quan tâm nên số mô hình đủ điều kiện rất ít.

Ông Hoàng Tiến Minh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho rằng: Để từng bước tháo gỡ khó khăn trong công tác kiểm dịch sản phẩm thủy sản, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các địa phương xây dựng vùng nuôi an toàn, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, Chi cục sẽ thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi cho người dân từ cách nhập con giống chất lượng đến công tác phòng bệnh để không tồn dư chất kháng sinh. Các địa phương cần yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư trong NTTS trên địa bàn tự nguyện ký cam kết không sản xuất, kinh doanh các chất cấm, hóa chất không rõ nguồn gốc bán cho người dân.

Ông Tạ Văn Đoán - hộ nuôi trồng thủy sản ở Ứng Hòa cho biết, do chi phí nuôi trồng ở các mô hình an toàn thường cao hơn so với nuôi thông thường, nhưng giá bán như nhau nên người dân không mặn mà. Vì vậy, đề nghị Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ về đầu ra cho sản phẩm, đồng thời kết nối doanh nghiệp xuống trực tiếp tham quan mô hình ký kết các hợp đồng tiêu thụ. Bên cạnh đó là xem xét hỗ trợ kinh phí cho người NTTS tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại nhằm giúp họ quảng bá, giới thiệu sản phẩm và hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh.

Trong khi đó, Phó phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi đề xuất, để xây dựng các vùng NTTS tập trung, Nhà nước nên hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối ngay tại địa phương có diện tích nuôi lớn, đồng thời mở các lớp dạy nghề để người dân nắm vững kỹ thuật nuôi an toàn (từ nhập con giống tới chăm sóc, bảo quản, tiêu thụ ra thị trường) mới cho hiệu quả. Người dân cũng cần nâng cao ý thức trong việc ghi chép sổ sách nhật ký chăm sóc, nuôi trồng... để giúp cho việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Tăng cường công tác kiểm soát

Do thói quen tiêu dùng của người dân thích sản phẩm tươi sống, nên các chợ đầu mối cũng như chợ "cóc", chợ tạm vẫn hoạt động mạnh mẽ, dù chất lượng sản phẩm bị thả nổi. Vì vậy, ngoài xây dựng các mô hình NTTS theo hướng an toàn, các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, lấy mẫu định kỳ giám sát chất lượng. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, để việc kiểm soát chất lượng thủy sản được tốt hơn, Nhà nước cần đầu tư xây dựng các trạm kiểm soát, kiểm dịch. Chính quyền địa phương tăng cường hoạt động của đội tự quản bằng việc thường xuyên kiểm tra dọc các tuyến đường ra - vào các chợ, nhất là chợ tự phát, chợ tạm có số lượng kinh doanh thủy sản lớn để từng bước đưa các chợ vào nền nếp.

Để nâng cao ý thức về ATTP cho tiểu thương, các địa phương cần tổ chức ký cam kết kinh doanh bảo đảm ATTP cho tất cả các hộ không có đăng ký kinh doanh theo quy định tại Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 9-5-2016 của UBND TP Hà Nội về phân công phụ trách quản lý ATTP trên địa bàn Hà Nội, đồng thời yêu cầu các hộ kinh doanh sản phẩm rõ nguồn gốc, nếu không rõ xuất xứ hàng hóa kiên quyết không cho kinh doanh. Ban Quản lý chợ phải phối hợp với các cơ quan quản lý ATTP liên quan phổ biến, tuyên truyền kiến thức ATTP và cấp giấy chứng nhận cơ sở kinh doanh đủ điều kiện cho các hộ; tổ chức thanh tra, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về ATTP tại chợ theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh, sử dụng thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường dùng trong NTTS để từng bước đưa vào nền nếp.

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT) Phùng Hữu Hào, để giải quyết tình trạng các nước nhập khẩu cảnh báo chỉ tiêu kim loại nặng trong sản phẩm làm ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của thủy sản Việt Nam, Cục yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu rà soát chương trình quản lý chất lượng, thiết lập và triển khai các biện pháp tăng cường kiểm soát mối nguy từ kim loại nặng. Các địa phương nên có quy hoạch phát triển chợ đầu mối kinh doanh nông, lâm, thủy sản đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa bảo đảm chất lượng bởi đặc thù kinh doanh thủy sản tươi sống là phải có gian hàng đủ rộng để có nơi bảo quản sản phẩm; phê duyệt kinh phí cho chương trình kiểm tra nhanh chất lượng, ATTP sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại chợ đầu mối.

Trước mắt, các ban quản lý chợ cần yêu cầu các hộ kinh doanh hải sản cam kết có tủ bảo quản sản phẩm, không bày bán dưới đất ảnh hưởng tới chất lượng, đồng thời kiên quyết chấm dứt hợp đồng buôn bán với những hộ kinh doanh không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/852491/bai-cuoi-go-kho-tu-khau-san-xuat