Bài 5: Xứng đáng là cầu nối vững trãi của lòng Dân - ý Đảng

Tỉnh Thừa Thiên Huế quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ cùng với sự vào cuộc của cấp ủy các cấp để tập trung chăm lo xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên gắn với nhân rộng các điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số; để từ đó ngày càng có nhiều đảng viên trẻ, đảng viên ưu tú là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tăng cường tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: Tỉnh ủy TT. Huế)

Bảo đảm "hạt nhân" lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở cơ sở

A Lưới là huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, Đảng bộ huyện có 54 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy, có tổng số 5.139 đảng viên, trong đó, số đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm 64,2%. Để đạt được kết quả phát triển đảng viên như thế, đồng chí Hồ Đàm Giang – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới cho biết, hàng năm, huyện tổ chức Hội nghị phát động phong trào và ký kết thi đua về công tác xây dựng Đảng, trong đó có chỉ tiêu nội dung kết nạp Đảng viên. Qua đó, đã nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả của các phong trào thi đua. Từ đó, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng tích cực, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp toàn huyện.

Đồng chí Hồ Đàm Giang – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới.

Cùng với A Lưới, Nam Đông là huyện miền núi có hơn 46% người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong những năm qua, Huyện ủy Nam Đông luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên. Toàn huyện có 2.089 đảng viên trong đó đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số 993 người, chiếm 47,5%.

Theo đồng chí Mai Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Nam Đông, phải tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng quan tâm hơn nữa công tác phát triển đảng viên nói chung và phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, nhất là những quần chúng ưu tú là đoàn viên, thanh niên có trình độ, năng động, tâm huyết, vì lợi ích chung nhằm bổ sung sức mạnh cho các chi bộ đảm bảo hạt nhân lãnh đạo nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

Đồng chí Mai Văn Dũng (giữa) trao tặng Huy hiệu Đảng cho đảng viên.

Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ; thấy được khi đứng vào hàng ngũ của Đảng là tiếp bước cha anh trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là niềm vinh dự lớn, để xây dựng động cơ phấn đấu vào Đảng; xứng đáng với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thừa Thiên Huế mang họ Bác Hồ.

“Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và toàn thể đảng viên về công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên. Các đoàn thể chính trị - xã hội từ xã đến thôn, bản đồng bào dân tộc thiểu số đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, qua đó phát hiện quần chúng ưu tú để tạo nguồn phát triển đảng trong các đoàn thể, nhất là trong thanh niên”, đồng chí Mai Văn Dũng khẳng định.

Tạo động lực vinh dự, tự hào khi đứng vào hàng ngũ của Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đảng gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc của Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Theo đó, đảng viên là nhân tố cơ bản nhất, năng động nhất của tổ chức đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là “sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”. Chính vì vậy, làm thế nào để mỗi người dân, cán bộ, chiến sĩ khi được kết nạp đều cảm thấy Ngày vào Đảng giống như cuộc khai sinh cho một trang đời mới!

Nhà thơ Chế Lan Viên đã diễn tả cảm xúc này bằng những câu thơ chứa chan yêu nước: “Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác/ Những vật vô tri cũng làm rưng nước mắt/ Đá sỏi cây cằn sao bỗng thấy thiêng liêng/ Giọng nói quen nghe, màu đất quen nhìn/ Bỗng chan chứa những điều chưa nói hết/… Đảng kính yêu, tôi tìm Đảng giữa nơi này...

Thực hiện lời Bác Hồ dạy, suốt tiến trình cách mạng, đảng ta luôn khẳng định vai trò đảng viên trẻ, khơi dậy nhận thức, nâng cao giác ngộ thanh niên hiểu về Đảng, đặc biệt ở khu vực miền núi.

Nói về vấn đề này, đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, bên cạnh những đối tượng đang được bồi dưỡng kiến thức về Đảng, tỉnh Thừa Thiên Huế còn chú trọng mở rộng đối tượng phát triển đảng viên trong hệ thống chính trị, không hạn chế đối tượng kết nạp, thông qua các phong trào tổ chức ở khu dân cư, tiếp cận những cái hay, tìm ra những điểm tích cực... Song song với đó, các cấp ủy địa phương phải để người đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

“Chúng ta không đao to búa lớn, không dùng những từ ngữ lớn lao, khó hiểu mà thông qua những câu chuyện đơn giản, tuyên truyền miệng, nêu gương những điển hình tiên tiến, những gương sáng người đồng bào dân tộc thiểu số là đảng viên làm kinh tế giỏi, đảng viên người đồng bào dân tộc thiểu số giữ những chức vụ quan trọng trong Đảng. Đồng thời, xây dựng, phát triển các phong trào ở địa phương, nhằm định hướng nhận thức, truyền thống tự hào vùng đất cách mạng, theo Đảng, theo Bác Hồ của cha ông ta…”, đồng chí Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Đồng chí Phó Bí Thường trực Tỉnh ủy khẳng định, đối với những thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số làm nghề tự do, chưa có việc làm, hoặc đang làm việc tư nhân; chúng ta nên hướng tới nghề nghiệp cho con em đồng bào như đào tạo nghề, vay vốn có việc làm, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 11–NQ/TU ngày 03/11/2021 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Từ đó, “biến” những thanh niên trở thành trụ cột của gia đình. Khi người đồng bào dân tộc thiểu số nhìn thấy sự quan tâm của Đảng, nhờ có Đảng mới có sự phát triển kinh tế - xã hội, mang lại ấm no, hạnh phúc, khi đó, họ có thêm động lực, niềm tin, tự hào khi đứng vào hàng ngũ vào Đảng.

Cũng theo đồng chí Phan Ngọc Thọ, việc bồi dưỡng lớp cảm tình Đảng, phải cần nghiên cứu lại giáo trình, không máy móc về nội dung và cách diễn đạt. Bên cạnh đó, đối với những đồng bào không biết tiếng Kinh, phải có giảng viên người đồng bào; truyền đạt cảm tình Đảng, bồi dưỡng chính trị cho người đồng bào dân tộc thiểu số, phải am hiểu văn hóa, tâm sinh lý, ngôn ngữ đồng bào, tạo ra bài giảng phải trực quan, sinh động… Về vấn đề quản lý, theo dõi để bồi dưỡng đảng viên, đồng chí cho biết, phải xây dựng cơ sở dữ liệu đối tượng đảng viên.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ chủ trì Hội nghị chuyên đề về công tác phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại A Lưới.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định, phát triển đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết, lâu dài cho việc phát triển của đất nước, tình hình an ninh chính trị khu vực biên giới. Do đó, để phát triển, phải nâng cao vai trò đảng viên trẻ, khơi dậy nhận thức, nâng cao giác ngộ thanh niên hiểu về Đảng, Bác Hồ khu vực miền núi. Cần quan tâm nâng cao dân trí, tiếp cận, tạo điều kiện cho đồng bào có bằng cấp để dễ kiếm việc làm.

Đồng quan điểm đó, đồng chí Nguyễn Thị Sửu (Kê Sửu) - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế cho biết thêm, phát triển đảng viên trẻ ở lứa tuổi học sinh trong đó có đảng viên trẻ đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nội dung cụ thể hóa chủ trương của Đảng, tạo động lực mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta. Để “những hạt giống vàng” của vùng dân tộc thiểu số vững chắc rất cần xác định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hành động, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

“Phải có phân tích, đánh giá việc trẻ hóa đảng viên, trong đó có đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số ở lứa tuổi học sinh. Đặc biệt là chỉ ra họ đã làm được gì, chưa làm được gì khi đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nếu việc phát triển đảng theo số lượng mà không coi trọng chất lượng sẽ dễ dẫn đến tình trạng “hội chứng học sinh là đảng viên”…, đồng chí Kê Sửu nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Sửu (Kê Sửu) - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế. (Ảnh: VP HĐND TT Huế cung cấp).

Đồng chí Kê Sửu cho rằng, một bộ phận người dân tộc thiểu số, thuộc thành phần nông dân, không có thu nhập ổn định, thường rất ngại vào Đảng vì phải đóng đảng phí cùng với việc sinh hoạt hàng tháng, trong khi họ lại cần “no cái bụng” trước hết, trước tiên. Vì vậy, phải tuyên truyền, thuyết phục, phân tích để họ hiểu rằng việc đóng đảng phí và tham gia sinh hoạt đảng định kỳ là nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả. “Cần nâng cao trách nhiệm các cấp ủy, tổ chức đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đối với việc phát triển đảng viên; có chương trình, kế hoạch, biện pháp tạo nguồn đảng viên không mang nặng thành tích, số lượng đảng viên phải “tỷ lệ thuận” với chất lượng” - đồng chí Kê Sửu cho biết.

Làm tốt công tác phát triển đảng viên, nhất là đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên mà còn từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Việc tập trung các giải pháp để phát triển đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số tại Thừa Thiên Huế là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ quyết định sự phát triển các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, mà còn là sự chủ động, tích cực của Đảng bộ Thừa Thiên Huế trong việc chuẩn bị những lớp cán bộ trẻ kế cận cho hiện tại và tương lai./.

Bài, ảnh: Hoàng Oanh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/bai-cuoi-xay-dung-doi-ngu-dang-vien-dam-bao-so-luong-va-chat-luong-646225.html