Bài 5: Động cơ của Nguyễn Ngọc 'bật đèn xanh' cho thuộc cấp bắn Lữ Anh Dồi

Kết thúc những phiên tòa xử Nguyễn Ngọc và Thái Văn Hùng, dư luận xã hội lúc bấy giờ vẫn chưa thể nguôi ngoai khi cơ quan tố tụng chưa làm rõ động cơ giết Lữ Anh Dồi. Trước đó, các bản luận tội của 2 bị cáo trên cũng chỉ rõ rằng, động cơ giết người của Ngọc và Hùng không ảnh hưởng nhiều đến tội danh của các bị cáo.

Cửa hàng mua bán thủy sản, nơi ông Lữ Anh Dồi bị bắn chết

Vì sao Lữ Anh Dồi chết oan?

Đó là câu hỏi của rất nhiều người dân Minh Hải và cho đến nay là 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau vẫn còn thắc mắc. Trước đó, trong phiên xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã cho rằng hai bị cáo Ngọc và Hùng đã không thành khẩn khai báo về động cơ giết Lữ Anh Dồi, điều này gây khó khăn trong việc điều tra về nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông.

Ngoài ra, HĐXX cũng nhận định rằng, trong lý luận về tội phạm thì mục đích, động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc. Trọng tâm của tội ác mà Ngọc và Hùng gây ra là ý thức chủ quan khi phạm tội. Vì vậy, tuy chưa có đủ điều kiện làm rõ hơn về động cơ, mục đích của bị cáo nhưng không làm ảnh hưởng đến việc định tội danh, hình phạt.

Nhà báo Dương Thanh Long, một cây bút điều tra của báo Minh Hải thời điểm đó ý kiến: “Động cơ giết Lữ Anh Dồi của Nguyễn Ngọc là rất khó để làm rõ. Trước sau Ngọc vẫn quanh co chối tội, nếu không nhờ những người nắm quyền công tố, thực thi pháp luật cứng rắn thì cũng rất khó định tội. Trong khi đó, người có thể biết được động cơ của Ngọc chỉ có Lữ Anh Dồi thì cũng là nạn nhân đã chết. Việc điều tra động cơ của Ngọc đi vào ngõ cụt là vì thế”.

Tuy nhiên, theo ông Long, dư luận thời điểm đó cho rằng nguyên nhân Lữ Anh Dồi bị giết là vì biết được những việc làm sai trái của Ngọc. Cụ thể là chính Ngọc đã móc nối tổ chức nhiều cuộc vượt biên trái phép để lấy vàng của người dân. Những vụ vượt biên này không chỉ mình Ngọc thực hiện mà còn liên quan đến lãnh đạo tỉnh Minh Hải thời ấy.

Chuyện động trời này bị Lữ Anh Dồi phát hiện. Biết không thể giấu được mãi, Ngọc quyết định ra tay trước. Để bảo đảm cho sự an toàn của mình, Ngọc quyết định “hạ thủ” Lữ Anh Dồi để bịt đầu mối. Cụ thể, Ngọc chỉ đạo cho Hùng dàn cảnh móc nối cho 53 người lên tàu vượt biên. Ở vòng ngoài, Ngọc chỉ đạo hơn 10 thuộc cấp khác canh giữ gần đó chuẩn bị bắt quả tang Lữ Anh Dồi. Thực chất đây chỉ là một màn kịch nhằm qua mắt những người dân Hộ Phòng và hợp thức hóa âm mưu.

Ngay cả những người lính bao vây cũng không biết rằng Lữ Anh Dồi bị oan. Họ vẫn tưởng rằng ông Dồi móc nối tổ chức vượt biên và chỉ làm theo lệnh thủ trưởng. Phần Thái Văn Hùng thì vốn đã được Ngọc “bật đèn xanh” để bắn Lữ Anh Dồi.

Theo các bản án, trưa hôm đó, Hùng rủ Dồi đi uống cà phê ở chợ rồi trở về cửa hàng mua bán thủy hải sản ở ngay bến sông Giá Rai. Trong khi đó, đám lính của Ngọc đã vây ráp gần đó theo kế hoạch, chỉ chờ dấu hiệu là lao vào bắt quả tang Lữ Anh Dồi.

Di ảnh của ông Lữ Anh Dồi

Việc xảy ra không như giao ước ban đầu. Khi đứng cách ông Dồi chỉ vài mét, Hùng móc súng chỉa thẳng vào đồng đội rồi bóp cò. Viên đạn thứ nhất bị lép, Dồi phát hiện liền thảng thốt nói: “Mày bắn tao sao Hùng?”. Dứt câu, Hùng bóp cò lần thứ hai, Dồi đưa tay lên đỡ, viên đạn xuyên qua tay rồi trúng người Dồi. Đồng đội ngã xuống, Hùng còn bắn thêm mấy phát đạn nữa.

“Dự những phiên tòa xử Ngọc và Hùng, tôi càng kinh hãi những hành vi của 2 bị cáo này gây ra. Điều tôi thấy an ủi nhất là trước những kẻ giết chồng mình, bà Mai rất bình tĩnh, không xúc động, bà trình bày mọi thứ mạch lạc với tinh thần thượng tôn pháp luật. Bà Mai cũng như người dân Minh Hải lúc ấy đã chờ đợi ngày những kẻ có tội được đưa ra trước vành móng ngựa ròng rã suốt cả chục năm. Niềm tin ấy cuối cùng rồi cũng được hồi đáp xứng đáng”, nhà báo Dương Thanh Long chia sẻ.

Trở lại hiện trường vụ án

PV tìm về thị trấn Hộ Phòng (nay thuộc huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu). Qua 37 năm, thị trấn nhỏ này đã thay đổi và phát triển rất nhiều. Chúng tôi tìm gặp một số người dân để hỏi thăm về vụ án Lữ Anh Dồi, nhiều người trẻ tuổi không biết hoặc chỉ nghe nói lại…

1 người đàn ông ngoài 60 tuổi, chỉ vào một ngôi nhà cũ kỹ, khóa trái cửa, nói: “Đó, chỗ đó ngày xưa là cửa hàng mua hải sản, nơi Lữ Anh Dồi bị bắn chết. Lúc đó, tôi cũng có ra coi. Trước đó tôi còn thấy ông Dồi và ông Hùng đi với nhau mà. Vụ án này quá lớn, chấn động cả một vùng”.

Cửa hàng thu mua hải sản ấy hiện nay đã qua nhiều đời chủ sang lại, chủ yếu để kinh doanh. Đó là 1 ngôi nhà mái bằng 2 gian có mặt tiền khá rộng. Phía sau là sông Giá Rai, nơi chiếc thuyền mang số hiệu 3209 năm xưa mà Thái Văn Hùng cho cập bến để đón người vượt biên, đổ tội cho Lữ Anh Dồi. Nơi này chỉ cách cửa biển Gành Hào hơn 20km.

Tiếp xúc một số người dân nơi đây, điều khiến chúng tôi băn khoăn nhất chính là sự trong sạch của Lữ Anh Dồi đối với nhiều người dân vẫn rất mơ hồ. Người dân vẫn nhớ đến cái chết của viên thiếu úy vũ trang này là vì tổ chức vượt biên rồi bị bắn. Họ không hiểu hết những âm mưu mà chính cấp trên của Lữ Anh Dồi đã gán cho ông. Chính những câu nói gán tội cho Lữ Anh Dồi mà Thái Văn Hùng đã nói ra lúc vừa bắn đồng đội mình đã in sâu vào tâm trí những người dân lúc ấy.

Một nguồn tin riêng của PV cho biết, ông Ngọc sau khi lãnh án tù 20 năm thì chỉ ở hơn 10 năm rồi được đặc xá. Ông trở về quê ở huyện Trần Văn Thời sinh sống, được vài năm thì cũng qua đời sau một cơn đột quỵ. Trước đó, vợ của ông cũng mất vì bệnh ung thư. Về phần Thái Văn Hùng, hiện ra tù đã lâu và có cơ ngơi nuôi tôm, cá khá lớn trong địa bàn tỉnh Cà Mau.

Trở lại với cuộc sống của bà Mai, người phụ nữ lận đận đã mất quá nửa đời người vào hành trình minh oan, đòi lại danh dự cho chồng. Sau khi trở lại với ngành giáo dục, bà Mai cống hiến hết khả năng của mình để hoàn thành nhiệm vụ như năm xưa cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã khuyên nhủ.

Bà Mai được nhiều đồng nghiệp, học sinh yêu mến và kính trọng. Nhiều lứa học sinh của bà Mai đã thành đạt và làm việc ở nhiều tỉnh thành miền Tây. Cuộc sống của bà trôi qua thầm lặng với đứa con nuôi xin từ người chị ruột.

Nguyễn Ngọc, Thái Văn Hùng và bà Mai, mỗi người đã có một kết cục, một cuộc sống riêng của mình. Ngọc chết vì bệnh tật, Hùng trở lại cuộc sống đời thường sung túc. Còn bà Mai, nạn nhân, một người phụ nữ, một người vợ đáng thương lại đang trăn trở từng ngày vì danh dự của chồng. Niềm mong mỏi cuối cùng của bà là trước khi nhắm mắt có thể nhìn thấy tấm bằng Tổ quốc ghi công, công nhận ông Lữ Anh Dồi là một liệt sĩ. Liệu mong mỏi ấy có thành hiện thực?

(còn tiếp)

Ngọc Hàm

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/phong-su-c-96/bai-5-dong-co-cua-nguyen-ngoc-bat-den-xanh-cho-thuoc-cap-ban-lu-anh-doi-56855.html