Bài 3: Dân khát nước, dự án nghiệm thu xong cũng là lúc… hỏng

Bài 1: “Ô ạt” xây trường rồi bỏ hoang trong mưa gió Bài 2: Khu tái định cư không có điện, công trình nứt, lở hàng loạt

Như Báo Xây dựng đã phản ánh ở 2 kỳ báo trước về những công trình chất lượng kém ở xã Mường Mô, những công trình xây xong rồi “xếp xó”. Tiếp tục đến xã Can Hồ của huyện Mường Tè, người dân địa phương vô cùng bức xúc trước việc dự án cấp nước mà lại không có nước. Nước sạch chảy ì ạch, chỉ phục vụ cho mỗi UBND xã Can Hồ và khu trường học, còn người dân các thôn thì… tự mà lo lấy thân.

Ông Lý Ché Lòng, Phó Chủ tịch UBND xã Can Hồ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) tại dự án nước sạch Can Hồ.

Nước dân bắt thì chảy, còn dự án lại “cháy khô”

Trao đổi với phóng viên, hầu hết người dân thôn bản Seo Hai đều bất bình cho biết: Suốt từ đoạn ngã 3 trung tâm xã đi các bản, hay cả bản phía trên, nước của dự án không chảy, hoặc chảy bập bõm rồi tắt hẳn. Ông Quàng Văn H, một người dân ở bản Seo Hai dẫn phóng viên vào nhà, chỉ đường ống của dự án rồi chia sẻ: Từ ngày có nước đến nay là hơn 1 năm, cái vòi nước của dự án không chảy. Không có nước, chúng tôi là người dân, chỉ biết thắc mắc lên UBND xã Can Hồ. Tuy nhiên, hỏi xong để đấy thôi, chứ cán bộ xã thì chỉ biết nói là nước của dự án, dự án sẽ xử lý, chữa đường ống dẫn nước về. Nói xong cho vui thôi còn thực tế đến cả năm chả có nước. Bất bình quá, bà con lại phải tự đi dẫn nước “máng lần” trên núi để tự chảy về mà dùng. Người dân 1 ngày không có nước thì lấy gì để sống? Xin ai cho? Cuối cùng cả bản chỉ nhau chỗ lấy nước, tự mắc ống hàng cây số kéo về nhà mình lấy nước sinh hoạt. Và cũng từ đó, người dân bản Seo Hai quên đi dự án nước sạch dành cho mình…

Đường dây dẫn từ khe núi ra thì có nước, còn nước dự án thì “khô cháy”.

Sau khi liên lạc với lãnh đạo xã Can Hồ, phóng viên được ông Lý Ché Lòng, Phó Chủ tịch UBND xã Can Hồ dẫn đi lên thực tế. Tại bể nước “tăng áp” và chia đường nước chảy về các bản, phóng viên thấy bể chứa có thể tích lên đến hàng trăm mét khối nhưng trong bể không có 1 giọt nước nào cả. Nước đã bị rò rỉ hết. Nước không có, đường ống nước không dẫn về khiến cho chiếc bể cạn trơ. Ông Lý Ché Lòng cho biết: đường ống nước thực tế dẫn về là không có nước. Chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp Trọng Đạt (TP Lai Châu) phải sớm có biện pháp “giải cứu” cơn khát cho xã. Họ có cho đấu nối về khu vực trường học và UBND xã, còn các hộ dân vẫn chưa có nước. Hiện tại, các đường ống kéo như “mắc cửi” ven các sườn đồi thực chất của các hộ dân tự kéo. Lạc quan, ông Lòng cho biết: Hiện doanh nghiệp Trọng Đạt này đang tiến hành xây dựng tiếp 1 bể nước và hàng loạt các đường ống nữa. Nghe nói là dự án mở rộng. Chủ đầu tư vẫn là Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu. Thực chất, UBND xã Can Hồ không nắm rõ là dự án nước lần 2 này là bao nhiêu tiền, ông Lòng chia sẻ.

Để có nước, UBND xã Can Hồ phải ngắt dòng, đấu nối thẳng về, không qua hệ thống bể này nữa.

Qua điều tra thực tế tại đây, phóng viên ghi nhận ý kiến cả bà con nhân dân xã Can Hồ về khá nhiều vấn đề. Từ hệ thống nước sạch (dự án di dân tái định cư thủy điện Lai Châu), cho đến đồng ruộng, đồi nương bị ngập, nhưng bộ phận kiểm đếm, đền bù GPMB của huyện Mường Tè và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đều cố tình “ỉm đi”, không trả lời cho nhân dân. Nhân dân chỉ biết kiến nghị lên xã, trong các đợt tiếp xúc cử tri. Xong rồi đâu lại vào đó. Rất nhiều công trình đã hỏng như: cánh cổng chính của trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã; cánh cửa nhà vệ sinh; nhà văn hóa bản Sì Thâu Chải; cánh cổng nhà văn hóa bản Nậm Hạ B; nhà xe của trạm trung tâm y tế xã; hệ thống kè, tráng rãnh thoát nước bị sạt đến nền nhà của bà Lý Mò Xứ và nền nhà của ông Lý Ché Lòng – bản Nậm Hạ A; rồi hàng loạt đường nước và điện sinh hoạt chưa lắp cho các hộ ở khu tái định cư Nậm Thú; đường điện vào hộ nhà Lỳ Ché Lòng – bản Nậm Hạ A; đường điện vào nhà văn hóa bản Nậm Hạ A.... Người dân liệt kê nhiều không kể xiết.

Ai chống lưng cho doanh nghiệp Trọng Đạt?

Qua làm việc và trao đổi với lãnh đạo xã Can Hồ, phóng viên được biết: kể từ ngày dự án nước sạch ở xã Can Hồ được xây dựng và đi vào sử dụng chưa được bao lâu mà UBND xã Can Hồ đã liên tục phải gửi công văn kêu cứu lên UBND huyện Mường Tè và Ban quản lý dự án bồi thường di dân tái định cư (TĐC) tỉnh Lai Châu để kêu. Lãnh đạo xã cho biết: Trong quá trình thực hiện di dân TĐC xã Can Hồ, khu TĐC trung tâm xã hoàn thành di dân trước ngày 31/5/2014 và khu TĐC bản Seo Hai hoàn thành trước ngày 05/01/2015.

Sau khi thực hiện xong quá trình di dân, UBND xã đã nhận và đưa vào sử dụng một số hạng mục công trình đầu tư trên khu TĐC. Trong quá trình sử dụng, riêng công trình nước sinh hoạt bước đầu đưa vào sử dụng đường nước của bản Seo Hai là cung ứng được đủ nước đảm bảo sinh hoạt cho nhân dân, còn đường nước của TĐC trung tâm (174 hộ) thì chỉ đủ sinh hoạt cho 1/3 số hộ trên khu TĐC. UBND xã Can Hồ thành lập tổ kiểm tra và đã khắc phục nhiều đợt nguồn nước sinh hoạt nhưng vẫn không đủ lượng nước để đảm bảo sinh hoạt cho nhân dân. Sau một năm đưa vào sử dụng, vào mùa khô chỉ đủ sinh hoạt cho 59 hộ trong khu TĐC Seo Hai, không có nước cho TĐC trung tâm xã. Còn vào mùa mưa thì cũng chỉ đủ sinh hoạt cho khu TĐC Seo Hai và đủ cho 1/3 số hộ (174 hộ) TĐC trung tâm xã; các công sở UBND xã, 3 nhà trường và trạm y tế xã không có nước.

2 đường dây nhỏ chảy về 2 nơi là UBND xã Can Hồ và Trường mầm non.

Trước đó, ngày 08/4/2015, UBND xã Can Hồ đã gửi Công văn số: 04/CV-UBND cho Ban Quản lý dự án Bồi thường di dân tái định cư tỉnh trong đó có mục đề nghị về nước sinh hoạt với nội dung như sau: Hiện nay là cao điểm mùa khô, đập đầu muối cặn nước không đủ nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân; đường ống một số điểm trên mặt bằng khu TĐC trung tâm bị tắc, đã 3 tháng nay khu TĐC trung tâm thiếu nước trầm trọng, xã đã nhiều lần cử nhân dân đi khơi nhưng không khắc phục được, đề nghị với Ban TĐC tỉnh khẩn trương có phương án khắc phục đập đầu mối và yêu cầu nhà thầu khắc phục, sửa chữa những điểm đường ống bị tắc, hỏng để đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân... Đến nay, đề nghị của xã chưa được sửa chữa, khắc phục.

Bà con nhân dân phải từ dẫn nước về.

Trong trận mưa lớn trong 2 ngày 05 - 06/7/2015, cả hai đường nước đoạn gần đầu muối bị đá lan đập gẫy ống và bục đầu nối của ống nên nước không chảy được. UBND xã đã cử cán bộ và nhân dân kiểm tra và xử lý tạm thời nhưng không khắc phục được. Hậu quả là toàn bộ nhân dân tại hai khu TĐC xã Can Hồ mất nước hoàn toàn, nhân dân phải đi chở nước ở khe suối về dùng.

Qua điều tra, phóng viên được biết đơn vị thi công dự án nước Can Hồ này là Doanh nghiệp tư nhân Trọng Đạt, do ông Lê Trọng Đại làm Giám đốc. Hiện tại, trụ sở doanh nghiệp đang đóng tại tổ 9, phường Quyết Thắng, TP Lai Châu. Tiếp tục điều tra, phóng viên được biết: Có một điều khó hiểu ở đây. Đơn vị này chỉ là 1 doanh nghiệp tư nhân nhưng không hiểu sao lại luôn trúng thầu những gói thầu “béo bở” như: Công trình cấp điện sinh hoạt Bản Chát; Thẩm Phé, Bản Hàng; Thủy điện Nậm Mở (gói thầu số 9); Thủy lợi Bản Chát, xây dựng mặt bằng Trung Đồng; cấp điện sinh hoạt Trung Đồng; thủy lợi Nậm Mô, Nậm Hạ, Huổi Cườm, Chu Va 12, đường Noong Hẻo – Nậm Coong – Nậm Cuối… Hàng trăm tỷ đầu tư xây dựng công trình đều được doanh nghiệp này đảm nhận. Và điều lạ, các công trình đều “ọp ẹp” và có vấn đề về chất lượng.

Phóng viên Phạm Đức Hải tại hiện trường dự án nước sạch Can Hồ.

Ai chống lưng cho doanh nghiệp này? Mối quan hệ của ông Lê Trọng Đại (Giám đốc doanh nghiệp) với ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, người đang phụ trách các dự án công trình tái định cư là như thế nào? Có hay không “lợi ích nhóm” ở đây, dẫn đến những công trình được thi công không minh bạch? Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm của Trần Văn Dũng, Giám đốc Ban Quản lý khi liên tục để các nhà thầu làm ẩu mà vẫn lĩnh tiền là như thế nào?

Đã đến lúc các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc, làm rõ những khuất tất ở các dự án do Doanh nghiệp Trọng Đạt làm nhà thầu, để gỡ bỏ “chiếc mặt nạ” cho sự thật phơi bày!

Đà Giang – Nam Long

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/bai-3-dan-khat-nuoc-du-an-nghiem-thu-xong-cung-la-luc-hong.html