Bài 2: Đằng Giang tự cổ huyết do hồng

Xin mượn vế đối của sứ thần Giang Văn Minh "Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ) khi đối lại vế ra của vua Sùng Trinh nhà Minh "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng đến nay rêu đã xanh) để nhắc đến 3 lần chiến thắng Bạch Đằng.

Xin mượn vế đối của sứ thần Giang Văn Minh "Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ) khi đối lại vế ra của vua Sùng Trinh nhà Minh "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng đến nay rêu đã xanh) để nhắc đến 3 lần chiến thắng Bạch Đằng.

Những chiếc cọc gắn liền với những chiến công trên sông Bạch Đằng

1. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938

Năm 937, một nha tướng của Dương Đình Nghệ là Kiều Công Tiễn đã giết chủ để giành lấy quyền Tiết độ sứ. Ngô Quyền - một thuộc tướng và cũng là con rể của Dương Đình Nghệ lập tức tập hợp lực lượng từ châu Ái tiến ra Giao Châu trừng trị kẻ phản chủ. Kiều Công Tiễn quá khiếp sợ, đã sai người sang Nam Hán cầu cứu.

Sau khi diệt Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền gấp rút cùng quân sĩ và nhân dân chuẩn bị cuộc kháng chiến. Ông chủ trương không cho quân Nam Hán vào sâu trong đất liền. Biết quân Nam Hán "có lợi thế ở thuyền”, lại đoán trúng được hướng hành quân của địch, ông đã cho quân đóng cọc gỗ với đầu nhọn và bịt sắt ở cửa biển khu vực sông Bạch Đằng. Khi thủy triều lên, quân ta ra khiêu chiến rồi giả thua, nhử địch tiến sâu vào bãi cọc. Khi thủy triều bắt đầu xuống, quân ta từ ba phía đánh ập vào đội thuyền giặc. Bị đánh bất ngờ, quân địch quay thuyền đua nhau tháo chạy ra biển thì gặp nước sông rút nhanh, chảy xiết nên thuyền giặc va vào bãi cọc, tan vỡ hết. Hàng ngàn quân giặc rơi xuống sông chìm nghỉm hoặc bị sóng cuốn trôi. Chủ tướng là Hoằng Thao cũng chết tại trận.

Qua trận đánh, ta có thể hình dung Ngô Quyền đã có một đạo quân thủy rất mạnh. Tham gia trong trận đánh đó, ngoài quân bộ phục kích hai bên bờ sông, còn có mấy trăm chiếc thuyền chiến Mông đồng mỗi chiếc có 32 tay chèo và 25 lính chiến đấu. Vì chiến thuật đánh địch bằng bãi cọc đòi hỏi sự ăn khớp rất cao về mặt thời gian, tốc độ và hướng hành quân của đối phương. Bãi cọc trong thực tế chỉ phát huy tác dụng trong một khoảng thời gian rất ngắn, tức là khi mặt nước rút xuống chỉ còn cách mũi hàng cọc một khoảng bằng độ sâu mớn nước của thuyền, cho đến khi bãi cọc bị nhô lộ ra khỏi mặt nước.

Trận Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền không những đặt nền móng cho nghệ thuật quân sự Đại Việt, mà còn trở thành một chiến thuật của thủy chiến trong binh thư của chính những kẻ thảm bại vì nó. Trong thiên Thủy chiến (quyển 13) cuốn "Vũ bị chế thắng chí” thời nhà Minh, khi dạy về nghệ thuật dùng cọc để chống thuyền địch, sách ấy đã nhắc đến chiến công của họ Ngô ở Giao Châu. Như vậy, kiểu mẫu Bạch Đằng không còn trong phạm vi Đại Việt nữa, mà đã trở thành một điển hình của nghệ thuật thủy chiến ở phương Đông đương thời.

2. Chiến thắng Bạch Đằng năm 981

Cuối năm 979, hai cha con Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn bị ám sát. Được tin đó, nhà Tống vội đem quân sang xâm lược nước ta. Ngày 24-1-981, cánh quân thủy của địch ồ ạt tiến vào cửa Bạch Đằng. Trong trận Bạch Đằng đầu tiên này, quân Tống đã vượt qua sự ngăn chặn của quân ta. Nhưng sau thất bại ở phòng tuyến Bình Lỗ, trở lại sông Bạch Đằng, đạo thủy binh Hầu Nhân Bảo rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan là bị chia cắt, không gặp được quân chủ lực của Đại Cồ Việt. Trong khi đó, Lê Hoàn bí mật tăng cường lực lượng, chọn 1 khúc sông hiểm yếu trên sông Bạch Đằng rồi bố trí quân mai phục chờ sẵn. Ngày 28-4-981, quân ta đi thuyền ra khiêu chiến rồi vờ thua chạy. Quân Tống thừa thắng đuổi theo. Khi chiến thuyền của địch lọt vào trận địa mai phục, quân ta từ khắp các trận địa mai phục và từ các nẻo đường đổ về sông Bạch Đằng vây đánh quân Tống quyết liệt. Tướng giặc Hầu Nhân Bảo bị giết chết trong đám loạn quân. Lưu Trừng vội vã dẫn đám tàn quân tháo lui ra biển. Nghe tin Hầu Nhân Bảo bị giết trên sông Bạch Đằng, các tướng Tống khác hoảng hốt dẫn quân bỏ chạy thì bị quân ta truy kích tiêu diệt quá nửa. Những viên tướng chạy thoát về nước đều bị xử tử hoặc giáng chức. Quân Tống đại bại, trong đó trận Bạch Đằng thứ hai là trận đánh quyết định tiêu diệt chủ tướng và bộ phận lớn quân Tống.

Dấu tích bãi cọc Bạch Đằng tại huyện Yên Hưng (Quảng Ninh)

3. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288

Vào năm 1287, nhà Nguyên tiến hành cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ ba, nhưng chỉ chiếm được kinh thành Thăng Long không một bóng người, và thủy quân Đại Việt do Trần Khánh Dư chỉ huy đã đánh tan nát đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ trong trận Vân Đồn. Trước tình hình bất lợi, quân Nguyên định tổ chức rút về Trung Quốc theo nhiều hướng khác nhau. Một trong các hướng đó là sông Bạch Đằng. Trần Quốc Tuấn đã theo kế của Ngô Quyền, liền cho người cắm cọc nhọn ở ba cửa sông Chanh, sông Kênh và sông Rút cạnh nhau dẫn thuyền từ Bạch Đằng xuôi ra biển. Khi Ô Mã Nhi dẫn đoàn thuyền tiến vào sông Bạch Đằng (ngày 9-4-1288), nhân lúc nước lớn, thủy quân nhà Trần tràn ra giao chiến, rồi giả thua chạy vào sâu bên trong. Ô Mã Nhi trúng kế khích tướng nên thúc quân ra nghinh chiến. Khi thuyền quân Nguyên đã vào sâu bên trong sông Bạch Đằng, tướng Nguyễn Khoái dẫn các quân Thánh Dực ra khiêu chiến và nhử quân Nguyên tiến sâu vào trận địa cọc. Đợi cho thủy triều xuống quân Trần quay thuyền lại kết hợp với quân mai phục từ bốn phía đánh thẳng vào đội hình địch. Sông Bạch Đằng nước ròng (tức nước lên rất nhanh mà nước rút cũng mạnh) nên khi nước rút thuyền của quân Nguyên bị cọc gỗ đâm trúng, lật đổ, tan vỡ, quân địch ngã xuống sông chết đuối hoặc bị giết vô số. Những kẻ bỏ thuyền chạy lên bờ cũng bỏ mạng vì gặp bộ binh ta phục sẵn. Rất nhiều thuyền chiến của quân Nguyên bị cháy rụi. Cánh thủy quân của địch hoàn toàn bị tiêu diệt. Chiến thắng vinh quang của quân Đại Việt trong trận sông Bạch Đằng năm 1288 được xem là một trận đánh hủy diệt và thủy chiến lớn nhất trong lịch sử kháng chiến của dân tộc ta. Khoảng hơn 4 vạn tướng sĩ Nguyên-Mông đã bị loại ra khỏi vòng chiến, 400 chiến thuyền bị bắt hoặc phá hủy. Vì thế sử gia Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư đã viết: "nước sông do vậy đỏ ngầu cả”.

Như vậy, trong vòng 350 năm, quân và dân ta dưới sự chỉ huy của 3 danh tướng Ngô Quyền, Lê Hoàn và Trần Quốc Tuấn đã 3 lần vùi chôn xác giặc trên sông Bạch Đằng. Ngô Quyền đón đường tiến vào nước ta của quân Nam Hán, trong khi Lê Hoàn và Trần Quốc Tuấn chặn đường rút về nước của quân Tống, quân Nguyên. Trong lịch sử nghệ thuật quân sự dân tộc, chiến thắng Bạch Đằng vừa khắc họa một truyền thống đánh giặc giữ nước bằng thủy chiến vừa phát triển một hình thức mới của quy luật giành thắng lợi trong chiến tranh. Đó là sự tất yếu đánh giặc bằng quân thủy, giành thắng lợi trên chiến trường sông nước. Nhân tố của thắng lợi trên sông Bạch Đằng trước hết là việc vận dụng quy luật "thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong thế trận phục kích thủy chiến. Ông cha ta đã biết lợi dụng địa thế hiểm trở của sông Bạch Đằng (cửa sông hẹp, nhiều phụ lưu, lại có ghềnh đá, sự chênh lệch lớn khi nước lên và nước xuống) kết hợp với những chướng ngại nhân tạo (bãi cọc), để hoàn chỉnh cái thế thiên hiểm. Một nhân tố nữa là tài năng quân sự kiệt xuất của các thủ lĩnh. Họ đã nắm vững quy luật thủy triều của con sông này để vạch ra một kế hoạch thật tỉ mỉ, chính xác: Nắm chắc con đường hành quân của địch; Chuẩn bị trận địa một cách bí mật và hoàn thành sớm; Dụ địch vào trận địa khi thủy triều còn cao, bãi cọc chưa bị phát lộ; Tung ra một lượng quân vừa đủ để kiềm chế và nhử địch tới bãi cọc rồi đúng lúc thủy triều bắt đầu rút; Dùng một lực lượng lớn dồn quân địch vào bãi cọc đồng thời bố trí phục binh tiêu diệt địch chạy lên bờ. Nếu nước triều rút sớm hơn so với dự định khi thuyền địch còn ở xa, địch sẽ phát hiện ra bãi cọc mà tránh xa cảnh giác, hoặc nếu quân khiêu chiến quá yếu, quân địch sẽ lấn át rồi vượt qua bãi cọc, khi đó thủy triều mới rút thì mưu sự sẽ hỏng. Trong trận phục kích đường thủy này, trận địa cọc được coi như một đội quân ngầm, có nhiệm vụ chủ yếu là chặn không cho quân địch chạy khỏi trận địa phục kích, đồng thời là đòn quyết định làm rối loạn nghiêm trọng đội hình chiến đấu của chúng khiến chúng phải tụ lại để đón những đòn tiến công của ta. Nếu cộng thêm với đòn hỏa công của quân ta, quân địch sẽ bị rối loạn hoàn toàn. Trong chiến thắng Bạch Đằng lần ba, giữa lúc thuyền địch bị ùn tắc trước bãi cọc, các bè nứa, thuyền nan chứa đầy chất dễ cháy giấu sẵn hai bên bờ được các đội dân binh đốt cháy thả xuôi theo dòng nước, lao nhanh vào trận địa đốt cháy thuyền địch. Sau này, danh sĩ Nguyễn Mộng Tuân trong bài "Hậu Bạch Đằng Giang Phú” ví Bạch Đằng như một Xích Bích thời Tam Quốc: "Thế ta bừng bừng, trận Xích Bích nào sánh kịp/ Cảnh giặc hoảng loạn, gió Hoài, Phì nọ truyền sang!”

Truyền thống Bạch Đằng, nghệ thuật quân sự Bạch Đằng trong suốt kỷ nguyên Đại Việt là một trong những yếu tố chi phối mạnh nhất đến sự phát triển nghệ thuật quân sự Đại Việt nói chung và nghệ thuật thủy chiến nói riêng. Nghệ thuật Bạch Đằng, phẩm chất và hùng khí của Bạch Đằng luôn là một trong những tư tưởng chỉ đạo, động viên, cổ vũ các nhà chiến lược, các tướng lĩnh cầm quân và tới từng người lính, người dân trong mỗi cuộc chiến tranh lập nên những kỳ công khác trong lịch sử gìn giữ nền độc lập dân tộc. Không phải ngẫu nhiên, chỉ hơn bốn chục năm sau chiến thắng Bạch Đằng lần 1, Lê Hoàn lại chọn Bạch Đằng làm chiến trường chặn quân thủy Tống. Và, khi quân Nguyên gắng sức nhất để tạo ra một đội binh thuyền rất mạnh hòng đối phó thắng lợi với chiến thuật đánh thủy của ta, quyết thôn tính nước ta thì một Bạch Đằng lớn hơn đã diễn lại, không khác là bao Bạch Đằng năm 938. Với Ngô Quyền năm 938, Bạch Đằng xác lập một truyền thống: truyền thống Bạch Đằng – truyền thống đánh giặc đường thủy và thắng giặc trên chiến trường sông nước. Với Bạch Đằng 1288, quân dân nhà Trần đã đưa truyền thống đó tới đỉnh cao nhất, tới sự hoàn thiện nhất.

Ngô Quang Chính

[Tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam]

[Bài 1: Truyền thống thạo thủy chiến của dân tộc ta]

[Bài 3: Rạch Gầm - Xoài Mút - Trận thủy chiến lừng lẫy trong lịch sử Việt Nam]

(Sẽ đăng trong số báo ra ngày thứ bẩy 9-6-2012.)

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=51202&menu=1427&style=1