Bài 2: 'Chủ tịch phường Đông Sơn phải chịu trách nhiệm nếu cưỡng chế sai luật!'

“Việc UBND phường Đông Sơn vi phạm về trình tự thủ tục trong việc cưỡng chế là tước đi quyền được tự mình khắc phục hậu quả của công dân Mai Thế Thành”, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho biết.

Trước đó, ông Mai Thế Thành (trú tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) phản ánh về việc ông Trần Văn Hán, Chủ tịch UBND phường Đông Sơn ra quyết định cưỡng chế trái quy định của pháp luật tại thửa đất ở địa chỉ số 7 đường Nguyễn Xuân, phường Đông Sơn (thửa đất ông Thành nhận chuyển nhượng lại từ ông Lê Hồng Tân và bà Nguyễn Thị Du năm 2014), gây thiệt hại tài sản của công dân.

Theo đó, sau khi nhận chuyển nhượng thửa đất tại địa chỉ đất nói trên, ngày 1/11/2015 ông Thành cho phá dỡ ngôi nhà cũ xây tường bao xung quanh thửa đất nói trên, sau đó thực hiện tôn nền đất để chống lún.

Phát hiện sự việc, cán bộ địa chính phường Đông Sơn đã lập biên bản vi phạm về việc ông Thành tự ý đổ đất phá vỡ mặt bằng, vi phạm khởi công công trình.

Ngày 1/12/2015, ông Thành thực hiện việc xúc, dọn, di chuyển lượng đất đã sử dụng để tôn, đồng thời có đơn xin phép đổ đất, san lấp và tôn nền.

Tuy nhiên, sau thời gian chờ đợi, UBND phường Đông Sơn không có bất cứ văn bản nào trả lời công dân cũng như các văn bản hướng dẫn thủ tục cấp phép xây dựng, san lấp mặt bằng cho công dân.

Văn bản làm việc với UBND phường Đông Sơn hôm 9/5 ghi rõ, yêu cầu ông Mai Thế Thành khắc phục hậu quả trước ngày 20/5. Nhưng khi công dân chưa kịp trở tay, thì phường Đông Sơn vội vàng ra quyết định cưỡng chế.

Để tiếp tục khắc phục hiện tượng trũng, lún, đồng thời phục vụ cho việc trồng trọt, chăn nuôi tại thửa đất đã nhận chuyển nhượng nói trên, ngày 25/12/2015, ông Thành tiếp tục đổ đất khối lương 2.500m3.

Trước tình hình trên, ngày 9/5/2016, UBND phường Đông Sơn có buổi làm việc với đại diện Thị xã Bỉm Sơn về việc tìm hướng giải quyết vụ việc nói trên, đồng thời yêu cầu ông Thành khắc phục sự việc bằng cách xúc đất chuyển đi, trả lại mặt bằng trước ngày 20/5/2016.

Điều đáng nói là, sau cuộc họp này, UBND phường Đông Sơn đã ban hành quyết định cưỡng chế tức thời, khiến người dân không kịp trở tay.

Các tài liệu có được cho thấy, ngày 10/5/2016, ông Trần Văn Hán, Chủ tịch UBND phường Đông Sơn ra quyết định cưỡng chế vi phạm. Việc cưỡng chế này tổ chức trong 1 ngày 17/5/2016. Tuy nhiên, mãi tới chiều ngày 16/5/2016 (1 ngày trước khi thực hiện cưỡng chế theo kế hoạch), ông Thành mới nhận được thông báo, quyết định cưỡng chế từ UBND phường Đông Sơn.

Vì sự việc diễn ra quá bất ngờ, chiều cùng ngày ông Thành làm đơn yêu cầu làm rõ những nội dung liên quan tới việc cưỡng chế vi phạm, đồng thời gia đình đưa ra hướng khắc phục hậu quả, nhưng không được chính quyền địa phương trả lời thỏa đáng.

Hình ảnh cán bộ tham gia buổi cưỡng chế hôm 17/5

Đến sáng ngày 17/5, việc cưỡng chế tại thửa đất của ông Thành vẫn diễn ra theo phương án cưỡng chế.

Điều đáng nói là, trước đó, tại văn bản làm việc với UBND phường Đông Sơn hôm 9/5, ông Trần Anh Trung – cán bộ phòng Quản lý đô thị có ý kiến yêu cầu ông Thành khắc phục thiệt hại do công trình gây ra và trả lại mặt bằng trước ngày 20/5/2016.

Tuy nhiên, khi công dân có hướng chủ động khắc phục sai phạm thì chính quyền địa phương đã nhanh chóng ra quyết định cưỡng chế.

“Tôi luôn muốn được tự khắc phục hậu quả, không trốn tránh trách nhiệm của mình, không chống đối với các đề nghị của UBND. Vậy tại sao UBND phường không làm mọi cách giúp tôi thực hiện trách nhiệm công dân của mình mà lại tổ chức cưỡng chế khu vực sạt lở đó?.

Rõ ràng các ý kiến chỉ đạo của UBND thị xã là cho tôi thời gian để tôi tự nguyện thực hiện vi phạm. Nhưng ông chủ tịch UBND phường đã cố tình thực hiện không theo sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên, thực hiện cưỡng chế trái với Nghị Định của Chính Phủ. Vì vậy mọi chi phí, thiệt hại do việc thực hiện cưỡng chế không đúng quy định của pháp luật, UBND phường Đông Sơn phải có trách nhiệm chi trả cho người bị thiệt hại”, ông Thành bức xúc.

Về việc này, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc UBND phường Đông Sơn vi phạm về trình tự thủ tục trong việc cưỡng chế là tước đi quyền được tự mình khắc phục hậu quả của công dân Mai Thế Thành.

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm viện dẫn: Nghị định số: 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ quy định về Cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu rõ:

Điều 5. Gửi quyết định cưỡng chế đến cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan: "Ngay sau khi ra quyết định cưỡng chế, người có thẩm quyền quyết định cưỡng chế phải tổ chức gửi quyết định cưỡng chế cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan; Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận quyết định cưỡng chế; trường hợp quyết định cưỡng chế có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 15 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó".

Bên cạnh đó, điều 34 khoản 2 quy định: Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành.

Pháp luật luôn tạo điều kiện cho người vi phạm có điều kiện tự khắc phục hậu quả, việc người vi phạm tự nguyện khắc phục đem lại nhiều lợi ích là nhà nước không phải tổ chức việc cưỡng chế gây tốn kém, giảm thiểu nguy cơ về an ninh trật tự và giảm thiệt hại về kinh tế cho cả nhà nước và công dân.

Việc UBND phường Đông Sơn vi phạm về trình tự thủ tục trong cưỡng chế, về thời gian gửi quyết định cưỡng chế là tước đi quyền được tự mình khắc phục hậu quả của công dân bởi trên thực tế là ông Thành mong muốn được tự khắc phục vi phạm…”, Luật sư Kiệm cho hay.

Cần phải nói thêm rằng, hiện tại trên địa bàn phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) vẫn còn tồn tại một số vi phạm khác về đất đai, trật tự xây dựng vừa được dư luận phát giác. Trong số này, điển hình là vụ Công ty Kinh doanh than Thanh Hóa “tự ý” chuyển đổi nhiều diện tích đất nông nghiệp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà các hạng mục công trình do đơn vị này thi công vẫn ngang nhiên tồn tại trên đất nông nghiệp mà chính quyền vẫn chưa có biện pháp cưỡng chế vi phạm.

Vấn đề đặt ra là, liệu phường Đông Sơn có sự phân biệt, đối xử khi thực hiện việc xử lý vi giữa một bên là người dân và một bên là doanh nghiệp?

Báo Gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến độc giả...

Anh Minh

Bạn đọc có thông tin, đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo xin vui lòng gọi qua số ĐT: 0916 950 168 hoặc Email [email protected] om

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/dieu-tra-don-thu/chu-tich-phuong-dong-son-phai-chiu-trach-nhiem-neu-cuong-che-sai-luat-d100772.html