Bài 2: Cần giải pháp đồng bộ, căn cơ hơn

Nhiều dự án chống ngập trên địa bàn TP.Biên Hòa đã được triển khai trong những năm qua nhưng phần lớn các dự án chỉ mang tính chất giải quyết cục bộ, cấp bách. Việc chưa có được giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài khiến cho tình trạng ngập nước khi trời mưa vẫn chưa được giải quyết đồng bộ.

Khu vực cầu Đồng Khởi hiện là một trong những “điểm nóng” của tình trạng ngập nước khi trời mưa trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: Thành Nhân

* Nhiều dự án chống ngập triển khai chậm

Khu vực các phường: Long Bình, Long Bình Tân, Phước Tân, An Hòa thường xuyên xảy ra tình trạng ngập nước khi có mưa lớn. Đặc biệt, tình trạng ngập nước khi trời mưa diễn ra thường xuyên và trầm trọng trên tuyến quốc lộ 51.

Biên Hòa là đô thị trực thuộc tỉnh có quy mô dân số lớn nhất cả nước, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh. Trong khi đó, hạ tầng thoát nước của đô thị Biên Hòa lại quá cũ kỹ, không “bắt kịp” tốc độ đô thị hóa.

Trước thực trạng đó, năm 2016, Thường trực HĐND tỉnh đã thông qua quyết định chủ trương đầu tư dự án Chống ngập khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan nhằm giải quyết tình trạng ngập nước thường xuyên xảy ra tại địa bàn các phường nói trên. Tuy nhiên, do quá trình giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, kéo dài, dự án này liên tục bị chậm tiến độ.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án, ngày 5-1-2023, dự án đã chính thức được khởi công thực hiện. Tiến độ thực hiện đang rất chậm do công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành. Trong khu vực dự án hiện vẫn còn 187 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.

“Các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng nằm rải rác trên tuyến nên việc vận chuyển máy móc, thiết bị phục vụ thi công rất khó khăn. Mặt khác, khi triển khai thi công nạo vét các vị trí được bàn giao mặt bằng không liền mạch rất dễ xảy ra tình trạng sạt lở đối với các hộ dân kế bên chưa bàn giao mặt bằng” - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đỗ Bảo Nam cho biết.

Bên cạnh dự án Chống ngập khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan, một số dự án chống ngập khác cũng bị chậm tiến độ mà nguyên nhân chính là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng như: dự án Kè gia cố bờ sông đoạn từ khu dân cư dọc sông Rạch Cát đến Nhà máy Xử lý nước thải số 2, P.Tam Hiệp.

* Khó xử lý dứt điểm nếu không có giải pháp tổng thể

Trước năm 2015, theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn TP.Biên Hòa có 25 điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ngập nước khi trời mưa. Những năm qua, từ nguồn lực của tỉnh cũng như của thành phố, phần lớn các điểm ngập này đã được triển khai các dự án chống ngập. Nhờ đó, nhiều vị trí trước đây thường xuyên chịu tình trạng “cứ mưa là ngập” như: khu vực vòng xoay Biên Hùng, đường Nguyễn Ái Quốc, khu vực trước chợ Tân Phong… tình trạng ngập nước khi trời mưa đã cơ bản được khắc phục.

TP.Biên Hòa đang tập trung triển khai dự án chống ngập tại khu vực cầu Đồng Khởi, một trong những điểm nóng về tình trạng ngập nước khi trời mưa trên địa bàn TP.Biên Hòa. Đối với dự án này, UBND tỉnh đã giao UBND TP.Biên Hòa làm chủ đầu tư.

Giám đốc Ban Quản lý dự án TP.Biên Hòa Nguyễn Tôn Trọng cho hay, dự án này sẽ được khởi công xây dựng vào cuối tháng 6-2023.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước trên tuyến đường tỉnh 768 bao gồm cả khu vực cầu Đồng Khởi, Sở GT-VT đang phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát để xây dựng hệ thống thoát nước cho tuyến đường này. Dự án BOT đường tỉnh 768 trước đây được đầu tư không bao gồm hệ thống thoát nước hai bên đường. Do đó, khi mật độ dân cư sinh sống hai bên tuyến đường tăng lên, việc thoát nước tràn ra mặt đường đã không giải quyết được tình trạng ngập nước khi trời mưa. Thời gian tới, sau khi rà soát, việc xây dựng hệ thống thoát nước cho tuyến đường này sẽ được giao cho các địa phương liên quan là TP.Biên Hòa và H.Vĩnh Cửu triển khai thực hiện.

Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, các điểm ngập mới phát sinh đã và đang được triển khai thực hiện các dự án chống ngập. Cụ thể, 2 vị trí tại đường Phùng Hưng đoạn giáp ranh TP.Biên Hòa và H.Long Thành và vị trí KP.7, tổ 23, P.Tân Hạnh đã hoàn thành các dự án chống ngập. Vị trí trên đường Võ Nguyên Giáp đoạn khu vực Vườn Xoài (P.Phước Tân) đã đề xuất chủ trương đầu tư dự án chống ngập và gửi Sở KH-ĐT trình UBND tỉnh phê duyệt. Vị trí tại khu vực ngã ba đoạn gần trụ sở Công an P.Trảng Dài, dự án đã giao UBND P.Trảng Dài làm chủ đầu tư và đang thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Có thể nói, các dự án chống ngập thời gian qua phần nào đã giúp “hạ nhiệt” tình trạng ngập nước trên địa bàn TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tình trạng ngập nước khi trời mưa, các dự án chống ngập cục bộ khó có thể đáp ứng được.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, kiến trúc sư Lý Thành Phương cho rằng, với đô thị Biên Hòa, giải pháp chống ngập theo kiểu “con nhà nghèo”, “ngập đâu móc đó” chỉ mang tính giải quyết tình thế chứ khó có thể giải quyết một cách triệt để.

Trên thực tế, hệ thống thoát nước của đô thị Biên Hòa được xây dựng từ lâu. Thời điểm xây dựng, hệ thống này chủ yếu phục vụ thoát nước thải sinh hoạt của người dân. Với quy mô dân số tăng cao, tốc độ đô thị hóa nhanh, hệ thống này đã thực sự trở nên “quá tải”.

Trong khi đó, giải pháp được xem là sẽ giải quyết căn cơ tình trạng ngập nước khi trời mưa cho đô thị Biên Hòa là dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải nhiều năm qua lại bị “đứng hình” do những vướng mắc trong thủ tục vay vốn ODA để thực hiện.

Kiến trúc sư LÝ THÀNH PHƯƠNG, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh:

Cần có quy hoạch tổng thể về thoát nước

Muốn xử lý tình trạng ngập nước của một đô thị như TP.Biên Hòa, điều đầu tiên là phải có hồ sơ tổng thể về quy hoạch thoát nước. Đây là điều phải làm và quy hoạch đó phải gắn liền với việc dự báo phát triển dân cư và thực trạng hạ tầng của từng khu vực trên địa bàn. Nếu có nguồn lực, đầu tư xử lý thoát nước được một lần thì quá tốt. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần nguồn kinh phí khổng lồ, trong tình trạng khó khăn như hiện nay là rất khó nên phải chia nguồn lực để thực hiện. Việc thực hiện cần tính toán kỹ thực trạng, xem xét phần nào sẽ tận dụng tối đa hệ thống thoát nước hiện hữu, phần nào quá tải sẽ phải xây dựng một hệ thống khác song song với hệ thống hiện hữu để có thể tải hết lượng nước mưa.

Phạm Tùng

Bài 3: Tạo sự đồng lòng và hợp tác của người dân

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202306/chong-ngap-cho-do-thi-bien-hoa-bai-2-can-giai-phap-dong-bo-can-co-hon-3169004/