Bài 1: Về với rừng xanh

Ngày nay, cùng với nguồn tài nguyên phong phú, rừng còn các giá trị về văn hóa - lịch sử, là căn cứ cách mạng, nơi ghi dấu cuộc sống và làm việc của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và những nhân sĩ trí thức yêu nước trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”. Ngày nay, cùng với nguồn tài nguyên phong phú, rừng còn các giá trị về văn hóa - lịch sử, là căn cứ cách mạng, nơi ghi dấu cuộc sống và làm việc của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và những nhân sĩ trí thức yêu nước trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Tại Tây Ninh, với các địa danh nổi tiếng trong những khu rừng lịch sử, nơi tiếp giáp biên giới nước bạn Campuchia, vùng thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông như: Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam… Tất cả đã khắc nên một miền xanh thăm thẳm, lưu giữ dòng lịch sử cùng hòa chung bản âm vang hào hùng bởi những con người yêu rừng cây, yêu thiên nhiên.

Tây Ninh là tỉnh có diện tích rừng khá lớn vùng Đông Nam bộ, với hơn 73.000 ha. Trong đó, Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò - Xa Mát (Vườn di sản ASEAN) có hơn 30.000 ha cùng hệ sinh thái phong phú, đa dạng, độc đáo, trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Nhiều trải nghiệm thú vị

Chị Nguyễn Ngọc Anh (quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết vừa cùng gia đình trải qua chuyến tham quan tại VQG Lò Gò - Xa Mát trong dịp lễ 30.4, 1.5. Đối với chị, đó là một chuyến đi thú vị, vì được trải nghiệm, hòa mình vào thiên nhiên, không khí trong lành.

“Rời xa thành phố ồn ào, khói bụi, chật chội để cùng gia đình đến với rừng, với VQG thật tuyệt vời! Các con tôi lần đầu tiên được trải nghiệm đi thuyền trên sông Vàm Cỏ Đông, được thăm cột mốc Việt Nam - Campuchia, được tận tay sờ vào những loại cây, loại hoa mà có lẽ cũng mới chỉ được nhìn qua sách vở, ti vi, thậm chí là lần đầu tiên được biết đến”- chị Ngọc Anh bày tỏ.

Chị cho biết thêm, cách TP. Hồ Chí Minh không xa, đường giao thông thuận lợi, VQG Lò Gò - Xa Mát được lựa chọn là địa điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn vào dịp lễ, tết hay cuối tuần.

Có sự chuyển tiếp giữa Nam Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ xuống vùng đồng bằng Sông Cửu Long, VQG Lò Gò - Xa Mát hội đủ những nét đặc trưng mà các VQG khác không có. Địa hình đồi thấp, bàu, trảng ngập nước theo mùa, sông, suối tự nhiên, đa dạng sinh cảnh...

VQG có hơn 934 loài thực vật, 42 loài thú, 203 loài chim, 89 loài cá và rất nhiều loài bò sát, lưỡng cư, côn trùng. Trong đó, nhiều loại động, thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng ở cấp độ quốc gia và toàn cầu như xoài rừng, vên vên, dầu con rái, dầu mít, cu li nhỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, chà vá chân đen…

Đặc biệt, tại các sinh cảnh đất ngập nước đã ghi nhận nhiều loại chim nước quý hiếm như giang sen, già đẫy nhỏ và cò nhạn. Ngoài ra, nơi đây còn là điểm dừng chân của loài sếu đầu đỏ trên tuyến di cư giữa đồng bằng Sông Cửu Long về nơi sinh sản tại Campuchia. Năm 2019, VQG Lò Gò - Xa Mát được Hội đồng Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN công nhận là Vườn di sản ASEAN.

Để phát triển du lịch sinh thái, tỉnh cũng đã có những định hướng rõ ràng, bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế với nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên rừng, tuân thủ các quy định của pháp luật về phát triển rừng bền vững.

Theo ông Phạm Xuân Thành- Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Dịch vụ môi trường rừng (VQG Lò Gò - Xa Mát), từ cuối năm 2022, du lịch mở cửa trở lại sau thời gian tạm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách đến tham quan, du lịch tại VQG Lò Gò - Xa Mát tăng, có bước phát triển đột phá nhất định về số lượng khách và doanh thu. Riêng trong 5 ngày nghỉ lễ 30.4, 1.5 vừa qua, có khoảng 500 lượt khách, trong đó có khoảng 100 lượt khách tham quan về nguồn, còn lại là tham quan du lịch sinh thái.

“Mọi hoạt động du lịch đều phải quan tâm trả lời được 3 câu hỏi: Ở đâu? Ăn gì? Chơi gì? Mặc dù quy mô chưa lớn, nhưng những điểm du lịch sinh thái ở VQG Lò Gò - Xa Mát đã cơ bản đáp ứng được 3 câu hỏi trên. Hiện tại, chúng tôi đã bố trí bộ phận phục vụ các tour tuyến du lịch trong rừng, phục vụ ăn uống, tổ chức hoạt động vào ban đêm như đốt lửa trại, ngủ lều, ngủ võng… khi khách có nhu cầu ở lại. Ngoài ra, Vườn cũng xây dựng hệ thống nhà nghỉ dưới tán rừng nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách”- ông Thành chia sẻ thêm.

Một góc VQG Lò Gò - Xa Mát nhìn từ trên cao.

Mở rộng đầu tư du lịch sinh thái

Mặc dù quy hoạch phát triển du lịch sinh thái VQG được phê duyệt từ rất sớm (Quyết định số 2674/QĐ-UBND ngày 14.11.2008), tuy nhiên, tiến độ thực hiện quy hoạch giai đoạn đầu còn khá chậm.

Từ năm 2002 đến 2014, chủ yếu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng khu hành chính dịch vụ, các chốt, trạm bảo vệ rừng… Năm 2011, Trung tâm Giáo dục và Dịch vụ môi trường rừng được thành lập, đi vào hoạt động, trực thuộc VQG, có chức năng tổ chức phát triển du lịch sinh thái VQG.

Từ năm 2015, việc đầu tư phát triển du lịch sinh thái VQG mới được quan tâm đầu tư hơn, nhất là đầu tư có trọng điểm đối với hạ tầng phục vụ du lịch. Theo đó, Trung tâm du lịch sinh thái Đa Ha được xây dựng khang trang, với hệ thống khu tiếp đón, nhà ăn, trạm dừng chân, tuyến đường tham quan rừng bằng bê tông mẫu, nhà nghỉ tiện nghi trong rừng…

Theo ông Châu Văn Văn- Giám đốc Ban Quản lý VQG Lò Gò - Xa Mát, trung bình mỗi năm, VQG đón khoảng 8.000 lượt khách, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Đây là bước khởi đầu cho phát triển du lịch sinh thái trong thời gian tới. Các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí chưa được xây dựng do nguồn lực của tỉnh có hạn.

Sản phẩm du lịch hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào lợi thế rừng sẵn có theo hướng du lịch khám phá, trải nghiệm xuyên rừng, tham quan cây di sản Việt Nam và gắn với du lịch về nguồn tham quan các di tích lịch sử, văn hóa.

Về mặt chủ trương, Tỉnh ủy đã xác định VQG Lò Gò - Xa Mát là khu vực trọng điểm để phát triển du lịch sinh thái, về nguồn. Ngày 13.4.2023, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và dự án đầu tư phát triển vùng đệm Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát giai đoạn 2023-2030.

Trọng tâm của giai đoạn hiện nay và thời gian tới là kêu gọi đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa để phát triển du lịch sinh thái. Đề án mở ra nhiều hy vọng cho hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch sinh thái của VQG Lò Gò - Xa Mát gắn với tiêu chí bảo tồn, phát triển bền vững.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại VQG Lò Gò - Xa Mát.

Ông Văn khẳng định: “Chắc chắn nhiệm vụ trọng tâm của các vườn quốc gia, rừng đặc dụng vẫn là bảo tồn giá trị đa dạng sinh học, bảo tồn tài nguyên rừng. Quan điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định không đánh đổi môi trường để phát triển du lịch sinh thái.

Do đó, phát triển du lịch sinh thái cũng phải làm sao gắn liền với công tác bảo tồn, phát triển bền vững, gắn với các quy định của pháp luật. Cụ thể, phân khu được phép phát triển du lịch sinh thái theo Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156 của Chính phủ là Khu Trung tâm hành chính - dịch vụ”.

Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát chia sẻ thêm: “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và Dự án Đầu tư phát triển vùng đệm Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát giai đoạn 2023-2030, trọng tâm là phát triển du lịch dưới tán rừng, không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tận dụng môi trường, không gian có sẵn để phát triển du lịch, tuyệt đối không làm tổn hại tài nguyên thiên nhiên.

Tất nhiên trong quá trình thực hiện Đề án và phát triển du lịch sinh thái, chúng tôi cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng liên quan để tuân thủ pháp luật, đặc biệt là quy định của Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ”.

Tâm Giang - Phương Thúy

(Còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-1-ve-voi-rung-xanh-a158535.html