Bài 1: Doanh nghiệp 'khát' nhân lực chất lượng

Nguồn nhân lực còn thiếu và yếu đang là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó bởi nguồn lực lao động đa phần chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thiếu nguồn nhân lực trình độ cao

Theo thống kê của Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế tạo tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là gia công

Đây được đánh giá là mức tăng trưởng khả quan nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phải đối mặt với khó khăn do thiếu hụt nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội (HAMI) cho biết, hiện có đến 70% doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ thiếu nhân sự các vị trí từ đơn giản đến trình độ cao.

Trước đó, theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ qua đào tạo chiếm hơn 85%, song nguồn cung lại có sự chênh lệch nghiêm trọng so với nhu cầu.

Ông Tô Ngọc Phương - Giám đốc Công ty Cổ phần HANPO VINA - một doanh nghiệp chuyên sản xuất khuôn đúc nhựa nhiệt dẻo như linh kiện điện tử, điện thoại, xe máy... có trụ sở tại tỉnh Bắc Ninh cho biết: Bên cạnh những khó khăn về thiếu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thiếu thông tin về thị trường thì vấn đề nhân lực cũng là một “bài toán” nan giải đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay.

Thực tế, tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao tại doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã diễn ra nhiều năm qua. Vì vậy khi tuyển dụng, để đáp ứng yêu cầu sản xuất, hầu hết doanh nghiệp đều phải đào tạo lại nhân sự. Với công nhân, doanh nghiệp phải mất 2 - 4 tuần đào tạo chuyên môn rồi mới đưa vào dây chuyền sản xuất. Với kỹ thuật viên cao cấp, doanh nghiệp phải đưa đi nước ngoài đào tạo hoặc đào tạo bổ sung trong suốt quá trình làm việc. Điều này đang gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Chủ yếu là gia công

Có một thực tế là, mặc dù một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại, vậy nhưng số lượng doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp nước ngoài vẫn hạn chế.

Theo báo cáo của Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro), năng suất lao động của lao động địa phương của Việt Nam thấp, tỷ lệ chất lượng lao động chỉ đạt 14,4%. Hơn nữa, người lao động có trình độ kỹ thuật cao của Việt Nam đã bị thu hút bởi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và ra nước ngoài làm việc dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực tốt. Chẳng hạn, ngành công nghiệp điện tử có sản lượng lớn nhất, riêng điện thoại di dộng chiếm gần 20% tỷ trọng xuất khẩu của các ngành nhưng phần tham gia của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn là nhựa và cao su.

Theo đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, dù thời gian qua nguồn nhân lực ngành công nghiệp tăng về số lượng và trình độ chuyên môn, song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong đó, về số lượng còn thiếu hụt lao động có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn. Trong khi đó, chất lượng, lao động chưa năng động và sáng tạo, thiếu tác phong chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như điện tử công nghệ thông tin truyền thông, điều khiển tự động ở các trình độ.

Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, công nghiệp hỗ trợ được đánh giá là lĩnh vực nền tảng cho phát triển công nghiệp, đa số các quốc gia có nền công nghiệp phát triển thì đều là những quốc gia có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Với Việt Nam, để phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ cả về số lượng cũng như quy mô, ngoài bản thân các doanh nghiệp phải tự thân vận động, cải tiến máy móc, công nghệ, thì sự hỗ trợ của nhà nước và cơ quan chức năng cũng vô cùng quan trọng. Trong đó, nút thắt quan trọng cần được tháo gỡ hiện nay chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Bởi, chất lượng nguồn nhân lực tốt mới tạo ra được sản phẩm tốt và mở ra cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đình Khoa - Linh Đan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bai-1-doanh-nghiep-khat-nhan-luc-chat-luong-i300169/