Bài 1: Cần bổ sung, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước với Thủ đô

Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Câu lạc bộ Cựu đại biểu Quốc hội vừa có cuộc họp, đóng góp ý kiến với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Các ý kiến thống nhất cho rằng, bản dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội ngày 25.3.2024) đã được chỉnh lý, hoàn thiện khá tốt, nhưng cũng còn những vấn đề rất quan trọng cần được xem xét bổ sung, hoàn thiện thêm một bước nữa.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh.Theo khái niệm quốc tế, Thủ đô là thành phố đứng hàng đầu của một quốc gia, nơi làm việc của Chính phủ và các cơ quan Trung ương. Từ khái niệm chung này, chúng ta có thể có nội hàm của Thủ đô nước ta: Thủ đô Hà Nội là thành phố đứng hàng đầu của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Trên thực tế có hàng trăm cơ quan trong hệ thống chính trị ở Trung ương với số lượng lao động hàng chục vạn người cùng đất đai trụ sở, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc đồ sộ, trong đó có phương tiện giao thông, hoạt động liên tục, khẩn trương, náo nhiệt. Các đoàn công tác của các địa phương cũng thường xuyên về Hà Nội làm việc...

Bộ máy Đảng và Nhà nước, các cơ quan Trung ương, các cơ quan nước ngoài làm việc tại Thủ đô đã chi phối mạnh mẽ, sâu sắc đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh của Thủ đô. Đây là vấn đề rất đặc thù (đặc thù lớn nhất) chỉ riêng có của Thủ đô.

Nhưng, dự thảo Luật lại chưa điều chỉnh, hầu như chưa quy định gì nhiều về vai trò, trách nhiệm vật chất và tinh thần của Nhà nước, của các cơ quan Trung ương trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô (chỉ duy có điểm a, khoản 3 Điều 18 của dự thảo luật giao Thủ tướng Chính phủ quyết định việc di dời các cơ quan, doanh nghiệp của Trung ương ở nội đô ra bên ngoài, nhưng cũng mới chỉ quy định một chiều là di chuyển đi, chưa quy định địa điểm đất đai cho di chuyển đến). Thủ đô là trái tim của cả nước, nhưng dự thảo Luật cũng chưa thể hiện cụ thể trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Thủ đô đối với các địa phương. Mặt khác, dự thảo Luật cũng chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của Thủ đô đối với các cơ quan Trung ương tọa lạc trên địa bàn Hà Nội.

Chúng tôi cho rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được điều chỉnh, bổ sung các nội dung quan trọng nói trên.

Thứ hai, về tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Thực ra, những quy định của dự thảo luật là những cơ chế, chính sách mới đặc thù cho Hà Nội khác với một số quy định (cùng vấn đề) của hệ thống pháp luật hiện hành. Nhưng, về cơ bản phải phù hợp với nguyên tắc thứ nhất trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đó là, “bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật” (khoản 1, Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành).

Ảnh minh họa/ITN

Tuy nhiên, không ít vấn đề không nhất thiết phải quy định khác với các luật đã có, nhưng dự thảo vẫn quy định khác, có nguy cơ dẫn đến thiếu thống nhất, không đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành.

Mặt khác, nhiều quy định của dự thảo Luật đòi hỏi phải có một nguồn lực (ngân sách, kinh phí, đội ngũ cán bộ) rất lớn để thực hiện. Đây là một thách thức không nhỏ trong điều kiện hiện nay khi mà ngân sách nhà nước, ngân sách Hà Nội đều còn eo hẹp, có nhiều khó khăn, cần phải có biện pháp, cơ chế khắc phục.

Thứ ba, về phân định địa giới nội đô với toàn bộ diện tích của Hà Nội để có kế hoạch đầu tư phát triển hợp lý.Vấn đề này có liên quan đến nhiều chương, nhất là các Chương II, III và IV. Theo dự thảo Luật, Thủ đô Hà Nội có trung tâm - nội đô, có thành phố thuộc thành phố, có các huyện nông thôn, có cả miền núi (ở phía Bắc và phía Tây). Các vùng của Hà Nội cũng có điều kiện kinh tế - xã hội và mức sống các vùng rất khác nhau. Hà Nội cũng là một trong số rất ít Thủ đô có diện tích tự nhiên lớn nhất (3.359,82 km2). Do đó, yêu cầu quản lý và đầu tư phát triển mọi mặt, nâng cao trình độ văn hóa, xã hội và mức sống cũng khác nhau ở các vùng trong từng thời kỳ.

Chúng ta đều biết, Moscow là một tỉnh, chỉ thành phố Moscow mới là Thủ đô của Liên bang Nga. Tương tự như thế, Washington là một bang, chỉ có thành phố Washington (Washington DC) mới là Thủ đô của Hoa Kỳ. Gần ta là Lào, thì Vientiane cũng là một tỉnh, chỉ có thành phố Vientiane mới là Thủ đô của CHDCND Lào... Điều kiện kinh tế - xã hội và mức sống, trình độ văn hóa - lối sống... giữa các địa phương của tỉnh, của bang so với Thủ đô khác nhau khá xa. Do đó, cơ chế quản lý, đầu tư xây dựng phát triển đối với Thủ đô và tỉnh của các nước nói trên cũng rất khác nhau...

Trở lại với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ngay Hiến pháp nước ta năm 1946, tại Điều 3 cũng có sự phân biệt khá rõ: “Thủ đô đặt ở Hà Nội”. Vì thế, nếu không làm rõ phạm vi (địa lý) của Thủ đô sẽ rất khó trong thực thi khi dự thảo luật được thông qua.

Ví dụ, khoản 1, Điều 21 của dự thảo Luật quy định: “Xây dựng Hà Nội là Trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri về phẩm giá con người Việt Nam”. Dự thảo Luật được thông qua thì "tuổi thọ" của luật này có đủ độ dài để các vùng nông thôn, miền núi phía Bắc và phía Tây của Thủ đô như 4 xã trước đây thuộc tỉnh Hòa Bình đạt được các “tiêu thức” hào hoa, thanh lịch, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri về phẩm giá của con người Việt Nam? Do đó, nên chăng chỉ quy định Thủ đô là một thành phố đặc biệt được đặt tại Hà Nội tương tự như Điều 3 của Hiến pháp năm 1946. Quy định như vậy sẽ là căn cứ cho việc quản lý, điều hành giữa nội đô và các vùng khác của Thủ đô sau khi luật được thông qua.

Thứ tư, về phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương.Việc cấp trên thực hiện phân quyền, ủy quyền cho cấp dưới, không chỉ riêng ở Hà Nội mà được thực hiện ở các địa phương nói chung, và được quy định cụ thể tại các Điều 12, 13 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và một số văn bản pháp luật khác.

Theo đó, nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, cấp trên có thể phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới, nhưng có những vấn đề không thể phân cấp, ủy quyền được, mà phải do Trung ương quản lý, thực hiện thống nhất. Đó là các vấn đề quốc phòng, an ninh, vấn đề ngoại giao nhà nước... Đây là vấn đề quan trọng cần được lưu ý trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bai-1%C2%A0can-bo-sung-hoan-thien-cac-quy-dinh-ve-trach-nhiem-cua-co-quan-nha-nuoc-voi-thu-do-i365143/