Bắc Yên đẩy mạnh công tác giảm nghèo

Với mục tiêu nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, nhất là ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Bắc Yên chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, giải quyết việc làm, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Nhân dân bản Pa Cư Sáng, xã Hang Chú thu hoạch thảo quả.

Hiện nay, huyện Bắc Yên có gần 23.500 ha đất trồng cây nông nghiệp, trong đó, trên 8.000 ha đất trồng cây lương thực có hạt. Huyện đã chỉ đạo lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án phát triển sản xuất hỗ trợ nhân dân thực hiện chuyển đổi cây trồng; quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng bền vững. Khuyến khích nhân dân giảm dần diện tích trồng ngô, lúa nương và những cây trồng khác trên đất dốc kém hiệu quả, đưa các loại giống cây phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật mới cho nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho biết: Huyện đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế theo từng vùng để tập trung nguồn lực đầu tư. Trong đó, đối với các xã Hang Chú, Tà Xùa tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển trồng chè Shan tuyết, cây sơn tra, trồng rừng và cây dược liệu dưới tán rừng, gắn với phát triển du lịch. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, giúp nhân dân tăng thu nhập.

Xã vùng cao Tà Xùa có khí hậu, điều kiện đất đai phù hợp trồng chè Shan tuyết. Từ năm 2016 đến nay, xã trồng mới hơn 50 ha, nâng tổng diện tích chè của xã lên gần 300 ha, trong đó có 1.650 cây chè cổ thụ, tập trung tại các bản Bẹ, Tà Xùa, Chung Trinh, sản lượng chè búp tươi đạt trên 500 tấn/năm, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn thu chủ yếu của người dân địa phương. Sản phẩm chè búp tươi được các HTX sản xuất nông nghiệp, Công ty trà đặc sản Tây Bắc bao tiêu.

Ông Mùa A Sang, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, cho biết: Xã khuyến khích nhân dân tham gia vào HTX, để liên kết sản xuất; phối hợp với các đơn vị tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật thâm canh, trồng, chăm sóc, thu hái theo quy trình sản xuất sạch, an toàn, gắn với tiêu thụ sản phẩm và du lịch, phấn đấu đến năm 2025, nâng diện tích chè của xã lên 350 ha.

Gia đình anh Mùa A Châu, bản Bẹ có 2 ha chè Shan tuyết, mỗi năm thu hoạch 6 tấn chè búp tươi, thu nhập 150 triệu đồng, đây là nguồn thu chủ yếu của gia đình. Anh Mùa A Châu chia sẻ: Hiện nay, ở bản Bẹ có 50 ha chè đặc sản Shan tuyết, toàn bộ chè búp tươi được Công ty trà đặc sản Tây Bắc thu mua, nhờ cây chè mà nhiều hộ gia đình trong bản đã thoát nghèo.

Còn ở xã Hang Chú có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng và phát triển một số loại cây dược liệu. Những năm gần đây, cùng với khai hoang ruộng bậc thang, trồng cây sơn tra, xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trồng cây thảo quả và sa nhân dưới tán rừng. Đến nay, xã Hang Chú có 589 ha cây thảo quả, 36 ha sa nhân, sản lượng đạt 484 tấn/năm, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5%/năm.

Chuyển đổi cây trồng phù hợp với từng vùng để nâng cao thu nhập cho nhân dân, đang là hướng đi đúng của huyện Bắc Yên trong công cuộc giảm nghèo. Huyện Bắc Yên tiếp tục quy hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/bac-yen-day-manh-cong-tac-giam-ngheo-CPTBZlnSR.html