Bắc Yên chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp

Bắc Yên có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao, điều kiện về đất đai, khí hậu khắc nghiệt. Khắc phục những khó khăn, huyện Bắc Yên đã tập trung nhiều giải pháp để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng; chú trọng triển khai hiệu quả các dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất, tăng cường hướng dẫn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm phát triển bền vững, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Nhân dân bản Bẹ, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên thu hái chè cổ thụ.

Trước đây, người dân xã Tà Xùa trồng chè chủ yếu để phát triển tự nhiên, năng suất, chất lượng thấp. Hơn 5 năm trở lại đây, xã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện chú trọng tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản, nâng cao chất lượng sản phẩm chè Tà Xùa. Thông qua nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, cùng các nguồn vốn đầu tư của tỉnh, huyện, xã đã hỗ trợ nhân dân chăm sóc giống chè đặc sản; chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng giống chè Shan tuyết chất lượng cao.

Ông Mùa A Sang, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, cho biết: Hiện nay, xã Tà Xùa có khoảng 300 ha cây chè Shan tuyết, trong đó, khoảng 40 ha cây chè Shan tuyết cổ thụ, với gần 3.000 cây ở bản Bẹ có độ tuổi 100-300 năm và hơn 250 ha chè dưới 100 năm tuổi ở bản Tà Xùa và Chung Chinh. Các sản phẩm bạch trà mây, hoàng trà mây, trà viên, trà trúc, trà mây... đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Xã khuyến khích bà con tham gia vào HTX để mở rộng vùng nguyên liệu, gắn vùng sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, xã trồng mới 50 ha chè Shan tuyết, nâng diện tích chè toàn xã lên 420 ha.

Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, thông tin: Dựa vào tiềm năng lợi thế của từng vùng, Phòng đã chủ động tham mưu với UBND huyện quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp; hằng năm, chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Với các xã vùng cao Tà Xùa, Háng Đồng, Làng Chếu, Pắc Ngà, Xím Vàng, Hang Chú, tập trung phát triển cây Sơn Tra, cây chè, cây ăn quả ôn đới, phát triển kinh tế rừng, trồng rừng và cây dược liệu dưới tán rừng. Các xã vùng thấp, ven sông Đà, như Song Pe, Phiêng Ban, Tại Khoa, Chiềng Sại, Phiêng Côn, Chim Vàn... phát triển các loại cây ăn quả và chăn nuôi. Thị trấn Bắc Yên, xã Mường Khoa, Tà Xùa, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, chuỗi liên kết sản xuất, đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các vùng khác trên địa bàn huyện kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Năm 2023, các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp huyện Bắc Yên đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện 24.254 ha; sản lượng lương thực có hạt đạt gần 26.700 tấn; trồng mới hơn 40 ha chè, 25 ha thảo quả, 100 ha cây ăn quả; nâng diện tích chè toàn huyện lên gần 370 ha; 680 ha cây dược liệu; trên 6.000 ha cây ăn quả các loại. Trong đó, 234 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, tưới tiết kiệm nước; gần 3.000 ha cây ăn quả áp dụng giống, công nghệ mới, chiếm 45,3% tổng diện tích cây ăn quả.

Khảo sát xây dựng công nhận OCOP đối với các sản phẩm trà sương tuyết cổ thụ - truyền thống, miến dong khô, miến dong tươi Làng Chếu, khoai sọ núi Tà Xùa và sản phẩm bạch trà mây đạt OCOP 5 sao; hiện nay toàn huyện có 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Xuất khẩu hơn 151 tấn nông sản, giá trị gần 41.000 USD.

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Yên còn phối hợp với các phòng ban, đơn vị tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng ưu tiên nâng cao chất lượng nghề, đào tạo chuyển đổi nghề gắn với thị trường lao động. Đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, đẩy mạnh hình thức đào tạo thực hành, thực tế, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất. Năm 2023, tổ chức 9 lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây xoài, nhãn, mận; trồng và chăm sóc măng tre bát độ; trồng rau sạch, rau trái vụ cho 291 hộ. Ngoài ra, chú trọng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung quy mô trang trại, gia trại, gắn với trồng cỏ. Đến nay toàn huyện đã trồng trên 1.000 ha cỏ phục vụ chăn nuôi, đưa đàn gia súc đạt 81.240 con; phát triển mạnh đàn gia cầm với trên 293.500 con, từng bước nâng cao thu nhập từ phát triển chăn nuôi.

Năm 2024, huyện Bắc Yên phấn đấu tổng diện tích gieo trồng đạt 23.152 ha; sản lượng lương thực có hạt đạt 24.830 tấn; trồng mới trên 50 ha chè Shan tuyết, 50 ha thảo quả, sa nhân tím; 50 ha cây ăn quả, sản lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu đạt 120 tấn. Huyện Bắc Yên tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến và đưa các giống mới vào sản xuất. Hình thành chuỗi sản xuất, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cung cấp thông tin thị trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình có hiệu quả... từng bước đưa kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/bac-yen-chu-trong-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-xbOFGqpIR.html