Bác sĩ trả lời: Khi nào cần tiêm vaccine ngừa bệnh uốn ván?

* Bác sĩ ơi, tôi muốn tiêm ngừa bệnh uốn ván để dự phòng có được không, hay chỉ khi nào bị phơi nhiễm như giẫm phải đinh, vật nhọn nghi có virus uốn ván mới đi tiêm. Việc tiêm dự phòng có hại cho sức khỏe không?

(Chị Vân, ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa)

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn!

Bệnh uốn ván (tetanus) là một bệnh cấp tính do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Những người bị mắc bệnh uốn ván có tỷ lệ tử vong khoảng 25-90%. Đặc biệt, nếu trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn thì tỷ lệ tử vong có thể lên đến 95%. Các triệu chứng của bệnh được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ toàn thân.

Thông thường nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hoặc xây xát chảy máu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật… Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không vệ sinh…

Đối với người bị vết thương có nguy cơ nhiễm nha bào vi trùng uốn ván, việc cần làm:

- Sơ cứu vết thương hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn uốn ván. Rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch. Loại bỏ tất cả các chất bẩn, dị vật bám lên vết thương (có thể sử dụng oxy già). Rồi rửa sạch lại vết thương bằng xà phòng. Băng bó và đến cơ sở gần nhất để tiêm phòng uốn ván. Việc sơ cứu đúng cách có thể làm chậm sự phát triển của vi khuẩn.

- Tới các cơ sở y tế tiêm chủng để được bác sĩ thăm khám, phân loại mức độ và cho chỉ định tiêm vacine phòng uốn ván, huyết thanh kháng độc tố uốn ván.

Tiêm phòng uốn ván chủ động cho người khỏe mạnh

Uốn ván là căn bệnh gây ra nhiều cái chết thương tâm cho nhiều người khỏe mạnh. Đặc biệt là đối tượng nam giới, trụ cột gia đình mà chủ yếu là do tai nạn lao động. Bệnh có thể hoàn toàn được phòng ngừa một cách chủ động bằng việc tiêm phòng.

- Đối với trẻ nhỏ, khi 2, 3, 4, 18 tháng tuổi các bé được tiêm vaccine phòng 5 bệnh trong 1, 6 bệnh trong 1 (có chứa thành phần kháng nguyên uốn ván) sau nhiều năm miễn dịch giảm dần do vậy các bé cũng cần phải tiêm nhắc lại để củng cố miễn dịch.

- Đối với người lớn, vaccine nên được tiêm nhắc lại cho những người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao gặp tai nạn lao động: nông dân, người làm việc ở các trang trại, công nhân.

- Phụ nữ trước và trong thời kỳ mang thai.

Do đó, chị nên chủ động tiêm phòng là cách để bảo vệ bản thân trước các chấn thương không thể lường trước.

ThS-BS Nguyễn Như Thái,

Trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/alo--bac-si-oi/202312/bac-si-tra-loi-khi-nao-can-tiem-vaccine-ngua-benh-uon-van-3d4527f/