Bác sĩ tâm lý ở đâu?

PN - Sự kiện bé “Hào Anh” ở Cà Mau xảy ra gần đây đang là tâm điểm chú ý của dư luận, đặc biệt trong tháng hành động “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em” năm 2010 (từ 15/5 đến 30/6).

Điều này cho thấy cộng đồng không vô cảm trước sự bất hạnh của trẻ em. Tuy nhiên, theo Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh - Trưởng đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, sự quan tâm này vẫn chưa đầy đủ. Hào Anh và những trường hợp tương tự rất cần sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý (BS TL). Bé Hào Anh mang trên người hàng trăm vết thương do bị chủ hành hạ - Ảnh: Internet Ứng cứu thể chất - đừng quên tinh thần Tìm trên Google cụm từ Hào Anh, bạn có thể nhận 5.300.000 kết quả chỉ trong 0,1 giây. Những thông tin trên mạng cũng cho thấy số tiền hỗ trợ cho Hào Anh đang tiếp tục tăng cao. Trong đó có nhiều bài viết quan tâm tới tâm lý (TL), sức khỏe tinh thần của em. Tuy nhiên chưa có một giải pháp cụ thể nào cho vấn đề này. BS Phạm Ngọc Thanh - Trưởng đơn vị TL BV Nhi Đồng 1, TP.HCM, nhắc lại vụ bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học An Hiệp 2, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, bị công an điều tra vì nghi ngờ em lấy trộm 47.800đ tiền quỹ lớp hồi năm 2007. Việc này khiến dư luận bức xúc suốt một thời gian dài, hiệu trưởng nhà trường, công an điều tra và những người liên quan bị xã hội lên án, bị xử lý kỷ luật… nhưng những biện pháp đó không kéo được bé Trâm ra khỏi cơn hoảng loạn đến mức sẵn sàng cào cấu, cắn xé bất kỳ ai đến gần và nhất quyết không chịu đi học. BS Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần TP.HCM, nhận xét: Hiện nay, khi gặp những “vụ” như Hào Anh, người ta thường tập trung các biện pháp ứng cứu về thể chất mà xem nhẹ, thậm chí quên luôn các biện pháp hỗ trợ tinh thần cho nạn nhân sau tai họa. Trên thực tế, nếu không được hỗ trợ trị liệu TL, thì cho dù luật pháp có trừng trị đích đáng kẻ thủ ác, hoặc xã hội bù đắp vật chất xứng đáng thì Hào Anh vẫn không thoát được ám ảnh của những trận đòn thiếu sống thừa chết, không thể phục hồi những tổn thương TL trong thời gian dài, thậm chí là sang chấn TL nặng nề. Lâu nay, việc trị liệu TL chỉ được nghĩ đến sau khi các phương pháp trị liệu bằng thuốc không hiệu quả. Lẽ ra, những phương pháp trị liệu này cần được tiến hành song song, thậm chí, không ít trường hợp, trị liệu TL cần được tiến hành trước, kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều. BS Ngọc Thanh kể: Cháu Mai Vàng, 12 tuổi, nhà ở Q.3, TP.HCM, được điều trị nội trú nhiều lần tại BV Nhi Đồng 1 vì khó ngủ, không thích giao tiếp, nôn mửa, chán ăn, thể trọng suy kiệt nặng (cao 125cm nhưng chỉ nặng 15 ký!). Tiền sử bệnh lý cho thấy, lúc 12 tháng tuổi Mai Vàng phải mổ vì bị xoắn ruột và nằm viện bốn tháng. Sau khi ra viện, bé chỉ thích chơi với... chăn mền. Hai tuổi, cha mẹ ly dị, bé bắt đầu ói và chỗ ở thay đổi liên tục, khi thì nhà nội (Vũng Tàu), lúc bên nhà ngoại (Đồng Nai). Từ lúc bố mẹ ly hôn, trung bình mỗi năm Mai Vàng nhập viện khoảng sáu tháng. Mãi đến lần nhập viện thứ sáu, khi việc điều trị thuốc không hiệu quả, Mai Vàng mới được chuyển đến đơn vị TL. Tại đây, những triệu chứng kéo dài nêu trên của bé, được xác định là bệnh lý tâm thần có tên Rối loạn gắn bó ở trẻ em hay Trầm cảm vắng mẹ (anaclitic depression), một rối loạn thường xảy ra khi trẻ nhỏ vắng mẹ quá ba tháng trong thời gian từ 6 - 12 tháng tuổi. Mai Vàng được các BS TL bù đắp cảm giác “có mẹ” kịp thời, thân nhân nội ngoại đến thăm được BS tư vấn để bé không căng thẳng khi gặp người thân như lúc ở nhà… Kết quả: hội chứng thờ ơ, không thích giao tiếp, khó ngủ, chỉ ăn khi được đặt ống thông… của Mai Vàng đã được khắc phục. Bé xuất viện và đồng ý quay lại tái khám. Bác sĩ tâm lý: “hàng hiếm” Từ việc phục hồi trạng thái tinh thần của bản thân sau hơn một năm kiên trì phấn đấu “vượt lên chính mình”, thầy Trần Việt, phó hiệu trưởng một trường THPT, kết luận: “Không thể phủ nhận hiệu quả điều trị bằng liệu pháp TL, nhưng tìm đâu ra BS TL?”. Thầy Việt kể: Ngay khi thấy thể trọng sút giảm đến hơn 10 ký mà không hiểu lý do, ông quyết định đi kiểm tra sức khỏe. Trung tâm y khoa MEDIC cho biết nguyên nhân sụt cân của ông là do trục trặc đường tiêu hóa. Kết quả kiểm tra tại BV Thống Nhất chẩn đoán có liên quan đến phổi. Nhưng Đại học Y Dược lại kết luận: Sụt cân do hội chứng trào ngược thực quản, chỉ số nhiễm khuẩn tiền ung thư cao gấp năm lần cho phép! Thầy Việt nói: “Gần cả năm trời, nguy cơ ung thư luôn ám ảnh tôi. Nhìn đâu tôi cũng thấy sự kết thúc. Suốt thời gian ấy, tôi mong có một BS TL, giúp tôi lấy lại thăng bằng. Nhưng, đào đâu ra BS TL?”. Hiện nay ở TP.HCM có khoảng 6.500 BS làm việc tại 100 BV. Tuy nhiên, số BS phụ trách về TL bệnh nhân (BN) đếm trên đầu ngón tay. Hai đơn vị TL, cơ cấu như tiền thân của một khoa điều trị độc lập tại hai BV Nhi Đồng TP.HCM mỗi nơi chỉ có một-hai BS. Nhưng đây cũng chỉ là các BS nhi có tập huấn các lớp TL học lâm sàng. Nơi đặc biệt cần có đội ngũ BS TL chuyên biệt như BV Ung Bướu TP.HCM cũng không có. Tư vấn TL cho BN ung thư là biện pháp trị liệu hỗ trợ nhằm giảm nhẹ TL cho BN, những người tìm đến BV với tâm trạng bước vào “cửa tử”. Cần là vậy, nhưng không tìm đâu ra người đảm trách công việc này - BS Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc BV Ung Bướu, bày tỏ. Đào tạo bác sĩ tâm lý: như muối bỏ bể Xã hội đang phát triển tần suất lao động tăng cao, các quan hệ xã hội ngày càng phức tạp, áp lực tinh thần ngày càng nặng nề. BS TL hiển nhiên đang là một nghề thiết yếu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khái niệm “BS TL” (Psychiatrist) chưa được phân định rạch ròi. Người ta có thể gọi các “chuyên viên TL” (Psychologist) hoặc “BS tâm thần” hay “BS thần kinh” (neurologist)… khi điều trị dùng thuốc có thêm những lời động viên, chỉ dẫn… là BS TL. Điều này theo BS Quang, cần phải được điều chỉnh để có cách hiểu thống nhất chính xác. “Khác với y khoa thể chất, các bệnh về TL không có phương tiện xét nghiệm cận lâm sàng để giúp định bệnh. Đa số các rối nhiễu tâm trí không có sẵn phác đồ điều trị cụ thể rõ ràng, BS TL ngoài hiểu biết chuyên môn còn phải có phương pháp riêng cho từng BN. Nếu thời gian khám một BN thể chất thường trong năm phút, thì với BN TL phải mất tối thiểu nửa giờ, đôi khi chỉ để hoàn thành hồ sơ. Điều này đòi hỏi BS TL sự kiên nhẫn, đời sống tâm trí quân bình, thấu cảm nhưng không để bị chi phối bởi cảm xúc của BN. Mặt khác, BS TL phải thiết lập mối quan hệ, tạo lòng tin nơi BN, để họ có thể bày tỏ tâm trạng. Tuy nhiên, những kỹ năng cộng thêm này chưa được đào tạo chính quy trong các trường y nước ta”. BS và chuyên viên giáo dục đặc biệt (BV Nhi Đồng 1) đang tư vấn cho phụ huynh của trẻ có vấn đề về tâm lý - Ảnh: Phùng Huy Hiện nay, ở TP.HCM, ngoài các cuộc hội thảo chuyên đề về TL trị liệu được liên kết tổ chức bởi nhóm BS TL Pháp-Việt tại hai BV Nhi Đồng 1 - 2, mới có Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch bồi dưỡng sau đại học những vấn đề về TL học lâm sàng (clinical psychology). Tuy nhiên, những đối tượng được đào tạo vẫn chỉ như muối bỏ bể. Nguyễn Thiện Hiện nay, trên thế giới, phương pháp điều trị và tư vấn các ca tâm lý đã tiến triển mạnh (khoảng 500 cách khác nhau với những kỹ thuật từ xét nghiệm lâm sàng, đo điện não đồ, chụp não cắt lớp, chụp cộng hưởng từ…). Liệu pháp tâm lý tại phương Tây phát triển gần như hoàn chỉnh với nhiều phân ngành đáp ứng đúng nhu cầu thực tế, từ tâm thần dược học (psychopharmacology), tâm thần di truyền học (psychiatric genetics), não hình học (neuroimaging), phân tâm học (psychoanalysis)…; cùng các phương pháp điều trị đa dạng, từ liệu pháp nhóm, liệu pháp thôi miên, liệu pháp kể chuyện (narrative therapy), liệu pháp kết hợp (integrative psychotherapy)… Từ đó, có nhiều chuyên gia - chuyên viên tâm lý khác nhau, chẳng hạn bác sĩ tâm lý lâm sàng (clinical psychologist), bác sĩ tâm lý hôn nhân-gia đình, chuyên gia liệu pháp biểu hiện (expressive therapist - chữa trị bằng liệu pháp nhảy, nhạc, viết…), tư vấn sức khỏe tâm thần (mental health counselor), tư vấn tâm lý học đường (school counselor)… Nổi bật trong số đó là lĩnh vực tâm thần khẩn cấp (emergency psychiatry), giúp giải quyết những tình huống can thiệp tức thời cho những ca suy kiệt tinh thần nghiêm trọng. Khủng hoảng tâm lý là một triệu chứng bệnh lý gián tiếp sinh ra từ những mặt trái mang tính bi kịch của xã hội hiện đại, nơi luôn có những nạn nhân bị đẩy rơi khỏi chính cuộc đời họ, mà bên dưới, nếu không có chiếc lưới an toàn của chuyên gia tư vấn tâm lý, xã hội còn tiếp tục chứng kiến nhiều hơn những cú ngã chết người… M.Kim (Theo Wikipedia)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/bac-si-tam-ly-o-dau.aspx