Bạc Liêu: Đồng bào Khmer chung tay xây dựng phum sóc

Bạc Liêu là tỉnh có đông đồng bào Khmer sống cộng cư, những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương nên đời sống bà con Khmer có chuyển biến tích cực.

Cuộc sống dần ổn định, kinh tế phát triển, bà con Khmer tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần làm đẹp thêm phum sóc.

Bộ mặt phum sóc xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) ngày càng khởi sắc có sự đóng góp không nhỏ của các vị sư sãi, A – cha và những người có uy tín trong đồng bào Khmer. (Ảnh: Phương Nghi)

Người có uy tín là cầu nối giữa nhân dân với Đảng

Để vận động đồng bào Khmer tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, vai trò của các vị trụ trì, sư sãi, những người có uy tín trong đồng bào Khmer cũng được phát huy.

Điều này thể hiện rõ nét khi ở các phum sóc có người có uy tín phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động thì ở nơi đó, phong trào xây dựng nông thôn khởi sắc.

Người có uy tín là cầu nối giữa nhân dân với Đảng trongcác phong trào thi đua lao động sản xuất, tự quản, tự phòng về an ninh trật tự, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Đơn cử như Hòa thượng Lý Sa Mouth, Trụ trì chùa Đìa Muồng (Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu) ở ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long). Đối với tất cả phong trào do địa phương phát động, Hòa thượng Lý Sa Mouth đều tích cực tham gia.

Tại xã Vĩnh Phú Đông, nhiều hộ nghèo không có điều kiện sửa chữa nhà ở thì báo với Hòa thượng. Ngay lập tức, ông đứng ra vận động bà con đóng góp cây lá, tấm lợp để giúp họ có căn nhà ấm cúng che nắng, che mưa. Thậm chí, ông còn đốn cây trong khuôn viên chùa cho người dân làm cột nhà.

Với tấm lòng rộng lượng, bao dung, ông đã tham gia cùng địa phương vận động cất hơn 80 căn nhà tình thương cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo trong ấp.

Khi huyện Phước Long thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Hòa thượng Lý Sa Mouth đóng vai trò rất lớn trong việc vận động bà con người dân tộc Khmer hiến hàng chục ngàn mét vuông đất làm đường giao thông nông thôn.

Ông cũng vận động các tổ chức từ thiện hỗ trợ nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn và các mạnh thường quân xây 4 cây cầu để người dân trong xã thuận tiện đi lại, giao thương buôn bán.

Hòa thượng Lý Sa Mouth, Trụ trì chùa Đìa Muồng ở ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phú Đông đi trên cầu Út Sil do Hòa thượng vận động xây dựng để người dân trong xã Vĩnh Phú Đông thuận tiện đi lại, giao thương buôn bán. (Ảnh: Phương Nghi)

Còn ông Danh Huôn ở ấp Đầu Sấu, xã Lộc Ninh (huyện Hồng Dân) là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, chia sẻ: Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nên nhân dân nói chung, đồng bào Khmer nói riêng cũng phải tích cực tham gia, góp sức cùng với địa phương.

Đây là trách nhiệm nhưng cũng là quyền lợi của bà con, bởi các công trình sau khi hoàn thành thì người dân trực tiếp được thụ hưởng.

"Chính vì vậy, trong thời gian qua, mỗi khi địa phương phát động là gia đình tôi và bà con Khmer trong ấp luôn tích cực thực hiện, đã đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng cầu, đường và lắp đặt bóng đèn thắp sáng đường quê…

Ngoài ra, tôi luôn coi trọng việc tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer chăm lo phát triển kinh tế, lo cho con cái học hành, không nên nghe theo lời xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Tích cực tư vấn cho bà con biết những chính sách dành cho người Khmer...”, ông Huôn nói.

Khơi dậy sức mạnh từ nhân dân

Tại các phum sóc vùng sâu, vùng xa, đồng bào Khmer cùng với địa phương chung sức xây dựng nông thôn mới, bằng nhiều việc làm, hành động cụ thể.

Ông Thạch Dững, ở ấp Đay Tà Ni, xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) phấn khởi nói: “Trước đây đời sống người dân tộc Khmer chúng tôi gặp khó khăn thì Đảng và Nhà nước đã quan tâm tạo mọi điều kiện cho mình phát triển, nay Nhà nước có chủ trương xây dựng nông thôn mới mà người thụ hưởng lại chính là người dân thì không có lý do gì mình lại không đồng tình ủng hộ.

Mới đây, tôi và nhiều bà con Khmer trong ấp đã đứng ra vận động xây dựng một cây cầu bê-tông và một căn nhà tình thương trị giá gần 80 triệu đồng, góp phần cùng chính quyền địa phương hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn cũng như công tác giảm nghèo của xã”.

Để khơi dậy sức mạnh từ nhân dân, các địa phương thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với địa bàn vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Mặc dù hoàn cảnh gia đình không dư dả, nhưng ông Danh Tùng, ở ấp Trà Cổ (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình) tình nguyện hiến trên 100m2 đất trước nhà để xã thuận lợi triển khai xây dựng lộ bê-tông và bắc cầu qua sông, phục vụ sản xuất, đi lại cho nhân dân.

Ngoài việc hiến đất, ông Tùng còn tham gia tổ tuyên truyền, vận động hội viên nông dân trong ấp thường xuyên chỉnh trang, vệ sinh nhà ở sạch sẽ, tăng cường trồng cây kiểng trước nhà tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp; tham gia trồng hàng rào cây xanh ở những đoạn đường còn trống, không có nhà dân ở, làm nối liền tuyến hàng rào cây xanh của ấp để tạo một hình ảnh vùng quê trong lành, thoáng mát.

Bản thân ông Tùng còn vận động hàng xóm thường xuyên dọn dẹp khuôn viên nhà sạch sẽ, trồng nhiều loại hoa, cây kiểng trước nhà… để tạo cảnh quan nông thôn luôn sạch - đẹp.

Từ nguồn vốn chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc, nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả giúp đời sống đồng bào Khmer đã có những bước chuyển tích cực. (Ảnh: Phương Nghi)

Ông Trịnh Thanh Phong, Trưởng Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Thời gian qua, các sư sãi, A-cha, người có uy tín trong đồng bào Khmer đã nêu gương sáng, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, nhờ đó nhiều công trình, phần việc đã hoàn thành nhanh chóng và phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, bằng uy tín của mình, họ đã tuyên truyền, vận động gia đình, cộng đồng xây dựng ấp, khóm văn hóa, sản xuất kinh doanh, đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống...

Sự tích cực ấy đã góp phần cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn ổn định và phát triển trong sự đi lên của tỉnh nhà. Họ thật sự là hạt nhân đoàn kết, là điểm tựa tinh thần cho cộng đồng và là cầu nối giữa người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương”.

Có thể nói, các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với bà con người dân tộc Khmer đã đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao niềm tin của người dân vào đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Từ đó, bà con hăng hái thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng phum sóc, làng quê phát triển.

Phương Nghi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bac-lieu-dong-bao-khmer-chung-tay-xay-dung-phum-soc-188665.html