Bắc Lè vươn mình

Đưa ánh mắt hướng về dòng sông Năng lững lờ trôi, đồng chí Trần Văn Khu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bắc Lè, xã Đà Vị (Na Hang) nhớ lại Bắc Lè xưa cũ cơ cực, gian khổ. Bắc Lè nay giống như một bức tranh trù phú, sung túc được vẽ lên bởi sức lao động cần cù, sáng tạo của đồng bào Tày dưới ánh sáng của Đảng…

Từ gian khó...

Bắc Lè đón chúng tôi vào ngày đầu tháng 3 trong tiết trời se lạnh. Con đường bê tông vào thôn trải dài, một bên là dòng Năng xanh vắt, một bên là những ngôi nhà sàn cột gỗ, hai tầng xen lẫn những mái nhà xây theo phong cách hiện đại của người Tày. Trước cửa mỗi hộ gia đình, lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay trong gió. Nhìn làng quê thanh bình đầy tràn trề nhựa sống, mấy ai biết được, trên mảnh đất này, Bắc Lè từng là vùng đất hoang sơ, cái nghèo đeo bám.

Hội viên phụ nữ thôn Bắc Lè thoát nghèo từ nghề khai thác thủy sản trên sông Năng.

“Gia đình tôi là hộ chuyển lên khu tái định cư này đầu tiên. Toàn bộ khung nhà cũ, vật chất, tài sản phải vận chuyển bằng bè mảng qua sông. Cả khu đất bằng phẳng, rộng mênh mông không có một bóng nhà khiến tôi hoang mang. Được bà con, bộ đội mất bao công sức giúp tôi dựng được ngôi nhà thì ngay đêm đó sau trận mưa to, đất đồi sạt “ăn” vào nhà. Lại một lần nữa, nhà tôi phải di rời đến nơi khác” - Chị Trần Thị Thấm, Chi hội trưởng Phụ nữ thổn thức khi nhớ lại ký ức cách đây 15 năm.

Bắc Lè là thôn thuộc vùng lòng hồ Thủy điện Na Hang phải di dời vào năm 2006. Tại khu tái định cư, mặt bằng chưa hoàn thiện, đường giao thông, điện, nước chưa có trong khi việc di rời cấp bách vì nước tích nhanh, phương tiện vận chuyển duy nhất là bè mảng. Chi bộ thời điểm đó có 11 đảng viên. Trước sức ép về thời gian, thực tiễn của thôn, sự lo lắng của người dân, trách nhiệm nặng nề đặt lên vai của các đảng viên trong chi bộ. Ban ngày, đảng viên trong chi bộ đến từng nhà tuyên truyền, vận động, trấn an người dân, nắm những khó khăn, hạn chế, nguyện vọng của từng hộ. Bóng tối buông xuống, nhiều đảng viên vượt sông đi họp chi bộ để bàn các phương án di rời, huy động lực lượng giúp đỡ hộ dân, phương tiện vận chuyển… đến tận đêm khuya.

Chi bộ đưa ra phương án hộ nào ở nơi thấp di rời trước, ở nơi cao di rời sau; ưu tiên di rời nhà dân trước, nhà đảng viên sau; làm thêm bè mảng để có thêm phương tiện vận chuyển. Ông Trần Văn Khu ngày ấy là chi ủy viên chứng kiến cảnh bà con vất vả vận chuyển tài sản, ông vay 30 triệu đồng, giá trị ước khoảng bằng 4 con trâu to để mua một chiếc xuồng hỗ trợ nhân dân.

“Đến giờ chúng tôi không thể tính đếm được bao nhiêu công sức, không kể hết được sự gian khổ của chi bộ, nhân dân trong công cuộc di dời, ổn định cuộc sống tại khu tái định cư. Từ đó, tôi mới thấm thía “Đảng, cán bộ là đầy tớ của nhân dân”. Khi ý Đảng, lòng dân đồng thuận thì sự đoàn kết là sức mạnh to lớn để chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” - ông Khu bày tỏ.

Vậy là sau 3 tháng, Bắc Lè hoàn thành di dời tới nơi ở mới. Mặc dù là khu tái định cư tại chỗ nhưng người dân vẫn nhớ đất cũ hoang hoải. Cuộc sống mới ngổn ngang, thiếu thốn, nhiều khó khăn. Làm gì, làm như nào để lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại nơi ở mới là trăn trở của những đảng viên trong suốt những năm qua.

Không còn hộ gia đình đảng viên nghèo

Chi bộ, đảng viên tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân phải nỗ lực vượt qua khó khăn, phải tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại vào Đảng, Nhà nước. Thôn được Nhà nước giao rừng theo Chương trình 327 và 661 với diện tích khoảng 300 ha; đảng viên và nhân dân tận dụng trồng xen canh cây ngô, cây lúa trong 2 năm đầu của chu kỳ trồng rừng mới. Tận dụng diện tích bán ngập hàng năm từ 4-5 ha, đảng viên và nhân dân trong thôn đã tận dụng trồng ngô, lạc và khai thác nguồn lợi thủy sản trên vùng lòng hồ.

Đảng viên Chi bộ thôn Bắc Lè, xã Đà Vị (Na Hang) gương mẫu trong thực hiện mô hình tự quản về vệ sinh môi trường.

“Bà con ngẫm xem! Xưa đất đai mênh mông, mình vẫn bị đói là vì không biết áp dụng khoa học kỹ thuật, không thay đổi con giống, cây giống có năng suất cao, chưa cần cù, chịu khó. Đất giờ thu hẹp rồi nhưng chúng ta khắc phục được hạn chế trên, thôn ta vẫn no cái bụng đó thôi. Thôn ta không được cho đất nghỉ. Chúng ta không sợ nghèo, chỉ sợ không đủ sức khỏe mà làm kinh tế thôi”. - Đồng chí Trần Văn Khu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bắc Lè nói với bà con.

Chi bộ Bắc Lè hiện có 21 đảng viên. Nói đi đôi với làm, đảng viên trong chi bộ phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế. Hiện nay, chi bộ không còn đảng viên là hộ nghèo.

“Tìm gặp bác Cảnh khó lắm. Bác luôn chân, luôn tay từ sáng tới tối mịt. Hết lên rừng thì lại ra nương, soi bãi, rồi chăm đàn lợn” - Ông Lộc Trung Vận, Chi hội trưởng CCB nói về hội viên tiêu biểu của mình.

Đảng viên La Văn Cảnh, xuất ngũ về địa phương năm 1982 và mang trong mình chất độc da cam/dioxin. 30 năm gắn bó với việc thôn, có hơn 10 năm ông là Bí thư Chi bộ. Năm 2012, ông xin thôi Bí thư Chi bộ vì lý do sức khỏe. Ông chia sẻ: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nên dù có mỏi mệt khi trái nắng trở trời, có lúc thất bại khi làm kinh tế cũng không được nản chí. Hiện nay, mô hình kinh tế của ông cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm với 10 ha rừng trồng xen lúa, ngô và chăn nuôi lợn đen sinh sản với 3 - 4 lứa lợn con/năm.

Gia đình hội viên phụ nữ Nông Thị Hằng từng là hộ nghèo nhiều năm. Mỗi khi giáp hạt, chị phải đi vay từng bát gạo. Những năm qua, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ khai thác thủy sản trên sông Năng, trồng rừng. Hàng năm, mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Có kinh tế khá giả, chị nuôi hai con đi học Đại học. “Hai vợ chồng tôi một ngày làm việc liên tục từ 4 giờ sáng đến 12 giờ trưa, có khi ra sông cả ngày. Hôm không ra sông là lên rừng, ra ruộng”. Chị Hằng hồ hởi nói.

Chị Trần Thị Thấm, đảng viên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tự hào: “Chi hội có 52 hội viên, hết năm 2020 còn 1 hộ hội viên nghèo. Phụ nữ Bắc Lè tự trọng lắm! Bị nhắc tên hộ nghèo là không thích đâu nên nhắc nhở nhau cần mẫn làm lụng, thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương”.

Chi bộ Bắc Lè luôn xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Thời gian qua, chi bộ chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ đảng viên. Mỗi đảng viên nêu cao tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu nói đi đôi với làm, gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Chi bộ cũng chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, bồi dưỡng phát triển đảng viên mới. Nhiều năm liên tục, chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh.

Đồng chí Hà Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Đà Vị phấn khởi, cùng với sự đầu tư cơ sở hạ tầng của khu tái định cư, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, đời sống kinh tế của người dân Bắc Lè được nâng lên. Thôn hiện có 104 hộ. Năm 2020, thôn giảm được 8 hộ nghèo. Toàn thôn hiện nay chỉ còn 1 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt gần 20 triệu đồng/người/năm, tăng 8 triệu đồng so với năm 2015. Những năm qua, người dân của thôn đóng góp gần 200 triệu đồng xây dựng công trình hạ tầng cơ sở.

“Đúng là bàn tay ta làm nên tất cả/có sức người sỏi đá cũng thành cơm” - Ông Khu cười tươi rói. Lãnh đạo và đồng hành với nhân dân đi qua nhiều khó khăn để có một Bắc Lè khang trang, đời sống ngày càng nâng cao chính là niềm hạnh phúc của những cán bộ, đảng viên ở Bắc Lè.

Bài, ảnh: Bích Hằng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/bac-le-vuon-minh-142993.html