Bắc Giang: Ưu tiên nguồn lực chăm lo đời sống người có công

Phát huy truyền thống 'Uống nước nhớ nguồn', ngoài nguồn ngân sách, công tác xã hội hóa trong chăm lo người có công (NCC) được các cấp, ngành, cơ quan, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, góp phần nâng cao đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách của tỉnh Bắc Giang.

Không để phát sinh hộ nghèo là NCC

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 25,3 nghìn NCC và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Cùng với giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách với NCC theo quy định của Nhà nước, nhiều năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được các cơ quan, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực.

Nhân viên y tế Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh khám, tư vấn sức khỏe cho NCC huyện Tân Yên.

Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hằng năm, UBND tỉnh, Sở LĐTBXH ban hành kế hoạch, chỉ đạo các địa phương mở đợt cao điểm vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp. Trung bình mỗi năm kêu gọi được khoảng 2 tỷ đồng, ưu tiên kinh phí hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, công trình vệ sinh, tặng sổ tiết kiệm, giúp vốn, cây con giống… cho đối tượng chính sách hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm qua, Bắc Giang phấn đấu không để hộ NCC nghèo.

Theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025, trong tổng số 180 hộ NCC thuộc diện nghèo, cận nghèo toàn tỉnh, huyện Sơn Động có 129 hộ. Bà Vi Thị Tú, Trưởng Phòng LĐTBXH huyện cho biết, với mục tiêu kết thúc năm 2022 xóa nghèo cho 100% hộ nghèo, cận nghèo là NCC (vượt trước 1 năm so với kế hoạch tỉnh giao), Phòng đã tham mưu với UBND huyện ban hành kế hoạch, phương án hỗ trợ cụ thể; phân công rõ trách nhiệm của từng ngành, đơn vị liên quan và 15/17 xã, thị trấn còn hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện chính sách.

Toàn huyện đã phân bổ từ ngân sách và huy động các nguồn xã hội hóa được 2,6 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo là NCC, đạt 100% tổng số kinh phí dự kiến chi theo nhu cầu thực tế. Trong số này có 1,5 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của 15 đơn vị, DN đã ký kết chương trình phối hợp trợ giúp địa phương; hơn 500 triệu đồng từ các nguồn vận động khác.

Ông Cam Đức Dong, thương binh ở thôn Nà Ó, xã An Lạc chia sẻ: “Khi các con trưởng thành, có việc làm, thu nhập nên đời sống gia đình tôi phần nào bớt khó khăn. Tuy vậy, công trình vệ sinh của nhà tôi vẫn tạm bợ, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình. Cuối năm 2022, được hỗ trợ 20 triệu đồng từ nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm, gia đình tôi đã xây dựng công trình đáp ứng tiêu chí để thoát nghèo”. Ngoài phần quà ý nghĩa này, ông Dong còn được hỗ trợ 5 triệu đồng để chi phí khám, chữa bệnh.

Đoàn viên thanh niên TP Bắc Giang thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Huyện Việt Yên hiện có gần 1,6 nghìn NCC đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong huy động xã hội hóa, từ năm 2015 đến nay, toàn huyện có gần 200 hộ NCC được hỗ trợ kinh phí cải tạo nhà ở, tổng kinh phí khoảng 6 tỷ đồng.

Ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hằng năm, dựa trên kết quả rà soát tình hình đời sống các hộ NCC, UBND huyện chỉ đạo mỗi cơ quan, đoàn thể nhận giúp đỡ ít nhất một trường hợp thuộc diện chính sách. Đến nay, trên địa bàn không còn hộ NCC và thân nhân NCC thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, là địa phương duy nhất trong tỉnh duy trì liên tục kết quả này (từ năm 2015).

Chung tay vì việc nghĩa

Những ngày tháng Bảy là dịp đặc biệt để mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức hoạt động ý nghĩa để tri ân NCC. Công tác xã hội hóa chăm lo NCC có sự chung tay của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh như: Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc (Việt Yên) tặng quà gia đình chính sách nơi đứng chân; Công ty TNHH Việt Thắng (TP Bắc Giang) trích kinh phí giúp hội viên hội cựu chiến binh tỉnh phát triển mô hình kinh tế; Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong (Hiệp Hòa) dành hơn 200 triệu đồng/năm để hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho NCC hoàn cảnh khó khăn.

Đến xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa) những ngày giữa tháng 7, đơn vị thi công đang khẩn trương tu sửa nghĩa trang liệt sĩ xã. Được biết, công trình xây dựng từ năm 1982 nhưng do ngân sách xã hạn hẹp nên địa phương mới cải tạo công trình được một lần vào năm 2000.

Cán bộ, đoàn viên thanh niên xã Hoàng Vân làm đẹp nghĩa trang liệt sĩ xã

Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, xã huy động hơn 2,9 tỷ đồng để nâng cấp, tu sửa toàn bộ kỳ đài, cổng vào, tường bao, lát nền, lối đi và ốp đá, làm đẹp 94 phần mộ liệt sĩ tại đây. Trong số này, ngân sách tỉnh hỗ trợ 1 tỷ đồng; huyện hỗ trợ 400 triệu đồng, số còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa. UBND xã chỉ đạo các hội, đoàn thể huy động lực lượng ra quân vệ sinh nghĩa trang, tổ chức lễ thắp nến tri ân.

Ông Phạm Duy Trung, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nhiều năm nay, từ nguồn đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xã luôn hoàn thành kế hoạch thăm hỏi, tặng quà 100% gia đình chính sách trên địa bàn. Các doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm, con em địa phương đang sinh sống, học tập ở mọi miền đất nước ủng hộ kinh phí tặng quà, hỗ trợ xây nhà cho đối tượng chính sách khó khăn. Xã công khai, minh bạch nguồn hỗ trợ, thông tin chi tiết về tiến độ, kết quả thi công nhằm tăng hiệu quả vận động sau này".

Đến nay, 100% hộ NCC trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Hằng năm, có 97% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Từ hơn 10 năm nay, cứ đến dịp 27/7, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh lại tổ chức chương trình khám, tư vấn sức khỏe, tặng thuốc cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn huyện Tân Yên.

Bà Nguyễn Thị Thời, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Năm nay, đơn vị tổ chức khám sàng lọc các bệnh thông thường và tặng thuốc bổ cho 120 NCC. Do điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện được cải tạo khang trang nên hoạt động này được tổ chức tại đơn vị (trước đây tổ chức tại UBND xã). Những trường hợp khó khăn được bệnh viện hỗ trợ đưa đón. Ngoài ra, đơn vị còn trích kinh phí tổ chức thăm, tặng 25 suất quà gia đình cán bộ, nhân viên y tế có thân nhân thuộc diện chính sách".

Để duy trì hiệu quả công tác chăm lo đời sống NCC, theo ông Bùi Quang Phát, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, giải pháp quan trọng là vận động các nguồn xã hội hóa. Thời gian tới, ngành LĐTBXH tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân ủng hộ tích cực, tạo nguồn quỹ giúp đỡ NCC; tập trung vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp; các địa phương chủ động rà soát, nắm bắt hoàn cảnh từng đối tượng chính sách khó khăn để có cách thức hỗ trợ phù hợp.

Bài, ảnh: Tường Vi

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/409043/bac-giang-uu-tien-nguon-luc-cham-lo-doi-song-nguoi-co-cong.html