Bắc Giang: Chuyện bất thường xung quanh 'dự án thủy lợi Sông Sỏi'

Không những chưa nhận được hoặc nhận chưa đủ tiền bồi thường, từ khi dự án xây dựng hệ thống thủy lợi Sông Sỏi khu vực lòng Hồ Quỳnh đi vào hoạt động, nhiều hộ dân nơi đây đang “sống dở, chết dở"

Chuyện thật như đùa…

Mặc cái nắng cực nóng như thiêu như đốt, chúng tôi vẫn quyết định tìm về khu vực lòng Hồ Quỳnh (Yên Thế, Bắc Giang) khi bà con nơi đây cũng đang phải đối diện với những câu chuyện “cười ra nước mắt” .

Có tới gần 80 hộ dân liên quan đến dự án xây dựng hệ thống thủy lợi Sông Sỏi đã lặn lội đi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng, từ cấp cơ sở đến Trung ương để gửi đơn kiến nghị nhưng đều “bặt vô âm tín”.

Tìm đến căn nhà nằm lọt thỏm dưới lòng hồ, sát mặt đập. Đứng trên bờ đập nhìn xuống, căn nhà nhỏ bé tựa bị nước hồ xung quanh bủa vây. Đó là nhà chị Đỗ Thị Sinh ở Bãi Lát, xã Tam Tiến.

Cảnh nước ngập đã là hình ảnh quen thuộc mà người dân nơi đây phải chịu đựng. Đúng như câu người ta thường nói: "Sống chung với lũ"

Chị Sinh thở dài và nói: “Trước kia nhà tôi đâu phải như thế này, từ ngày dự án Hồ Quỳnh xây dựng, thành ra nhà tôi giờ đây nhìn cứ như ốc đảo”. Để khẳng định lời nói của mình là đúng chị cung cấp cho chúng tôi đoạn video ghi bằng điện thoại vào mùa lũ năm ngoái. Video rất thực, nước lũ lênh láng bủa vây căn nhà. Lũ về đúng vào đêm khiến gia đình chị hoảng loạn. Bởi từ xưa đến nay, chưa bao giờ gia đình chị phải đối diện với hiện tượng đó cả.

Lúc đó, chị gọi điện cho cán bộ xã, rồi cán bộ thôn để “cầu cứu” nhưng lại nhận được lời “khước từ” với lý do, lũ to quá, con đường vào nhà chị lại bị ngập lụt nên không thể vào để xem xét tình hình được.

Trong đợt ấy, vài chục con gà và 10 thùng nuôi ong mật bị lũ cuốn trôi. Với anh chị, vượt qua đợt lũ ấy, thì số gà và ong bị thiệt hại như vậy vẫn còn là may, “thôi thì của đi thay người”.

Trận lũ năm ngoái đã cuốn trôi đàn gà và ong mật, còn đây là cảnh ngộ của năm nay

Ba mẹ con chị Sinh dẫn chúng tôi ra sau nhà để quan sát hiện trạng nước dâng. Khó có thể ngờ rằng, mấy tuần nay, nắng nóng, oi bức, không có trận mưa nào mà nước hồ vẫn dâng cao vào khu vườn nhà chị. Bên hông trái của nhà, nước từ lòng hồ đã dâng lên đến tận chuồng nuôi gà, khiến cái chuồng phải bỏ hoang.

Thời chưa xây dựng hồ chứa nước, nơi đây chỉ là con suối nhỏ. Giờ nhìn kỹ, mực nước lênh láng chẳng khác nào con sông lớn. Hàng nghìn mét vuông đất trồng cây bạch đàn, cây vải thiều của gia đình chị Sinh đều bị chết ngập trong nước. Anh Sơn (chồng chị) phải nhờ người quen lên tận Thái Nguyên mua cưa máy về cắt gỗ. Các cây bạch đàn lớn còn bán được dăm ngàn, chứ cây vải chỉ cưa ra để làm củi nấu cám lợn dần.

Từ lúc đến giờ, tôi vẫn không rời mắt khỏi hình ảnh bốn chiếc thuyền tôn đang nằm im trong tư thế mắc cạn. Hóa ra, kể từ khi khu vườn của gia đình chị Sinh và hàng chục gia đình khác xung quanh đây biến thành “biển nước” thì người ta sắm thuyền đánh cá. 02 chiếc thuyền là của dân chài lưới gửi nhờ, còn 02 chiếc thuyền tôn là do gia đình chị mua dự phòng khi có lũ, trị giá hơn 2 triệu đồng/ 1 chiếc.

Trong lúc đang nói chuyện thì, con gái chị đem một chùm vải ra mời mọi người. Cậu con trai út thì cứ cầm quả vải nửa muốn ăn, nửa không dám vì sợ bị mẹ mắng. Tôi phải bông đùa với nó một câu: “cháu cứ ăn thoải mái đi, chứ ở quê chú đầy vườn” thì thằng bé mới hết dám ăn.

Lý giải thay cho hành động thèm thuồng của thằng bé, người đàn ông, trạc ngoại ngũ tuần, vốn là hàng xóm của chị Sinh ngồi cạnh liền nói vẻ thểu não: “Mấy năm trước vải được mùa bọn nhỏ đâu có thèm đến mức này. Kể từ khi xây dựng hồ chứa nước, lũ lên liền quét ngang qua vườn vải, bao nhiêu chất màu mỡ bị cuốn trôi, bà con cũng chẳng dám bón phân, đâm ra vải mất mùa”.

Trong lúc người đàn ông phân trần, đồng nghiệp của tôi đã chủ động chèo thuyền để xác định “lộ giới” diện tích nước dâng lên so với trước kia. Theo lời chỉ của chị Sinh thì đám bụi cây chết chìm trong nước cách bờ khoảng 15 mét trước kia chính là “lộ giới” vườn và suối. Bây giờ, “lộ giới” đó có mực nước khá sâu. Đồng nghiệp của tôi cầm chiếc gậy khá dài cắm xuống nhưng vẫn không chạm đáy. Vì sợ không may có chuyện xảy ra nên mọi người đều gọi với: “quay trở lại đi thôi, nguy hiểm lắm đấy”.

Ông Lý Thế Nghiệp, một trong số người có tên trong danh sách gửi đơn kiến nghị góp ý với PV rằng: nên chọn một số gia đình bị nước “bủa vây” khó khăn đi lại để ghi nhận. Thống nhất quan điểm, nhóm PV chúng tôi chia ra nhiều tốp theo chân bà con lên đường tìm hiểu sự việc.

Tôi theo chân ông Nghiệp cùng một số người phụ nữ “phi” xe máy đến nhà anh Lăng Văn Sự. Lối dẫn vào nhà thật độc đáo, bởi hai bên mênh mang là nước, còn con đường uốn lượn mong manh như sợi dây thừng. Dù mấy ngày qua trời nắng nóng, khô hạn, nước vẫn dâng lên đến tận móng chuồng trâu trước mặt nhà. Bên dưới, con trâu vẫn đang quẫy mình trong nước. Nơi đó, cách đây không lâu vốn là khu vườn trồng trọt của nhiều hộ dân. Còn giờ đây, mênh mông là nước…

Bản thân anh Lý Văn Sự cũng phải buồn lòng khi nhắc đến trận lụt năm ngoái. Nước ở thượng nguồn đổ về đến đập Quỳnh liền ứ lại và dâng lên. Lũ dâng cao khiến cho con đương duy nhất dẫn vào nhà bị biến mất trong làn nước đục ngầu. Khi đó, căn nhà của anh Lý Văn Sự phút chốc trở thành ốc đảo. Phải mất hai ngày nước mới rút, gia đình mới thở phào nhẹ nhỏm.

Rất nhiều bà còn muốn chở thuyền đưa tôi đến một số xem hộ bị cô lập hoàn toàn. Tuy nhiên, một nhóm bà con khác khuyên ngăn vì trời quá nắng gắt, nước rộng mênh mông, thời gian chèo thuyền đến đây phải rất lâu. Trong lúc mọi người còn đang tranh cãi, thì hai đồng nghiệp của tôi cũng đến sau một hồi khảo sát. Vừa thấy tôi, anh đồng nghiệp tỏ vẻ lắc đầu nói: “nhiều nơi khác cũng tương tự thế này chú ạ! Một dự án gì mà mực nước hồ vượt cao so với quy định, chắc có điều bất thường ở đây rồi!”.

Nhiều bất thường tiếp tục mở ra...

Không biết vì tình cờ hay có sự báo trước, khi chúng tôi quay trở vào nhà chị Sinh thì hàng chục hộ dân từng có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng lúc này phần lớn đều có mặt.

Khi tiếp xúc với bà con nơi đây, chúng tôi mới ngỡ người. Việc bà con phải khổ sở đối diện với nước ngập mênh mông chỉ là một trong số rất nhiều vấn đề liên quan đến dự án. Bên cạnh đó, hầu hết nguồn nước giếng khoan bị ô nhiễm không thể sử dụng được trong khi nhiều hộ dân chưa nhận được tiền đền bù, hoặc nhận rồi nhưng chưa đủ. Giá cả đền bù chưa thỏa đáng , có vấn đề bất thường trong cách áp dụng mức giá.

Theo như thông báo ngày 18/4/2013 của UBND huyện Yên Thế, thì tổng diện tích thu hồi từ dự án là 106 ha. Địa điểm khu đất thu hồi gồm: xã Xuân Lương khoảng 95 ha; còn xã Tam Tiến là 11 ha. Điều đó có nghĩa để khảo sát được toàn bộ khu vực này là tương đối rộng, khó lòng đi hết được chỉ trong một ngày.

Tuy nhiên số tiền đền bù cho những thiệt hại thì lại chẳng được là bao. Hơn thế, hết hạn đền bù gần 3 năm bà con vẫn chưa nhận hết tiền, hay chuyện áp dụng giá đền bù không thỏa đáng.

Theo lời chị Sinh, “xót xa lắm em ạ, người ta chỉ đền bù diện tích đất bị ngập chứ có đền bù tài sản trên đất đâu”. Càng xót xa hơn khi chị nói, người ta đền bù giá đất có khoảng gần 6.000 đồng/m2, bằng việc áp dụng giá đất rừng, trong khi đó diện tích đất này là đất vườn, gia đình chị đã canh tác nhiều năm, có biên lại thu thuế đất đàng hoàng.

Như vậy đã đủ thấy có quá nhiều bất thường liên quan đến dự án mà người dân đang phải gánh chịu. Nhà chị Sinh đã vậy, những người dân khác thì sao?

Trước những khó khăn người dân nơi đây đang phải đối diện, những thiệt hại mà dự án đã gây ra. Và trước những tiếng than, tiếng kêu của người dân trong suốt thời gian qua, chính quyền, chủ đầu tư dự án đang ở đâu?

Nhóm PV

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/thoi-su/bac-giang-chuyen-bat-thuong-xung-quanh-du-an-thuy-loi-song-soi-68963