Bà Thái Hương: Việc làm luật xa rời thực tiễn nên không thúc đẩy sản xuất

"Khi làm luật họ không căn cứ vào thực tiễn. Việc làm luật hiện nay xa rời thực tiễn nên không thúc đẩy sản xuất, thậm chí còn kìm hãm sản xuất", bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị TH True Milk cho biết tại tọa đàm BizTALK "Ngày Doanh nhân bàn về xóa bỏ rào cản kinh doanh" do BizLIVE tổ chức sáng 11/10.

Tại buổi tọa đàm, dù đánh giá cao tinh thần của Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 của Chính phủ và cho luật doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp nhưng ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng vẫn có vài khó khăn.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM). Ảnh: Quang Sơn.

Theo ông Thành, nước nào cũng vậy, 95-97% là doanh nghiệp nhỏ, không có nguồn lực nào có thể hỗ trợ tất cả. Nên đôi khi đâu đó trong luật, các câu có tính khẩu hiệu nhiều, và như thế tính ràng buộc thấp.

Thứ hai, hỗ trợ nhưng không được làm méo mó thị trường, vi phạm cam kết quốc tế. Đi vào thực tế, nó động chạm rất nhiều luật khác và các cam kết quốc tế. Muốn hỗ trợ một nhóm, một lĩnh vực thì không phải dễ.

Có những cái hỗ trợ được như xúc tiến thương mại, thì nó lại liên quan đến nguồn lực, khả năng tiếp cận. Cho nên cá nhân tôi cho rằng tinh thần thì tốt nhưng để thực hiện hóa thì còn nhiều đắn đo suy nghĩ để ra một luật thực sự tốt cho doanh nhân .

Cuối cùng cũng là điều quan trọng nhất. Mặc dù luật có nhiều chiều cạnh, nhưng nó vẫn chưa thể lý giải tất cả các lý do vì sao doanh nghiệp Việt Nam khó trưởng thành và lớn mạnh. Điều này xuất phát từ bốn lý do. Một là quyền tài sản, thứ hai là quyền cạnh tranh trong đó có các doanh nghiệp nhà nước. Thứ ba là các yếu tố sản xuất (đất đai, vốn, môi trường sản xuất, và chi phí giao dịch quá cao).

“Theo tôi, Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được đắn đo, suy xét kỹ và từ giờ cho tới cuối năm luật này khó mà được thông qua”, ông Thành khẳng định.

Đồng quan điểm với ông Thành, ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng luật này khó được thông qua trong năm nay, bởi việc làm luật ở Việt Nam khác với các nước khác trong khu vực. Cụ thể các nước sẽ theo những trường phái luật khác nhau.

Tại Việt Nam, đối tượng không được tham gia nhiều trong quá trình xử án, mà chủ yếu là qua cơ quan điều tra, quan tòa kết luận. Nên không giải quyết nhanh được vấn đề.

Bà Hương Vũ - Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ thuế và tư vấn Ernst & Young Việt Nam (phải) và bà Thái Hương (trái). Ảnh: Quang Sơn.

Bàn thêm về vấn đề này, bà Hương Vũ - Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ thuế và tư vấn Ernst & Young Việt Nam cho biết: “Đọc nghị quyết 35 mới thấy Thủ tướng rất quan tâm đến hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng làm sao để cụ thể hóa nghị định vào thực tế thì rất khó, bởi sau nó là thông tư, các giấy phép con ở dưới nữa. Đặc biệt vướng mắc ở vấn đề thu thuế, hoàn thuế”.

“Ngay cả các cán bộ thu thuế, hoàn thuế cũng luôn mang trong đầu tư duy áp đặt với nhà đầu tư, người trả thuế một cách cứng nhắc, gây khó khăn. Vì thế, hiện thực hóa ý tưởng của Chính phủ là vấn đề lớn và khó khăn”, bà Hương Vũ nói thêm.

Đồng tình với bà Hương Vũ, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị TH True Milk cho rằng, khi làm luật các nhà làm luật không căn cứ vào thực tiễn. Việc làm luật hiện nay xa rời thực tiễn nên không thúc đẩy sản xuất, thậm chí còn kìm hãm sản xuất.

“Đơn cử như quá trình xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật công nghệ cao nhưng họ không hề hỏi tôi. Khi đã ban hành luật thì “đè” người ta ra thu thuế. Do đó, khi làm luật cần phải bám sát thực tiễn”, bà Thái Hương cho biết.

Bà Thái Hương cũng cho rằng, mọi luật đều xuất phát từ thực tiễn. Nhưng thực tế hiện nay, luật lại không xuất phát từ thực tiễn mà lại sách vở. Đáng lẽ phải có mối liên kết, nhưng thực tế anh công thương đi một đường, anh nông nghiệp đi một đường.

“Công ty tôi có những công cụ nằm trong danh sách công cụ lao động được ưu tiên rồi, nhưng nhân viên thuế đến lại bảo cái này không có trong biểu thuế, phải áp mức thuế 5% cơ. Đợt vừa rồi tôi ra sân bay xuất ngoại nhưng lại bị nhân viên hải quan giữ lại. Tôi hỏi lý do, thì họ bảo tôi chưa nộp đủ thuế. Hóa gia theo bảng thuế của Nghệ An thì tôi đang là người trốn thuế!”, bà Thái Hương cho biết.

Ông Hà Quang Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hanoi Milk. Ảnh: Quang Sơn.

Đồng ý với những quan điểm nêu trên, ông Hà Quang Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hanoi Milk bổ sung thêm: Nghị quyết 35 là chương trình dài hơi nên năm tháng sau ban hành chưa thể hiện được gì nhiều. Tuy nhiên, với nghị quyết này, Thủ tướng đang thổi một luồng gió mới vào thị trường đầu tư, tạo sự phấn khởi cho doanh nhân.

“Dưới nghị quyết còn thông tư, trên còn luật pháp cần sửa đổi, nhưng với tinh thần cầu thị, quyết tâm ủng hộ doanh nghiệp chúng ta sẽ làm được, đó là những vấn đề hiện hữu, không phải một sớm một chiều và cần có thời gian”, ông Tuấn kết lại.

Kiều Châu

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/ba-thai-huong-viec-lam-luat-xa-roi-thuc-tien-nen-khong-thuc-day-san-xuat-2069128.html