Ba nhà mạng lớn cùng triển khai 4G

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã trao giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ di động 4G cho cả 3 nhà mạng lớn Viettel, VNPT VinaPhone và MobiFone. Ngay sau đó, Viettel và VNPT cho biết sẽ cung cấp dịch vụ này với giá cước không đổi, thậm chí dự kiến còn thấp hơn so với 3G.

Khách hàng trải nghiệm mạng 4G của MobiFone. Ảnh: Thành Luân

Sẽ triển khai rộng khắp

Ngày 3-11-2016, VNPT VinaPhone là nhà mạng đầu tiên chính thức cung cấp dịch vụ 4G tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) - một trong số địa phương mà đơn vị này đã thử nghiệm thành công trước đó. Được biết, ngay trong ngày kinh doanh 4G, VinaPhone đã công bố tốc độ truy cập internet trung bình đạt từ 50 đến 80Mb/s, cao hơn 7-10 lần so với tốc độ trung bình của mạng 3G, đặc biệt tốc độ truy cập tối đa của VinaPhone 4G có thể đạt tới 300Mb/s. Với tốc độ này, người dùng sẽ được trải nghiệm các hoạt động tương tác với internet như download, upload, livestream, chơi game được tối ưu với độ trễ giảm 1-3 lần so với hiện nay. Đáng chú ý, VinaPhone 4G có thể thay thế được cho đường truyền internet trong một số trường hợp. Nhà mạng này cũng cam kết thiết lập mạng 4G tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với 21.000 trạm BTS 4G, phủ sóng tại các huyện, khu du lịch, khu công nghiệp… bảo đảm chất lượng dịch vụ liên tục và rộng khắp cho người sử dụng.

Tại lễ nhận giấy phép cung cấp dịch vụ 4G chiều 4-11-2016, Viettel cho biết sẽ cung cấp dịch vụ vào quý I-2017, đồng thời cam kết phủ sóng mạng 4G rộng khắp trên toàn quốc như 2G với số lượng 35.000 trạm BTS. Viettel đã sản xuất, thử nghiệm thành công thiết bị hạ tầng cho mạng 4G (trạm thu phát vô tuyến 4G macro), sẽ đưa thiết bị hạ tầng 4G vào sử dụng tại Lào, Đông Timor và 3 tỉnh của Việt Nam trong quý I-2017.

Tập đoàn này cũng cho biết, từ năm 2018 sẽ thay thế thiết bị mạng lõi nhập ngoại bằng sản phẩm tự sản xuất. Cũng tại buổi nhận giấy phép, lãnh đạo Tập đoàn Viettel hy vọng sẽ đưa Việt Nam vào danh sách 30 quốc gia triển khai 4G mạnh nhất trên thế giới trong vài năm tới.

Giá dịch vụ không tăng so với 3G

Một vấn đề được dư luận quan tâm đó là mức giá cước dịch vụ 4G. Về vấn đề này, VNPT cho biết sẽ cung cấp dịch vụ 4G với giá cước không đổi so với 3G. Thực tế, khi chính thức kinh doanh tại Phú Quốc, VNPT VinaPhone cũng đã công bố, tùy theo từng gói cước, cước 4G của VNPT VinaPhone có giá tương đương, thậm chí thấp hơn so với 3G.

Cụ thể, gói cước 4G của VinaPhone thấp nhất là X15 chỉ 15.000 đồng/tháng, dung lượng 350MB (gói 3G hiện nay là X19 có giá 19.000 đồng/tháng, dung lượng 350MB); gói X25 với mức cước 25.000 đồng/tháng, dung lượng là 600MB (gói 3G là X29 có giá 29.000 đồng/tháng, dung lượng 550MB); tương tự như vậy, gói cước 4G BIG 70 có giá cước 70.000 đồng/tháng, dung lượng tới 1,6 GB (gói cước này 3G đang là MAX với 70.000 đồng/tháng, dung lượng chỉ 600 MB)… Như vậy, có thể nhận thấy, cước 4G mà nhà mạng này đưa ra có giá thấp hơn hoặc ngang bằng, nhưng dung lượng lớn hơn và đương nhiên tốc độ cao hơn. Còn với nhà mạng Viettel cũng dự kiến mức cước 4G sẽ thấp hơn 3G.

Cả hai nhà mạng đã công bố giá cước 4G sẽ ngang bằng, thậm chí thấp hơn 3G, vậy còn MobiFone? Được biết, nhà mạng này đang gấp rút để triển khai 4G rộng rãi trên phạm vi 3 thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng. Trước đó, từ ngày 1-7-2016 khi thử nghiệm dịch vụ tại 3 địa phương trên, nhà mạng này đã đưa ra gói cước tích hợp có giá thấp nhất là 120.000 đồng/tháng (dung lượng tới 3GB) tặng kèm các dịch vụ như miễn phí 120 phút thoại, 120 tin nhắn nội mạng, xem truyền hình MobiTV, đồng thời kèm các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Thoạt nhìn thì có vẻ giá cước sẽ cao hơn, song trừ phần sử dụng dữ liệu (thường là 70.000 đồng/tháng) thì số tiền còn lại cũng mang đến cho người dùng các dịch vụ khác khá hấp dẫn. Một lý do nữa khiến các nhà mạng khó có thể tăng giá dịch vụ dữ liệu 4G hơn so với 3G vì thị trường viễn thông di động vốn cạnh tranh quyết liệt, không dễ gì tự ý tăng giá khi mà đối thủ cạnh tranh trực diện đã chào giá thấp.

Tuy nhiên, khi sử dụng dịch vụ 4G, khách hàng cũng cần lưu ý, mạng 4G có tốc độ lớn, do vậy khi sử dụng với dung lượng cho phép có thể sẽ hết nhanh hơn so với 3G. Trong quá trình sử dụng, khách dùng theo gói cần có biện pháp kiểm soát dung lượng, tránh vượt cước phụ trội mà không biết. Ngược lại, các nhà mạng cũng nên có biện pháp thông báo ngay cho khách khi thuê bao dùng hết gói cước đăng ký để kịp thời điều chỉnh, tránh xảy ra những phản ứng không mong muốn khi dùng quá quy định.

Việt Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Cong-nghe/855376/ba-nha-mang-lon-cung-trien-khai-4g