Ba đơn vị đại diện quyền tác giả ký kết hợp tác

Chiều 24/2, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị về hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và ký kết Chương trình phối hợp giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam. Chiều 24/2, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị về hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và ký kết Chương trình phối hợp giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam. Chiều 24/2, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị về hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và ký kết Chương trình phối hợp giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, đại diện các tập thể về quyền tác giả, quyền liên quan đã tham dự Hội nghị.

Ở nước ta, sau nhiều năm nghiên cứu và chuẩn bị, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan đã được thành lập, gồm: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (được thành lập ngày 22/8/2002, Trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam); Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (thành lập ngày 15/8/2003): Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (thành lập ngày 25/8/2004 trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam); Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (thành lập ngày 29/3/2010) và Hội Bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (thành lập ngày 25/2/2016).

Hội nghị về hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (ảnh Minh Khánh)

Tại Hội nghị, các tổ chức, đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan đã có những báo cáo về kết quả đạt được.

Theo đó, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ở nước ta đi vào hoạt động đã thu được những kết quả đáng khích lệ, tạo niềm tin cho các hội viên ủy thác quyền đồng thời góp phần đưa các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được thi hành trong đời sống xã hội và được dư luận hoan nghênh.

Các tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các hoạt động: Phát triển hội viện; thu tiền bản quyền; xây dựng trang web riêng, xây dựng phần mềm quản lý hệ thống hoặc cơ sở dữ liệu tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm…

Hội nghị cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Hệ thống tổ chức đại diện ở Việt Nam phát triển chưa đầy đủ, chưa đủ mạnh và chuyên nghiệp; chưa thực hiện đầy đủ tính công khai, minh bạch; hoạt động cấp phép, thu và phân phối tiền bản quyền đang gặp nhiều khó khăn, có lĩnh vực chưa triển khai được, ảnh hưởng đến niềm tin của hội viên.

Chưa có sự hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức đại diện tập thể với nhau trong xử lý các vướng mắc xảy ra trong thực tiễn hoạt động hoặc trong lĩnh vực và phạm vi quản lý quyền có liên quan.

Thứ trưởng Vương Duy Biên: Việc ba đơn vị ký kết chương trình phối hợp là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam (ảnh Minh Khánh)

Để khắc phục những tồn tại trên, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đã phối hợp với các cơ quan thuộc các Bộ, ngành liên quan làm việc với các tổ chức đại diện tập thể như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam; Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam; Hội Bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam xây dựng Chương trình phối hợp giữa ba bên theo quy định tại Điều 35, Nghị định số 85/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, đây là một giải pháp quan trọng, đột phá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua liên quan đến thu và phân phối tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng lại bản ghi âm, ghi hình dưới các hình thức phát sóng, tại các nhà hàng, karaoke, trên môi trường mạng internet…

Tại Hội nghị, sau khi ký kết ba bên, ông Phó Đức Phương- Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, sự hợp tác giữa ba đơn vị theo quy định này thể hiện việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan đã tiến thêm một bước. “Chính sách về quyền tác giả, quyền liên quan là chính sách vô cùng quan trọng của nước ta. Hiện nay, Cục Bản quyền tác giả là cơ quan Nhà nước quản lý vấn đề này, có sự hỗ trợ, phối hợp của 5 đơn vị, với mục tiêu đi dẫn đến văn minh và công bằng xã hội. Quyền tác giả, quyền liên quan nếu không được bảo vệ xứng đáng thì sẽ triệt tiêu nguồn lực trí tuệ, triệt tiêu sáng tạo của xã hội”- ông Phó Đức Phương nhận định.

Đại diện ba đơn vị ký kết Chương trình hợp tác (ảnh Minh Khánh)

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng, việc ba đơn vị ký kết chương trình phối hợp là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam.

Để các hoạt động của các tổ chức và chương trình phối hợp giữa các tổ chức được hiệu quả, Thứ trưởng đề nghị, đối với Cục Bản quyền tác giả, các Cục, Vụ liên quan: xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có quy định về hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể trong quý IV/2017; Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, Thứ trưởng Vương Duy Biên yêu cầu: Xây dựng và hoàn thiện các văn bản, các Điều lệ, Quy chế nội bộ theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho hội viên các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cũng như Điều lệ, chức năng, nhiệm vụ, quyền, lợi ích hợp pháp của Hội viên; Tổ chức có hiệu quả nội dung của Chương trình phối hợp./.

Hồng Hà

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/ba-don-vi-dai-dien-quyen-tac-gia-ky-ket-hop-tac-229674.html