Ba điều 'không thể' của Mỹ ở Syria

Chủ đề nóng nhất về chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay là có nên hay không can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến Syria. Tờ Vox (Mỹ) nhận định, theo tình thế hiện tại, sẽ là thảm họa nếu Mỹ can thiệp sâu hơn vào Syria.

Không thể tránh chiến tranh với Nga nếu dùng “vùng cấm bay”

"Vùng cấm bay", giống như tên gọi của nó, là một không phận, nơi các máy bay sẽ không được phép bay. Ở Syria, điều này có nghĩa là máy bay Mỹ sẽ chặn, thậm chí có thể bắn hạ máy bay của chính phủ Syria và máy bay Nga bay ở “vùng cấm bay” nếu cần thiết.

Theo Vox, biện pháp trên không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng Syria, nhưng về mặt lý thuyết, nó giúp Mỹ tăng cường hỗ trợ cho quân nổi dậy bằng cách giúp các nhóm nổi dậy hành động mà không sợ bị tấn công từ trên không.

Tuy nhiên, việc thiết lập một vùng cấm bay như vậy không hề dễ dù Mỹ có khả năng rất nổi trội. Đầu tiên, Mỹ phải đảm bảo an toàn cho máy bay Mỹ, tức là tiêu diệt các hệ thống phòng không của Syria, bắn hạ các máy bay của Syria.

Trong khi đó, Tổ chức chuyên phân tích chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia War on the Rocks đã từng đưa ra một đánh giá chi tiết cho rằng mạng lưới phòng không của Syria, bao gồm các tên lửa đất đối không, mạnh hơn nhiều so với bất kì quốc gia nào khác mà Mỹ đã từng lập vùng cấm bay. Chưa kể đến việc, Mỹ sẽ phải đối đầu với các máy bay Nga đang hoạt động ở Syria.

Theo Vox, máy bay Nga hiện đang tấn công trực tiếp các nhóm khủng bố tại nhiều nơi ở Syria như Aleppo. Nếu lập vùng cấm bay với sự phản đối của Nga, Mỹ sẽ phải hạ cả các máy bay Nga.

Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Rốt cuộc, không khí căng thẳng thậm chí là đối đầu quân sự giữa Nga và Mỹ sẽ chẳng giúp gì cho tình hình ở Syria mà còn gây tổn hại đến nhiều người Nga và người Mỹ. Thậm chí, một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn giữa hai cường quốc hạt nhân cũng có thể xảy ra.

Do vậy, có rất nhiều rủi ro để thực hiện một chính sách không thể ngăn được nội chiến Syria. Những người ủng hộ lập vùng cấm bay hay bất kì chính sách nào tương tự cần giải thích được rằng tại sao họ nghĩ nguy cơ chiến tranh với Nga không đáng ngại bằng việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.

Không thể tránh triển khai nhiều binh sĩ tới Syria nếu dùng “khu vực an toàn”

Một số giới chức Mỹ đề xuất thành lập một "khu vực an toàn" dưới mặt đất Syria, trong đó phía nam là khả quan nhất. Tại đó sẽ không có xung đột. Ý tưởng này là nhằm tạo ra một khu vực, nơi thường dân có thể ổn định cuộc sống, các cơ quan viện trợ nhân đạo có thể hoạt động tự do, không sợ hãi, làm giảm bớt sự đau khổ cho thường dân và giảm dòng người tị nạn. Một số còn đề xuất, một khu vực an toàn sẽ là “thiên đường” cho các đội quân nổi dậy ôn hòa, là nơi Mỹ có thể đào tạo và trang bị cho lực lượng chiến đấu chống chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, theo Vox, ý tưởng này cũng một lần nữa chỉ mang tính lý thuyết. Nó chẳng thể kết thúc khủng hoảng Syria. Thậm chí còn gây ra một số hậu quả nghiêm trọng.

Lập một khu vực an toàn dưới mặt đất ở Syria cũng không phải dễ.

Những gì đã xảy ra ở thị trấn Srebrenica của Bosnia là một ví dụ. Năm 1993, khi chiến tranh Bosnia đang diễn ra, Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố Srebrenica là một khu vực an toàn cho thường dân trú ngụ, tránh xung đột. Hàng chục ngàn thường dân đã bỏ chạy về thị trấn này vì tin rằng họ sẽ được an toàn. Tại đây có khoảng vài trăm người Hà Lan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Theo Vox, năm 1995, các lực lượng Bosnia Serb tấn công thị trấn. Kết quả, nhiều thường dân thiệt mạng. Cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan gọi đây là "hành động phạm tội chiến tranh tồi tệ nhất trên đất châu Âu kể từ sau Thế Chiến thứ hai".

Bài học đó được áp dụng cho Syria rất hợp lý. Bất kỳ khu vực an toàn nào cũng cần phải được bảo vệ rất nhiều, từ cả dưới mặt đất và trên không. Nếu không như vậy, rất có thể một thảm kịch khác như Srebrenica sẽ tái diễn. Theo một ước tính của Lầu Năm Góc, việc lập một khu vực an toàn ở Syria sẽ cần tới 15.000 tới 30.000 binh Mỹ.

Và nếu Mỹ điều một số lượng quân lớn như vậy tới Syria, tình hình sẽ chẳng khác gì với “vũng lầy” mà Mỹ đã từng bị sa ở Iraq.

Do vậy, những ai ủng hộ kế hoạch này cũng cần phải giải thích về việc làm thế nào để tránh phải đưa quá nhiều lính Mỹ vào con đường nguy hiểm.

Không thể chặn các nhóm Hồi giáo cực đoan nếu tăng cường hỗ trợ quân nổi dậy

Syria tan hoang vì nội chiến

Nhiều kế hoạch can thiệp Syria tại Washington muốn các nhóm nổi dậy đủ mạnh để lật đổ ông Assad hoặc dọa ông phải từ chức trong hòa bình. Để điều đó xảy ra, các phiến quân cần thêm súng và cần được đào tạo chuyên nghiệp hơn. Điều đó có nghĩa là CIA sẽ phải tăng cường các chương trình đào tạo và trang bị liên tục cho họ.

Tuy nhiên, kế hoạch này chẳng đi đến đâu bởi có quá nhiều vấn đề phát sinh. Một trong những vấn đề lớn nhất là việc quân nổi dậy ở Syria không phải là một nhóm đồng nhất. Họ bao gồm nhiều nhóm nổi dậy khác nhau. Do vậy, rất khó để kiểm soát các loại vũ khí mà Mỹ cung cấp cho quân nổi dậy. Nhiều nhóm nổi dậy là các nhóm Hồi giáo cực đoan, bao gồm tổ chức Jabhat al-Fateh Sham (JFS) có liên quan tới al-Qaeda.

Một quan chức Mỹ đã từng nói: “Nhiều quân nổi dậy do CIA huấn luyện bị chi phối bởi ngày càng nhiều những kẻ cực đoan”.

Quân nổi dậy cực đoan lấy được càng nhiều vũ khí của Mỹ thì Syria càng khó tái thiết và ổn định dù ông Assad có bị lật đổ hay vẫn tại vị. Do vậy, kế hoạch hỗ trợ cho quân nổi dậy chứa đựng quá nhiều rủi ro.

PHẠM KHÁNH (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ba-dieu-khong-the-cua-my-o-syria-post212468.info