Ba cường quốc thế giới cùng triển khai căn cứ quân sự ở Tajikistan

Tajikistan là quốc gia duy nhất trên thế giới có cùng lúc các căn cứ quân sự của Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo Viện Chiến lược Nga (RUSSTRAT), Tajikistan là quốc gia Trung Á có đường biên giới dài nhất với Afghanistan, đồng thời quân đội của họ được coi là yếu nhất trong khu vực, vì vậy rất cần sự hiện diện của căn cứ quân sự nước ngoài.

Chúng ta đang nói về căn cứ quân sự số 201 của Nga - một đội hình tổng hợp của Quân khu Trung tâm. Căn cứ được hình thành vào năm 2004 với việc triển khai ở Dushanbe và Kurgan-Tyube. Quân số vào khoảng 7,5 nghìn người, gần bằng quy mô Quân đội Tajikistan (khoảng 9 nghìn người).

Song về trang bị quân sự, căn cứ số 201 có số lượng vũ khí lớn hơn nhiều lần so với tiềm lực của Quân đội Tajikistan.

Kho vũ khí tại đây bao gồm pháo phản lực phóng loạt BM-27 Uragan, hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M, khoảng 100 xe tăng T-72B1 và 300 xe bọc thép các loại như BMP-2M, BTR-82A, pháo binh và hệ thống tên lửa phòng không.

Căn cứ này có một trung đoàn tên lửa phòng không, đơn vị vào năm 2019 đã nhận được một bộ tổ hợp S-300PS. Nhóm không quân gồm có cường kích Su-25, trực thăng Mi-8 và Mi-24, cũng như một tiểu đoàn máy bay không người lái Orlan-10, Eleron-3 và Tachyon.

Bổ sung cho danh sách này là tổ hợp gây nhiễu vô tuyến Pole-21 và đài tác chiến điện tử R-934BMV. Không có gì ngạc nhiên khi các chuyên gia của căn cứ quân sự thường xuyên đào tạo cấp cơ sở cho lực lượng vũ trang Tajikistan trong hơn 14 chuyên ngành.

Khả năng của lực lượng Nga đóng tại đây có thể chống lại các mối đe dọa quân sự tiềm ẩn, cả độc lập và hợp tác với quân đội Tajikistan, đặc biệt là là khoảng 70.000 tay súng đóng trên khu vực biên giới Afghanistan.

Nguy cơ những tay súng này đột phá vào lãnh thổ Tajikistan và xa hơn là tới Nga là cực kỳ cao. Với thực tế trên, quan chức Dushanbe không dừng lại ở việc đảm bảo an ninh của chính mình thông qua Nga.

Ngoài Moskva, Bắc Kinh cũng tham gia vào lĩnh vực an ninh quân sự của đất nước Trung Á này. Cách đây vài năm, có thông tin cho rằng phía Trung Quốc đang xây dựng căn cứ cho lực lượng đặc biệt của Bộ Nội vụ Tajikistan ở hẻm núi Wakhan, phía Tây Khu tự trị Gorno-Badakhshan.

Do vậy, không có gì ngăn cản Trung Quốc củng cố căn cứ với đội ngũ 300 - 500 quân nhân, vài chục xe bọc thép và máy bay không người lái vì lợi ích của họ cũng như Dushanbe.

Bắc Kinh từ lâu đã tham gia vào việc đảm bảo an ninh ở Tajikistan, điều này được biện minh bởi nhu cầu kiểm soát Hành lang Wakhan, hạn chế buôn bán ma túy và ngăn chặn sự tương tác giữa lực lượng ly khai .

Trở lại năm 2016, Bắc Kinh đảm bảo xây dựng 3 văn phòng chỉ huy, 4 đồn biên phòng và 1 trung tâm huấn luyện. Vào tháng 11/2018, Trung tâm Chống khủng bố, Chủ nghĩa Cực đoan và Chủ nghĩa Tách biệt đã được mở tại Dushanbe bằng nguồn vốn của Trung Quốc.

Trong mọi trường hợp, căn cứ được tạo ra với sự hỗ trợ của Trung Quốc sẽ cho phép sử dụng máy bay không người lái và điều khiển radar để theo dõi tình hình ở cả hành lang Wakhan và phía Bắc Afghanistan- Pakistan, cũng như nhanh chóng trấn áp các hành động trái phép.

Liệu việc này sẽ do lực lượng an ninh của Tajikistan và Trung Quốc cùng thực hiện, hay chỉ do phía Tajik đảm nhiệm thì thời gian sẽ trả lời. Dựa trên những thông tin gián tiếp có sẵn, khả năng phương án thứ nhất là khả thi hơn.

Trung Quốc thu lợi không chỉ từ việc đảm bảo an ninh. Bắc Kinh là nhà đầu tư và xuất khẩu lớn nhất đối với nước cộng hòa này. Nợ công của Dushanbe với Bắc Kinh là 1,1 tỷ USD, chiếm 33% nợ nước ngoài. Do đó, Trung Quốc cũng bảo vệ các khoản đầu tư của mình.

Điều quan trọng đối với Moskva là lợi ích của Trung Quốc và Nga trùng khớp ở đây. Các hành động của Bắc Kinh không nhằm mục đích ép Nga ra khỏi khu vực chiến lược quan trọng này.

Ngoài ra còn căn cứ của Ấn Độ. Nếu Nga và Trung Quốc bận rộn với vấn đề an ninh thì lợi ích của New Delhi lại tập trung vào hoạt động tình báo. Kể từ những năm 90, phục vụ Liên minh phương Bắc chống Taliban của Afghanistan, một bệnh viện quân y của Ấn Độ đã hoạt động tại thành phố Farkhor.

Hiện tại không có thông tin đáng tin cậy về việc nó còn hoạt động hay không, nhưng định kỳ có thông tin rằng Ấn Độ tiếp tục sử dụng cơ sở quân sự của mình ở Farkhor cho các nhu cầu của cộng đồng tình báo nước này.

Giả định được hỗ trợ bởi thực tế là các cuộc đàm phán với Tajikistan về việc sử dụng căn cứ đã được tiến hành bởi Cục Nghiên cứu và Phân tích (cơ quan tình báo nước ngoài của Ấn Độ) để theo dõi tình hình ở Afghanistan cũng như Pakistan.

Ngoài cơ sở này, Ấn Độ còn sử dụng sân bay Aini (Gissar) - nơi Nga triển khai trực thăng chiến đấu. Theo Globalsecurity.org, Trung tâm Nghiên cứu Hàng không Ấn Độ (ARC), đơn vị có nhiệm vụ trực quan hóa và trinh sát, định kỳ sử dụng căn cứ không quân này vì lợi ích riêng của mình.

Thậm chí thỉnh thoảng còn xuất hiện thông tin cho biết các máy bay chiến đấu Su-30 và MiG-29 của Không quân Ấn Độ đã được điều động tới đóng quân trong một thời gian ngắn.

Điểm mấu chốt là Trung Quốc và Nga đặt mục tiêu đảm bảo an ninh quân sự cho Tajikistan như một rào cản giữa họ và các nhóm cực đoan. Trong khi đó Ấn Độ không tham gia vào việc này mà tập trung vào do thám lãnh thổ Afghanistan và Pakistan.

Trong trường hợp trên, việc sử dụng ồ ạt vũ khí và trang thiết bị quân sự chỉ có thể thực hiện được với thành phần của căn cứ quân sự 201 của Liên bang Nga. Danh pháp thiết bị quân sự của Trung Quốc và Ấn Độ không cho phép điều này.

Đồng thời vẫn có thể mở rộng các căn cứ quân sự của Bắc Kinh và New Delhi. Trong trường hợp này, Trung Quốc có nhiều cơ hội hơn, bởi vì việc tăng cường thiết bị quân sự của Ấn Độ cần có sự chấp thuận của Pakistan hoặc Trung Quốc.

Xét về lợi ích chung, hiện không có mối đe dọa nào đối với Nga trong quá trình mở rộng của Trung Quốc hay Ấn Độ. Ngược lại, có khả năng các bên cùng hợp tác để chống lại kẻ thù chung.

Bắt đầu với sự tương tác của các căn cứ quân sự hiện có ở Tajikistan, điều này có thể được chuyển lên một cấp độ cao hơn khi Trung Quốc, Ấn Độ và Nga tạo ra một liên minh quân sự chính thức, đặt lãnh thổ Âu - Á và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới sự kiểm soát chung.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ba-cuong-quoc-the-gioi-cung-trien-khai-can-cu-quan-su-o-tajikistan-post499460.antd