ASEAN có nguy cơ không ra được tuyên bố chung vì Campuchia

ASEAN đang đối mặt với nguy cơ không thể ra được tuyên bố chung, lặp lại sự cố năm 2012 cũng vì sự chống đối của Campuchia với văn bản tuyên bố. Hội nghị sẽ có thời hạn đến 26.7, ngày họp cuối cùng, để đi tới thỏa thuận và ra tuyên bố chung - một nhà ngoại giao ASEAN cho biết.

Toàn cảnh phiên họp AMM. Ảnh: TTXVN.

Ngày 24.7 tại Vientianne, các ngoại trưởng ASEAN đã thảo luận vấn đề Biển Đông, trong đó nhắc đến cả phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12.7 cũng như vấn đề cần tôn trọng luật pháp quốc tế.

Các cuộc thảo luận diễn ra trong phiên họp kín.

Tuy nhiên Campuchia tiếp tục phản đối việc nhắc tới phán quyết Biển Đông trong văn bản tuyên bố chung của hội nghị. Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon từ chối bình luận về quan điểm của nước ông.

Trước đó một ngày, hôm 23.7, tại Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN thảo luận dự thảo tuyên bố cho Hội nghị Ngoại trưởng, Campuchia đã ngăn chặn việc nhắc tới phán quyết của Tòa trọng tài bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao ASEAN cho biết, Campuchia là nước duy nhất chống lại việc nhắc tới phán quyết cũng như bất kỳ việc quân sự hóa nào trên Biển Đông.

Một ủy ban đã làm việc từ hôm 20.7 cố gắng đưa ra tuyên bố của ASEAN chấp nhận được cho tất cả các bên, song Campuchia đã làm hỏng nỗ lực của họ. Indonesia đã đề nghị các ngoại trưởng có cuộc họp không chính thức tối 23.7 để đi tới thỏa thuận. ASEAN đang cố gắng tránh việc lặp lại sự cố năm 2012, khi lần đầu tiên trong lịch sử 49 năm tổ chức này không ra được tuyên bố chung tại hội nghị ngoại trưởng - đó là lần hội nghị ở Campuchia. Một nhà ngoại giao Indonesia cho biết, ASEAN có thể ra một tuyên bố riêng nhấn mạnh sự đoàn kết. "Nhà chúng ta đang rối loạn" - ông nói. "Chúng tôi không muốn ASEAN giống Châu Âu. Chúng tôi muốn cứu ASEAN và đoàn kết trở lại".

Tuy nhiên các cuộc thảo luận ngày 24.7 vẫn chưa đem lại kết quả. ASEAN đang đối mặt với nguy cơ lần thứ hai không ra được tuyên bố chung của hội nghị ngoại trưởng.

"Chúng tôi đã gặp phải vấn đề này và tôi hy vọng họ có thể giải quyết" - Reuters dẫn lời một quan chức Ban thư ký ASEAN ở Indonesia nói. "Lại cùng một câu chuyện, lại lặp lại cuộc gặp năm 2012".

ASEAN còn 2 ngày nữa, ngày 26.7, ngày họp cuối cùng để vượt qua khác biệt và ra được tuyên bố chung - một nhà ngoại giao ASEAN nói. Trong 2 ngày tới, các thành viên ASEAN sẽ gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng sẽ tới Vientiane. Trung Quốc đã phản đối một cách giận dữ khi ông Kishida nói rằng ông sẽ thảo luận vấn đề Biển Đông nếu ông gặp Ngoại trưởng Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng thúc giục Nhật "không khuấy lên và làm rắc rối vấn đề Biển Đông" bởi "Nhật không phải bên liên quan ở Biển Đông và vì lịch sử đáng xấu hổ của nước này, thì Nhật không phải ở vị thế đưa ra các bình luận vô trách nhiệm về Trung Quốc".

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói rằng, Bắc Kinh sẽ "ngăn cản sự can thiệp bởi các nước ngoài khu vực muốn làm phiền sự hợp tác của chúng ta". Thứ trưởng Lưu cũng nói rằng Trung Quốc sẽ cân nhắc tổ chức các phòng đàm phán mới về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) vào tháng tới. Wang Yiwei, Giám đốc Viện nghiên cứu Quốc tế thuộc Đai học Nhân dân Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc có thể đáp lại sức ép của Nhật và Mỹ bằng cách nhượng bộ về COC.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/asean-co-nguy-co-khong-ra-duoc-tuyen-bo-chung-vi-campuchia-576078.bld