APEC đang đi đúng hướng

Online - Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan, sáng 17-5 tại Hà Nội, Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC (PSU) đã tổ chức họp báo công bố Báo cáo về các xu thế ở khu vực APEC với tiêu đề “Toàn cầu hóa: Tốt - Xấu và vai trò của chính sách”, dưới sự chủ trì của TS Denis Hew, Giám đốc PSU.

Hai mặt của toàn cầu hóa

Báo cáo của PSU cho biết, toàn cầu hóa và thương mại quốc tế đã đóng góp vào việc gia tăng mạnh mẽ thịnh vượng và phúc lợi của nhân loại trong 50 năm qua. Việc trao đổi hàng hóa, công nghệ và thông tin nhờ quá trình toàn cầu hóa đã cải thiện một cách sâu rộng mức sống và giảm nghèo trên toàn thế giới.

APEC chuẩn bị bước vào thập niên thứ tư trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công nghệ số, đang làm thay đổi bức tranh kinh tế toàn cầu. Công nghệ đang làm cho nhân loại trở nên kết nối và gắn kết hơn, tạo nhiều cơ hội phát triển, song cũng tạo ra không ít thách thức. Theo TS Denis Hew, tại các nền kinh tế phát triển, các số liệu ngày càng khiến dư luận lo ngại khi mà có những nơi tỷ lệ thất nghiệp lên đến 70-80% dưới tác động của công nghệ số. “Có tình trạng thất nghiệp dài hạn mà chúng tôi vẫn thường gọi là thất nghiệp có tính cơ cấu. Đây là tình trạng người lao động làm việc tại các nhà máy sản xuất không đủ khả năng chuyển đổi nhanh chóng sang làm công việc mới khác, ví dụ như họ không có các kỹ năng cần thiết cho các vị trí như kỹ sư phần mềm hay quản lý truyền thông xã hội”, TS Denis Hew cho biết.

TS Denis Hew chủ trì họp báo.

Báo cáo của PSU đã phân tích số liệu thương mại và việc làm của 125 nền kinh tế trong giai đoạn 2000-2014 về tương quan cụ thể giữa xuất khẩu và việc làm, thừa nhận không phải ai cũng được hưởng lợi từ toàn cầu hóa. Kết quả cho thấy xuất khẩu tăng 10% thì việc làm dành cho người lao động có kỹ năng thấp kém hoặc trung bình giảm 1,1 đến 2,1%.

PSU khẳng định toàn cầu hóa không phải liều thuốc để giải quyết mọi bất bình đẳng xã hội; nhưng sự thịnh vượng, thông tin và giao lưu con người có được nhờ quá trình toàn cầu hóa có thể được sử dụng để bảo đảm phân phối một cách công bằng hơn những cơ hội và lợi ích. “Bản thân toàn cầu hóa sẽ không dẫn tới một xã hội công bằng và bình đẳng hơn. Để đạt được điều đó, cần tới nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách và ý chí của các chính trị gia để chuyển hóa cơ hội thành hiện thực”, báo cáo nêu rõ.

Chính vì vậy, PSU khuyến nghị cần có các chính sách điều chỉnh liên quan thương mại để hỗ trợ những người lao động bị thua thiệt bởi toàn cầu hóa và công nghệ số. Trên phương diện kinh tế, các chính sách này bao gồm việc tạo điều kiện cho người dân liên tục được đào tạo (và tái đào tạo) các kỹ năng, hỗ trợ tạm thời cho các hộ gia đình bị tác động bởi thất nghiệp cơ cấu, cũng như tạo điều kiện tiếp cận vốn để khởi nghiệp. Ở tầm toàn cầu đó là các điều chỉnh chính sách thương mại dựa trên luật lệ nhằm khuyến khích hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế, vì nếu nền kinh tế đó tham gia vào thị trường toàn cầu sẽ hỗ trợ quá trình điều chỉnh trong nước. “Công nghệ số giúp tạo ra việc làm, song lại cũng khiến nhiều người mất việc làm. Các trường đại học cần xem xét lại chương trình giáo dục – đào tạo. Có một thực tế là nhiều sinh viên đại học đã chọn học các chuyên ngành mà có thể không còn phù hợp khi họ ra trường. Làm thế nào để hài hòa giữa cung và cầu về nguồn nhân lực chính là vấn đề cần được các nền kinh tế thành viên APEC xem xét nghiêm túc”, TS Denis Hew chia sẻ.

Tăng trưởng GDP của APEC sẽ cao hơn toàn cầu

Cũng theo báo cáo của PSU, tăng trưởng thương mại của khu vực APEC đã bắt đầu được cải thiện từ giữa năm 2016. Trong cả năm 2016, kim ngạch trung bình của xuất khẩu hàng hóa trong APEC giảm 4,1%, thấp hơn mức giảm 8,7% năm 2015. Nhập khẩu cũng có chung xu hướng này. Thương mại APEC được cải thiện là nhờ thương mại toàn cầu năm 2016 tăng trưởng tích cực hơn năm 2015. 5 trong số tốp 10 các nền kinh tế hàng đầu thế giới về tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2016 là các nền kinh tế thành viên APEC. Tổng nguồn vốn FDI vào 5 nền kinh tế thành viên này lên tới 710 tỷ USD, tương đương 46,7% tổng lượng FDI toàn cầu năm 2016.

Các phóng viên báo chí tham dự họp báo.

PSU dự báo GDP của APEC về ngắn hạn, trong giai đoạn 2017 - 2018, sẽ đạt mức 3,8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu. Tăng trưởng của khu vực APEC năm 2019 dự kiến đạt 3,7%, bằng mức tăng trưởng toàn cầu. “Tốc độ tăng trưởng của thế giới và APEC có xu hướng tăng trong ngắn hạn nhờ kỳ vọng các hoạt động thương mại và đầu tư sẽ sôi động hơn, việc áp dụng các biện pháp tài chính nhằm kích thích tăng trưởng, đặc biệt là tại Mỹ và Trung Quốc, và sự tăng giá trở lại của các hàng hóa. Tuy nhiên, còn nhiều bất định đáng kể về thương mại, tiền tệ và chính sách tài chính có thể làm gián đoạn các hoạt động thương mại và đầu tư, và tác động trái chiều đến tăng trưởng kinh tế”, báo cáo của PSU nhận định.

Theo PSU, sự rõ ràng, minh bạch và nhất quán của các chính sách kinh tế có thể mang tính quyết định đối với quy mô và chiều hướng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn của APEC. Về trung hạn, quản lý kinh tế vĩ mô cần được hỗ trợ bởi tái cấu trúc hướng tới thúc đẩy sáng tạo, hình thành những thị trường cạnh tranh hơn, tạo thuận lợi cho mọi thành phần xã hội tham gia và tăng cường tính tự cường về kinh tế, qua đó đóng góp vào mục tiêu của APEC về tăng trưởng bền vững, công bằng và bao trùm.

APEC- nơi “ươm mầm” những ý tưởng mới

Báo cáo của PSU được đưa ra trong bối cảnh sự hoài nghi về toàn cầu hóa và lợi ích của thương mại tự do đang nổi lên ở một số nơi trên thế giới. Chính vì vậy, trong khi khẳng định toàn cầu hóa “lợi hơn hại”, TS Denis Hew cho rằng vấn đề đặt ra hiện nay đối với các nền kinh tế thành viên APEC là cần làm tốt công tác thông tin để công chúng thấy được những lợi ích của toàn cầu hóa, của tự do thương mại và đầu tư, từ đó chung tay thúc đẩy một mô hình tăng trưởng mới bền vững hơn.

Giám đốc PSU cũng nhận định các nền kinh tế thành viên APEC đang đi đúng hướng với việc thúc đẩy cải cách cơ cấu, tăng trưởng chất lượng, tăng cường kết nối, phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ, phát triển con người và nâng cao năng lực. “APEC là địa chỉ rất tốt để thảo luận về các vấn đề cấp bách hiện nay như xu hướng chống toàn cầu hóa, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công nghệ số... APEC chính là nơi “ươm mầm” những ý tưởng mới, biến những ý tưởng đó thành hành động giúp giải quyết các thách thức mới nổi. Tôi tin tưởng rằng khu vực châu Á –Thái Bình Dương vẫn đủ sức dẫn dắt các xu thế tăng trưởng và liên kết kinh tế ở khu vực và trên thế giới trong thời gian tới”.

Bài, ảnh: HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/apec-dang-di-dung-huong-507608