Áp trần giá dầu Nga: Lý thuyết khác xa thực tế

Ngày 5-12-2022 khởi đầu của biện pháp áp trần giá dầu Nga do nhóm G7 và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt, nhằm làm giảm doanh thu từ dầu thô của Nga nhưng vẫn giữ cho dầu từ Nga chảy vào thị trường quốc tế.

Có một thực tế là dầu thô không được giao dịch theo giá cố định

Có một thực tế là dầu thô không được giao dịch theo giá cố định

Giá trần dầu Nga có hiệu lực sẽ mang lại cho các thương nhân ở châu Âu ít nhất một cơ hội về mặt lý thuyết để mua bán dầu thô Nga, song thực tế mọi sự không suôn sẻ với những nhà kinh doanh dầu mỏ.

Đầu tiên, Mỹ, Canada và Anh đã có lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, vì vậy việc giới hạn giá trần không tạo ra sự khác biệt nào đối với họ. Nhật Bản, mặc dù ủng hộ áp giá trần, nhưng đã được miễn trừ vì Nhật hoàn toàn phụ thuộc vào hydrocarbon nhập khẩu.

Bên cạnh đó, có một thực tế là dầu thô không được giao dịch theo giá cố định. Dầu được giao dịch theo cách mà thường không thể tuân thủ mức trần, ngay cả với kịch bản Nga đồng ý bán cho những người ủng hộ áp giá trần.

Bloomberg dẫn lời các thương nhân, nói rằng rất nhiều người trong số họ có nguy cơ bị mắc kẹt với các lô hàng dầu của Nga có giá cao hơn mức giá trần 60 USD/thùng. Điều này chắc chắn đe dọa nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.

John Driscoll, chiến lược gia trưởng tại JTD Energy Services, nói: “Các thương nhân hiếm khi giao dịch ở một mức giá cố định. Đó là một không gian phức tạp, nơi họ giao dịch dựa trên các công thức và chênh lệch giao ngay so với chuẩn dầu thô để giao dịch các lô hàng thực tế”.

3 loại dầu hàng đầu của Nga, gồm Urals, Sokol và ESPO, được định giá theo các hợp đồng kỳ hạn hoặc thả nổi, có nghĩa là giá cuối cùng của một lô hàng chỉ được xác định vài tuần sau khi mua lô hàng đó.

Bloomberg dẫn một ví dụ với việc Trung Quốc mới đây mua một lô dầu ESPO của Nga. Giá lô hàng này, theo hợp đồng, thấp hơn so với mức trung bình của hợp đồng tương lai dầu thô Brent, song mức trung bình đó sẽ chỉ được tính vào cuối tháng này.

Vấn đề đó tạo ra những phức tạp cho các thương nhân muốn tuân thủ giá trần dầu Nga, vì không có cách nào để biết liệu giá của một lô hàng có ở dưới mức trần vào thời điểm cần thanh toán hay không. Ngoài ra, các lô hàng có thể bị trì hoãn hoặc không bao giờ đến đích vì giao dịch bị hủy do vi phạm giới hạn giá.

Thực tế, thị trường đã ghi nhận một sự gián đoạn. Sau khi áp dụng trần giá dầu Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu chứng nhận bảo hiểm cho tất cả các tàu chở dầu đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles. Các công ty bảo hiểm đã từ chối cung cấp chứng từ vì cho rằng họ chưa bao giờ cần phải làm như vậy, khiến hơn 20 tàu chở dầu bị mắc kẹt ở eo biển nước này.

Tới ngày 11-12-2022, ách tắc tại eo biển Thổ Nhĩ Kỳ mới bước đầu được tháo gỡ.

Theo các nhà phân tích, nếu những tàu chở dầu đó bị mắc kẹt trong 1 tuần nữa, sự thiếu hụt của 20 triệu thùng dầu sẽ bắt đầu được thị trường cảm nhận.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ap-tran-gia-dau-nga-ly-thuyet-khac-xa-thuc-te-674186.html