Áp thấp nhiệt đới tiến gần bờ, gây gió cấp 6 giật cấp 7-8

Sáng ngày 5/11, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng đến vùng biển từ Bình Thuận đến Bến Tre với gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Từ trưa nay, gió mạnh cấp 6-7 sẽ xuất hiện trên khu vực đất liền Ninh Thuận, Bình Thuận và ven biển Nam Bộ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương, đêm ngày 4/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,0 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Bình Thuận - Bến Tre 200km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 10 giờ ngày 5/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,8 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 12 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): Vĩ tuyến 80N đến Vĩ tuyến 120N; Kinh tuyến 1060E đến Kinh tuyến 1110E (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ nay đến sáng ngày 6/11 ở Nam Bộ có mưa to đến rất to và rải rác có giông với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 50-150mm, có nơi trên 200mm. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, Đắc Lắk, Đắc Nông và Lâm Đồng có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 50-100mm, có nơi trên 150mm.

Theo thống kê của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đến hết ngày 4/11 đã có 6 người chết, 7 người mất tích do mưa lũ trong vài ngày qua. Trong đó Quảng Bình 3 người chết, 1 người mất tích; Phú Yên 6 người mất tích; Quảng Trị 2 người chết; Đắk Lắk 1 người chết.

Mưa lũ cũng làm thiệt hại và cuốn trôi 35 nhà ; hư hỏng 45 nhà; ngập nước 1.793 nhà (Hà Tĩnh 80 nhà, Huế 13 nhà, Quảng Ngãi 19 nhà, Bình Định 1.450 nhà, Gia Lai 186 nhà); các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị nước đã rút, không còn nhà dân bị ngập.

Lũ tại Bình Định, Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên tiếp tục diễn biến phức tạp

Lũ trên các sông từ Bình Định đến Ninh Thuận tiếp tục xuống, sông Srêpốk tiếp tục lên. Đến sáng ngày 5/11, lũ trên các sông từ Phú Yên đến Ninh Thuận có khả năng lên lại, các sông ở Bình Thuận sẽ lên.

- Mực nước sông Kôn tại Thạch Hòa xuống mức 6,8m, dưới BĐ2 0,2m;
- Mực nước trên sông Ba tại Củng Sơn ở mức 33,5m, trên BĐ2: 1,5m, tại Phú Lâm ở mức 3,2m, trên BĐ2 0,5m;
- Mực nước sông Dinh tại Ninh Hòa ở mức 4,0m, ở mức BĐ1;
- Mực nước sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng ở mức 10,0m, trên BĐ2 0,5m;
- Mực nước sông Cái Phan Rang tại Phan Rang ở mức BĐ1;
- Sông Krông Ana tại Giang Sơn lên mức 422,5m, dưới BĐ2 0,5m;
- Mực nước sông Srêpốk tại Đức Xuyên lên mức 428,9m, dưới BĐ2 0,6m, tại Bản Đôn 172,5m, dưới BĐ2 0,5m;
- Mực nước các sông ở Bình Thuận, Lâm Đồng dao động ở mức BĐ1-BĐ2.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, Đăk Lăk, Lâm Đồng.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Tình trạng ngập lụt ở các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và Đắk Lắc vẫn tiếp diễn, đặc biệt tại các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn (Bình Định); Sông Cầu, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy Hòa (Phú Yên); Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa; huyện Mdrăk, Krông Bông, Eakar (Đăk Lắk).

Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa trên địa bàn các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, đặc biệt là các hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai và lưu vực sông Srêpôk.

P.V

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/ap-thap-nhiet-doi-tien-gan-bo-gay-gio-cap-6-giat-cap-7-8