Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, Hà Nội có nguy cơ ngập lụt

Báo cáo trên được đưa ra trong cuộc họp ứng phó áp thấp nhiệt đới gần bờ diễn ra vào sáng nay (25/9) tại Bộ NN&PTNT.

Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai nhấn mạnh không được chủ quan với ATNĐ lần này.

Sáng nay (25/9) tại Bộ NN&PTNT đã diễn ra cuộc họp ứng phó áp thấp nhiệt đới gần bờ do ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai chủ trì.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: 16h chiều nay (25/9) áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) gần bờ sẽ đổ bộ vào Quảng Ninh – Hải Phòng, gió mạnh nhất vùng tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8, sau đó sẽ suy yếu thành 1 vùng áp thấp.

Nói về tình hình mưa và gió trên đất liền do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ông Cường cho biết: Từ trưa và chiều nay (25/9), trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; vùng ven biển các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có gió giật mạnh cấp 6-7. Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa từ 7h sáng ngày 25/9 đến 13h ngày 26/9 phổ biển 50-100mm, riêng khu Đông Bắc có nơi trên 150mm. Chiều tối và đêm nay, ở phía Tây Bắc Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to.

“Một lưu ý nữa, ở khu vực Hà Nội từ chiều và đêm nay nhiều khả năng sẽ xuất hiện mưa lớn. Mưa ở Hà Nội lại đúng vào giờ tan tầm nên dễ xảy ra tắc đường, ngập lụt và tiềm ẩn nhiều rủi ro khác. Áp thấp nhiệt đới không mạnh lên thành bão nhưng các địa phương không được chủ quan vì sẽ xuất hiện mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở đất cũng rất dễ xảy ra” – ông Cường lưu ý.

Hà Nội nhiều khả năng có mưa lớn từ chiều nay, cần đề phong ngập úng.

Về công tác ứng phó với ATNĐ, Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai (TW PCTT) đã gửi công điện yêu cầu các tỉnh bị ảnh hưởng khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, đặc biệt là hệ thống đê điều, các hồ đập thủy lợi, các công trình kinh tế sau khi siêu bão số 10 đi qua chưa lâu. Bên cạnh đó, vấn đề sản xuất lương thực, hầm lò nguyên liệu và các vùng xung yếu có nguy cơ sạt lở lớn cũng cần đặc biệt lưu ý.

Do ATNĐ không mạnh lên thành bão, nên công tác trú tránh của tàu thuyền rất chủ quan. Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h sáng nay vẫn còn hơn 1125 phương tiện hoạt động gần bờ ở Quảng Ninh, con số này tại Hải Phòng là hơn 851 phương tiện.

Về vấn đề này, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai nhấn mạnh: ATNĐ sắp đổ bộ vào đất liền, dù không mạnh lên thành bão nhưng nếu công tác phòng chống không chủ động sẽ dẫn đến hậu quả thiệt hại nặng nề. Do đó, các lực lượng liên quan cần tránh chủ quan, cần chủ động với đợt ATNĐ lần này. Trong quá khứ, đã có rất nhiều bài học về chủ quan và sau đó gây ra thiệt hại đáng tiếc về người lẫn tài sản. Ngay sau cuộc họp này, văn phòng thường trực phải đôn đốc quyết liệt các tàu thuyền tránh trú an toàn, tuyệt đối không đánh bắt khi tâm ATNĐ tiến gần bờ.

“Vừa qua cơn bão số 10 rất lớn, nhưng công tác chỉ đạo ứng phó quyết liệt ngay từ đầu nên đã giảm thiểu đáng kể về thiệt hại. Lần này áp thấp nhiệt đới mà gây thiệt hại về người là do lỗi của chúng ta. Do đó, chúng ta không được chủ quan với áp thấp nhiệt đới” – ông Hoài nhấn mạnh./.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/ap-thap-nhiet-doi-gay-mua-lon-ha-noi-co-nguy-co-ngap-lut-675146.vov