Áp lực lạm phát những tháng cuối năm còn lớn

Lạm phát được hiểu đơn giản là hình thức giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng liên tục theo thời gian và sự mất giá của đồng tiền.

Nếu tỷ lệ lạm phát cao sẽ dẫn đến nhiều bất ổn trong nền kinh tế. Nửa đầu năm 2023 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân 3,29% so với cùng kỳ năm trước, là thành công trong kiểm soát lạm phát của Việt Nam trước bối cảnh lạm phát gia tăng ở hầu khắp các quốc gia. Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm rõ nguyên nhân vì sao Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát, đâu là áp lực gia tăng lạm phát và đâu là giải pháp kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm.

Con số phản ánh trung thực, khách quan tình hình kinh tế

Phóng viên (PV): Thưa bà, đâu là những điểm cần lưu ý từ bức tranh CPI trong 6 tháng đầu năm 2023?

Bà Nguyễn Thị Hương: So với các quốc gia, Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao khi lạm phát tháng 6-2023 tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023 do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Giá xăng, dầu, gas trong nước giảm theo giá thế giới, bình quân 6 tháng đầu năm 2023, giá xăng, dầu giảm 18,27%, giá gas giảm 9,99%.

Bà Nguyễn Thị Hương. Ảnh: MINH ĐỨC

Đối với những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng 12,87% trong tổng chi tiêu dùng của dân cư đã được Chính phủ điều hành thận trọng trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất tăng học phí năm học 2022-2023 theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021, song Chính phủ đã có nghị quyết yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí để tiếp tục hỗ trợ cho người dân. Thậm chí, một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí vào 6 tháng đầu năm 2023...

Đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm-nhóm hàng có tác động lớn tới CPI, chiếm tỷ trọng khoảng 1/4 trong tổng chi tiêu dùng của dân cư-thường xuyên được các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá, nhất là mặt hàng thịt lợn. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát, tỷ giá Việt Nam đồng ổn định so với USD, bảo đảm ổn định vĩ mô cùng với kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ là những yếu tố góp phần kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023.

PV:Nền kinh tế gặp khó khăn nên nhiều người băn khoăn về các chỉ tiêu đạt được do Tổng cục Thống kê công bố, trong đó có chỉ số CPI. Bà đánh giá sao về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Hương: Cần khẳng định rằng, thống kê không có số đẹp và cũng không có số xấu, mà chỉ có con số phản ánh trung thực, khách quan. Nếu cố tình bóp méo số liệu thống kê là có tội với nhân dân. Mỗi người làm thống kê đều nhận biết rõ việc này nên cố gắng phản ánh xác thực nhất tình hình kinh tế-xã hội. Người đứng đầu Chính phủ tôn trọng các con số phản ánh thực tế khách quan, trung thực do Tổng cục Thống kê công bố hằng tháng, quý, năm cũng như các con số qua các cuộc điều tra, tổng điều tra.

Lương tăng có thể kéo giá các hàng hóa, dịch vụ tăng theo

PV:Qua diễn biến giá cả thị trường 6 tháng đầu năm 2023, cùng với dự kiến điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý trong năm 2023, theo bà, đâu sẽ là yếu tố tác động tới CPI 6 tháng cuối năm?

Bà Nguyễn Thị Hương: Theo tôi, có một số yếu tố sẽ tác động lên CPI của nước ta, đó là: Giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục sẽ tác động mạnh tới CPI. Cùng với đó, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp lễ, tết. Đặc biệt, việc tăng lương với 9 nhóm đối tượng kể từ ngày 1-7-2023 có thể kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ khác trong gia đình tăng theo. Các chương trình hỗ trợ phục hồi, giải ngân đầu tư công của Chính phủ, dịch vụ du lịch... dự kiến sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm...

Người dân mua hàng ở siêu thị WinMart tại Hà Nội. Ảnh: MINH ĐỨC

PV: Để kiểm soát lạm phát năm 2023 đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (khoảng 4,5%), Tổng cục Thống kê kiến nghị các giải pháp như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương: Có thể thấy, áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm rất lớn, việc kiểm soát lạm phát như mục tiêu của Quốc hội đề ra là một thách thức lớn. Để kiểm soát tốt lạm phát, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Đặc biệt, cơ quan điều hành cần quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế. Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt cần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát...

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

KHÁNH AN (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ap-luc-lam-phat-nhung-thang-cuoi-nam-con-lon-733474