Áp lực giá cả của Malaysia dự báo sẽ giảm dần trong năm 2023

Các nhà kinh tế đang kỳ vọng lạm phát toàn phần của Malaysia sẽ tiếp tục giảm xuống trong năm 2023, phù hợp với xu hướng giảm nhẹ giá cả trên toàn cầu, sau khi giá dầu giảm so với năm 2022.

Người dân đi mua hàng tại một siêu thị ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Điều này dựa trên số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất do Cục Thống kê Malaysia (DOSM) công bố ngày 20/4, cho thấy lạm phát tháng 3/2023 thấp hơn so với cùng tháng trước, giảm xuống 3,4% từ mức 3,7% trong tháng 2.

Tuy nhiên, lạm phát vẫn cao hơn đáng kể trên cơ sở hàng năm khi so sánh cùng kỳ năm 2022 với lạm phát toàn phần ở mức 2,2%.

CPI cũng cho thấy điểm chỉ số được ghi nhận của tháng 3/2023 là 129,9 so với 125,6 của tháng 3/2022.

Phản ánh về số liệu lạm phát mới nhất, Giáo sư kiêm Trưởng khoa kinh tế của Đại học Khoa học và Công nghệ Malaysia (MUST) Geoffrey Williams dự báo xu hướng lạm phát sẽ suy yếu và có thể kéo dài trong suốt cả năm 2023, đặc biệt là với tác động của giá dầu thấp hơn bắt đầu phát huy tác dụng.

Ông chia sẻ: “Lạm phát giá dầu sẽ ở “mức âm” trong thời gian còn lại của năm so với năm 2022, vì giá dầu đã đạt đỉnh vào tháng 3/2022 và đã giảm kể từ đó. Hiệu ứng này sẽ giúp lạm phát ở mức vừa phải trên cơ sở hàng năm”.

Theo Giáo sư Williams, trong khi giá dầu sẽ vẫn duy trì ở mức cao do không có nhiều áp lực giảm giá, song tốc độ tăng giá sẽ chậm lại khoảng 2,5% vào nửa cuối năm 2023.

Trong hoàn cảnh hiện tại, Chính phủ Malaysia nên cho phép quá trình bình thường hóa diễn ra, vì lạm phát đang ở mức vừa phải ở những nơi khác trên toàn cầu và Malaysia cũng sẽ trải qua điều tương tự.

Điều này cũng được chứng minh qua việc lạm phát ở châu Âu đã giảm xuống mức 6,9% trong tháng 3/2023 từ mức 8,5% của tháng 2/2023, trong khi Mỹ cũng chứng kiến tốc độ giá giảm từ 6% trong tháng 2 xuống 5% của tháng 3/2023.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công tại Viện Chiến lược và Lãnh đạo châu Á kiêm Nhà kinh tế Ramon Navaratnam cho rằng, để ứng phó lạm phát hiệu quả trong dài hạn, Malaysia cần cải cách và tái cấu trúc nền kinh tế căn bản hơn.

Theo nhà kinh tế, điều này liên quan đến việc tăng cường cạnh tranh, cũng như hỗ trợ cuộc chiến chống tham nhũng và độc quyền của chính phủ hiện tại. Các biện pháp đặc biệt trong ngắn hạn để điều chỉnh hệ thống tài chính sẽ không mang lại thành công lâu dài trong việc ứng phó trước lạm phát và những thay đổi lớn là cần thiết.

Theo nhà thống kê trưởng của DOSM Mohd Uzir Mahidin, lạm phát toàn phần trong tháng Ba tăng chậm hơn là nhờ giá xăng RON97 giảm.

Ông nhấn mạnh rằng điều này diễn ra song song với xu hướng giảm của giá dầu thô Brent, dao động gần mức 78,50 USD (348,34 RM)/thùng vào tháng 3/2023 so với mức 115,60 USD (512,98 RM) cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, ông Mohd Uzir cũng chỉ ra rằng lạm phát đối với thực phẩm và đồ uống không cồn (F&NAB), cũng như nhà hàng và khách sạn (R&H) vẫn ở mức cao lần lượt là 6,9% và 7,2% mặc dù đã ghi nhận mức thấp hơn so với tháng 2/2023.

Đánh giá về giá thực phẩm tăng cao liên tục, Giáo sư Williams cho rằng tác động đến từ sự kết hợp của các vấn đề nguồn cung, thiếu cạnh tranh và chuyển chi phí từ nhà sản xuất sang người tiêu dùng, đặc biệt đối với đồ ăn xa nhà và hàng tạp hóa. Đây là mô hình đã chứng kiến trong nhiều tháng qua với F&B, nhà hàng và vận tải đẩy chỉ số tăng cao trong khi những ngành khác tương đối ổn định.

Đồng tình với vấn đề nguồn cung, nhà kinh tế Navaratnam cho rằng một số nông dân Malaysia đang phải đối mặt với việc thiếu khả năng tiếp cận đất đai, trong khi cũng phải đối phó với thu nhập thấp và thiếu vốn đầu tư cho công nghệ.

Theo nhà thống kê trưởng Mohd Uzir, trong số 230 mặt hàng thực phẩm và đồ uống (F&B), 201 mặt hàng (87,4%) đã ghi nhận tăng giá so với tháng 3/2022. Như vậy, các số liệu thống kê mới nhất cho thấy tự nấu ăn vẫn ít tốn kém hơn so với ăn ở nhà hàng nhưng tỷ lệ không đáng kể.

Đáng quan tâm đặc biệt là lạm phát đối với nhóm thu nhập thấp (ít hơn 3.000 RM/tháng) đã tăng 3,6% trong tháng 3/2023 so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do giá các mặt hàng thực phẩm như thịt, sữa và trứng tăng vọt, cũng như các nhóm chủ yếu carbohydrate của gạo, bánh mì và các loại ngũ cốc khác.

Giáo sư Williams chỉ ra rằng việc tăng lãi suất hiện tại sẽ không ảnh hưởng đến lạm phát trong 24 tháng tới nên tăng lãi suất không còn là giải pháp để ứng phó trước lạm phát.

Với quan điểm đồng tình, nhà kinh tế Navaratnam nhận định rằng hiệu ứng của các đợt tăng giá trước đó sẽ bắt đầu tác động vào cuối năm 2023. Để hỗ trợ chi phí sinh hoạt, ông khuyến nghị chính phủ nên tập trung vào thu nhập thay vì giá cả, cũng như thúc đẩy mạnh mẽ hơn các cải cách về nguồn cung, chấm dứt độc quyền và thúc đẩy cạnh tranh./.

An Nguyễn (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ap-luc-gia-ca-cua-malaysia-du-bao-se-giam-dan-trong-nam-2023/289063.html